Hà Nội chuẩn bị cấm xe máy chạy xăng trong vành đai 1: Người dân nên sẵn sàng

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng: Chất lượng không khí ở Hà Nội đã vượt ngưỡng nhiều lần trong năm. Nếu không hành động ngay, hậu quả về sức khỏe cộng đồng sẽ rất nghiêm trọng.

Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm chuẩn bị cho một chính sách giao thông mang tính bước ngoặt: cấm xe máy chạy xăng lưu thông trong khu vực Vành đai 1 từ ngày 1/7/2026. Đây là một phần quan trọng trong Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí và xây dựng đô thị bền vững. Tuy là một quyết định táo bạo, nhưng các chuyên gia khẳng định, đây là bước đi không thể trì hoãn nếu Hà Nội muốn trở thành thành phố xanh, hiện đại và đáng sống hơn.

Theo Chỉ thị số 20/CT-TTg được ban hành ngày 12/7/2025, Hà Nội phải tiến hành cấm xe máy chạy xăng trong khu vực Vành đai 1 kể từ ngày 1/7/2026. Tiếp đó, lộ trình sẽ mở rộng ra Vành đai 2 vào năm 2028 và Vành đai 3 đến năm 2030. Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh chất lượng không khí tại Hà Nội nhiều năm qua liên tục ở mức báo động.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này,” Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, chia sẻ. “Chất lượng không khí ở Hà Nội đã vượt ngưỡng nhiều lần trong năm. Nếu không hành động ngay, hậu quả về sức khỏe cộng đồng sẽ rất nghiêm trọng”.

 Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam.

Ông cũng cho biết, thành phố đang khẩn trương thực hiện nhiều nhóm giải pháp để chuẩn bị hạ tầng, hỗ trợ người dân và đảm bảo quá trình chuyển đổi được diễn ra suôn sẻ.

Thuận lợi và Khó khăn trong quá trình triển khai

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng chỉ ra những thuận lợi trong việc thực hiện chỉ thị 20. Đó là Chính phủ và chính quyền thành phố Hà Nội đang có quyết tâm chính trị cao. Thêm nữa, thị trường xe điện trong nước phát triển nhanh, mẫu mã đa dạng, giá cả ngày càng hợp lý. Đây là điều kiện giúp người dân (đặc biệt là cư dân thủ đô) có thể dễ dàng thay đổi phương tiện xe chạy xăng.

Yếu tố tiếp theo Tiến sỹ Tùng chỉ ra là về mặt con người. Thực tế cho thấy, người dân Thủ đô ngày càng có ý thức rõ ràng hơn về vấn đề ô nhiễm không khí và sức khỏe đô thị. Nhiều doanh nghiệp logistics, giao hàng nhanh cũng đang chuyển đổi sang xe điện.

Tuy nhiên, khó khăn trong việc thực hiện chỉ thị 20 cũng rất nhiều. Đó là tâm lý quen sử dụng xe máy truyền thống, đặc biệt ở nhóm lao động phổ thông. Giá xe điện và chi phí bảo trì vẫn là rào cản với người có thu nhập thấp. Mạng lưới sạc điện còn thưa thớt, thiếu đồng bộ tại các khu dân cư. Giao thông công cộng vẫn chưa đủ đáp ứng nếu nhu cầu đi lại tăng mạnh.

“Việc cấm xe máy xăng sẽ tạo ra những xáo trộn nhất định trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu được thực hiện hợp lý, đây là bước chuyển tích cực về lâu dài. Về mặt môi trường, giảm thiểu khí thải từ phương tiện cá nhân sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí, đặc biệt là nồng độ bụi mịn PM2.5 – nguyên nhân gây nhiều bệnh lý nghiêm trọng.

Về mặt xã hội, chính sách có thể giúp thúc đẩy mô hình giao thông chia sẻ, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, qua đó giảm ùn tắc, tiết kiệm tài nguyên và nâng cao chất lượng sống đô thị” – Tiến sỹ Tùng cho hay.

Hà Nội đang chuẩn bị những gì?

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, thành phố Hà Nội đang triển khai đồng loạt các giải pháp, từ phát triển hạ tầng sạc điện, nâng cấp mạng lưới giao thông công cộng, đến xây dựng chính sách hỗ trợ tài chính cho người dân đổi xe. Chính quyền cũng đang hoàn thiện việc phân vùng khu vực cấm, tăng cường tuyên truyền và tổ chức lấy ý kiến người dân.

Việc chuyển xe xăng sang xe điện trong khu vực vành đai 1 cần sự đồng thuận và chuẩn bị từ người dân.

Việc chuyển xe xăng sang xe điện trong khu vực vành đai 1 cần sự đồng thuận và chuẩn bị từ người dân.

“Hà Nội đang làm rất quyết liệt. Nhưng nếu không có sự đồng thuận và chuẩn bị từ người dân, chính sách sẽ khó đi đến thành công thực chất”, TS. Tùng nhấn mạnh.

Về phía người dân, vị chuyên gia môi trường cho rằng, mỗi người cần theo dõi sát các thông báo và chính sách hỗ trợ từ thành phố. Tìm hiểu và chuyển đổi sang phương tiện xanh như xe điện, xe đạp điện. Hạn chế di chuyển bằng phương tiện cá nhân trong nội đô, ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng. Cân nhắc đổi xe trước thời điểm 2026 để tận dụng các ưu đãi hỗ trợ.

Ngày 1/7/2026 đang đến gần, mang theo kỳ vọng và cũng không ít thách thức. Chính sách cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 là biểu tượng cho một đô thị quyết tâm thay đổi. Để thành công, cần sự phối hợp đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và đặc biệt là sự chủ động thích ứng từ người dân. Đây không chỉ là câu chuyện của giao thông, mà còn là bước tiến văn minh hướng tới một Hà Nội xanh – sạch – văn minh.

Đỗ Tùng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-chuan-bi-cam-xe-may-chay-xang-trong-vanh-dai-1-nguoi-dan-nen-san-sang-100556.html
Zalo