Hà Nội chi bao nhiêu tiền cho phân làn, tổ chức giao thông, hiệu quả ra sao?
Thời gian qua các đơn vị chuyên môn của Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức giao thông trên nhiều tuyến phố. Với công tác phân làn, kết quả được đánh giá chưa rõ ràng, thậm chí có tuyến phố phải dừng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách được thành phố Hà Nội dành cho công tác tổ chức, quản lý giao thông là hơn 1.800 tỷ đồng.
Phân làn ở Võ Chí Công, Phạm Văn Đồng chi bao nhiêu tiền?
Sau khi hàng rào sắt được dựng trên hai tuyến đường lớn là Võ Chí Công và Phạm Văn Đồng, giao thông trên hai tuyến này trở nên khó khăn, ùn tắc kéo dài; đặc biệt, nhiều người mất cả giờ để qua đường Võ Chí Công vào giờ cao điểm chiều. Ý kiến từ người dân và chuyên gia giao thông cho rằng, việc phân làn bằng hàng rào sắt không chỉ thu hẹp lòng đường, làm giảm tốc độ lưu thông, mà còn gây xung đột giữa các dòng phương tiện tại các ngã ba, ngã tư. Ngoài ra, hàng rào sắt còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến mỹ quan đô thị.

Dựng hàng rào sắt và hình nộm để phân làn trên đường Phạm Hùng những ngày qua.
Tuy nhiên, Ban Duy tu công trình hạ tầng giao thông, Sở Xây dựng Hà Nội (đơn vị thực hiện) cho biết, vẫn thực hiện theo kế hoạch về việc phân làn trên đường Phạm Văn Đồng từ ngày 4/7 và đường Võ Chí Công từ ngày 9/7.
Để thực hiện nội dung trên, Ban Duy tu đã lập thành 2 dự án triển khai cho từng tuyến đường. Theo đó, cùng với trang bị, lắp đặt hệ thống các biển báo là dạng giá long môn, dự án còn trang lắp đặt hàng nghìn mét hàng rào sắt cao gần 1 mét, cùng với đó là sắm thiết bị công nghệ giám sát phục vụ việc phân làn, tổ chức giao thông của dự án. Tổng mức đầu tư cho mỗi dự án trên là hơn 10 tỷ đồng, cả hai dự án là trên 20 tỷ đồng.

Ùn tắc kéo dài trên đường Võ Chí Công những ngày qua dù sử dụng cả hàng rào sắt để phân làn, tách dòng ô tô và xe máy.
Thực trạng đường Nguyễn Trãi sau 3 năm phân làn
Được biết, trước đó, đường Nguyễn Trãi cũng triển khai biện pháp lắp rào phân làn, song tuyến đường này cũng nảy sinh nhiều bất cập. Tuyến đường Nguyễn Trãi có chiều rộng 10 làn xe, mỗi bên 5 làn, được đánh giá là đồng bộ, hiện đại nhất Hà Nội (có đường sắt trên cao, cầu vượt, hầm chui, dải phân cách giữa chia hai chiều đường…). Với mục tiêu tách dòng ô tô xe máy đi theo làn riêng, giảm xung đột, ùn tắc giao thông, tháng 8/2022 Sở Xây dựng Hà Nội (khi đó là Sở GTVT) đã giao cho Ban Duy tu công trình hạ tầng giao thông (Ban Duy tu) thực hiện kế hoạch thí điểm phân làn, tổ chức lại giao thông trên đường Nguyễn Trãi đoạn từ Ngã Tư Sở đến Vành đai 3 (dài 2,5 km).
Từ 5 làn đường mỗi chiều, Ban Duy tu đã dựng dải phân cách là hàng rào sắt di động và kết hợp rào sắt có mũi tên để ngăn đôi đường Nguyễn Trãi thực hiện phương án tách dòng ô tô, xe máy: với 3 làn dành cho xe ô tô và 2 làn dành cho xe máy. Để tạo thói quen cho người tham gia giao thông di chuyển theo làn, cùng với dựng hàng rào di động, trong những ngày đầu lực lượng Thanh tra giao thông được Sở Xây dựng huy động đứng ở các ngã ba, ngã tư điều tiết, phân luồng xe đi theo làn.

Thực trạng xe đi hỗn hợp sau 3 năm thực hiện phân làn trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh nhỏ: Dựng lốp ô tô và dải phân cách cứng để phân làn đường Nguyễn Trãi năm 2022.
Tuy nhiên sau ít ngày triển khai, phương án này đã bộc lộ bất cập như: khi ô tô được đi vào 3 làn giữa đường thì chỉ có chạy thẳng hoặc đến các ngã ba, ngã tư mới được quay rẽ trái, phải, điều này đã gây bất tiện cho các hộ dân và hộ kinh doanh dọc hai bên dọc đường; thậm chí với hoạt động của xe buýt phải ra vào các điểm dừng đỗ thường xuyên nên không thể chạy thẳng ở làn ô tô.
Một bất cập khác cũng xảy ra, là khi vắng lực lượng chức năng, nhiều phương tiện giao thông di chuyển không chú ý đã đâm vào hàng cột phân làn, gây tai nạn và hư hỏng cột biển báo, đảo phân làn gây lộn xộn, nhếch nhác.
Sau 1 tháng triển khai, Sở Xây dựng đánh giá, đã đạt được kết quả bước đầu khi một bộ phận người tham gia giao thông có ý thức hơn đi đúng làn, phần đường, giảm xung đột, ùn tắc giao thông. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng xe máy đi vào làn của ô tô và ngược lại, thậm chí có hiện tượng phương tiện đâm, va vào trụ, cột biển báo phân làn. Chỉ tính riêng trong 10 ngày đầu thực hiện từ ngày 6 - 16/8/2022 đã xảy ra 54 sự vụ xe va quệt vào cột biển báo.
Để người dân có thời gian làm quen, đi theo phương án phân làn giao thông mới, Sở GTVT khi đó đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép tiếp tục thí điểm phân làn trên đường Nguyễn Trãi thêm 3 tháng (từ tháng 9 đến 12/2022). Đến nay (đã 3 năm trôi qua), theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hiện toàn bộ hàng rào, cột biển báo phân làn xe trên đường Nguyễn Trãi đã được dỡ bỏ, phương tiện ô tô, xe máy đang di chuyển hỗn hợp và không theo làn.
Từ thực tế ùn tắc trên đường Võ Chí Công, Phạm Văn Đồng và công tác phân làn chưa mang lại hiệu quả ở đường Nguyễn Trãi, dư luận đang đặt câu hỏi có nên tiếp tục thực hiện công tác phân làn ở Hà Nội.
Đại diện HĐND thành phố Hà Nội cho biết, cùng với việc phân bổ vốn hàng năm cho các sở ngành chuyên môn, riêng công tác giảm thiểu ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông trong các năm qua, sau khi có đề xuất của UBND thành phố, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua kế hoạch chi hơn 1.856 tỷ đồng cho công tác này trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025. Số ngân sách này được chi cho các hoạt động, gồm: Phân luồng, tổ chức và quản lý giao thông; Tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; Thông tin tuyên truyền…
Riêng công tác phân luồng, tổ chức và quản lý giao thông có số chi là 1.800 tỷ đồng - chiếm 96% nguồn chi. Số ngân sách được phân bổ giải ngân theo yêu cầu của đơn vị thực hiện hàng năm là, năm 2021 giải ngân 335 tỷ đồng, năm 2022 giải ngân 343 tỷ đồng, năm 2024 giải ngân 425 tỷ đồng, với năm 2025 là 358 tỷ đồng.