Hà Nội cấm xe máy xăng từ vành đai 1: Dự báo thị trường thiết bị sạc, pin xe điện

Để đạt được mục tiêu nói không với xe máy chạy xăng trong nội đô Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung, Việt Nam sẽ cần tới 0,8 triệu thiết bị sạc và 2 triệu pin xe điện vào năm 2030. Đây chính là một thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Tháng 7/2022, Thủ tướng phê duyệt “Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải", thông qua Quyết định 876/QĐ-TTg. Đây là chính sách đầu tiên của Việt Nam có mục tiêu cụ thể là giảm khoảng 7,2% phần đóng góp của ngành giao thông vận tải, vào tổng lượng khí thải nhà kính trên toàn nền kinh tế.

Ngày 12/7/2025, Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Theo đó, từ ngày 1/7/2026 Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên nói không với xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại khu vực vành đai 1, chính thức đặt ra một dấu mốc quan trọng cho hành trình xanh hóa ngành giao thông Việt Nam.

 Từ ngày 1/7/2026 Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên nói không với xe máy chạy xăng trong khu vực vành đai 1. Ảnh: Lộc Liên.

Từ ngày 1/7/2026 Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên nói không với xe máy chạy xăng trong khu vực vành đai 1. Ảnh: Lộc Liên.

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), để đạt được mức độ sử dụng xe điện theo lộ trình đã đề ra, Việt Nam cần bổ sung thêm 12-20% sản lượng điện lưới trong giai đoạn 2045 - 2050, và điều này sẽ gây áp lực đáng kể lên hoạt động sản xuất điện.

"Để giảm tác động của việc sử dụng phương tiện giao thông chạy điện đối với ngành điện, Việt Nam phải tăng cường cải thiện hiệu suất mạng lưới điện và hiệu suất sử dụng pin. Chính phủ Việt Nam nên tích cực thúc đẩy việc chuyển đổi từ sử dụng xe cá nhân sang phương tiện công cộng chạy điện, chuyển đổi việc sử dụng xe tải điện sang vận tải đường sắt hoặc đường thủy", WB nêu rõ.

WB chỉ ra, để đạt được mục tiêu về tỷ lệ thâm nhập của xe điện, Việt Nam sẽ cần tới 0,8 triệu thiết bị sạc và 2 triệu pin vào năm 2030; 6 triệu thiết bị sạc và 10 triệu pin vào năm 2050. Tùy thuộc vào kích thước của xe điện và loại sạc, các phân khúc xe điện khác nhau sẽ cần đến những loại thiết bị sạc khác nhau, bao gồm: Cấp 1 (AC) 3 kW; cấp 2 (AC) 7 kW; cấp 3 (DC) 50 kW; cấp 4 (AC) 150 kW và 250 kW.

Thiết bị sạc cấp 1 dành cho xe máy điện cá nhân để sạc tại nhà; cấp 2 và cấp 3 có thể được sử dụng để sạc ô tô con điện và xe tải điện. Thiết bị sạc nhanh cấp 4 thường chỉ được sử dụng cho xe buýt điện.

 Việt Nam sẽ cần tới 0,8 triệu thiết bị sạc và 2 triệu pin vào năm 2030. Ảnh: VF.

Việt Nam sẽ cần tới 0,8 triệu thiết bị sạc và 2 triệu pin vào năm 2030. Ảnh: VF.

Tính toán của WB cho thấy, bên cạnh thiết bị sạc, thì đến năm 2040 và 2050, nhu cầu về pin xe điện sẽ lần lượt đạt 4,8 triệu và 10,7 triệu đơn vị, theo lộ trình đã đề ra để hiện thực hóa mục tiêu hầu hết các phân khúc phương tiện đường bộ tại Việt Nam đều sử dụng xe điện.

Đối với việc phát triển mạng lưới trạm sạc xe điện, WB nhận thấy mô hình hợp tác công - tư sẽ là phương án tiềm năng để thu hút đầu tư cho khía cạnh này. Vì thế, Việt Nam nên tập trung tạo ra môi trường chính sách giúp thúc đẩy tối đa động lực của khu vực tư nhân và triển vọng kinh doanh liên quan đến việc đầu tư vào mạng lưới trạm sạc. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc đưa ra các quy định đầy tham vọng về việc sử dụng xe điện với lộ trình cụ thể, thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng về cơ sở hạ tầng trạm sạc.

"Cần đưa ra các ưu đãi về tài chính và phi tài chính để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào hoạt động trạm sạc xe điện. Ngoài ra nên thực hiện các mô hình kinh doanh PPP để phát triển mạng lưới trạm sạc, thông qua các dự án thí điểm do chính phủ thực hiện", WB viết.

Cuối cùng, WB cho rằng để khuyến khích phát triển hạ tầng trạm sạc xe điện thì điều quan trọng nhất là vai trò then chốt của Chính phủ Việt Nam. Vì các nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc chính phủ trợ cấp cho cơ sở hạ tầng trạm sạc có thể hiệu quả hơn tới 5-6 lần so với trợ cấp cho việc mua xe...

Lộc Liên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ha-noi-cam-xe-may-xang-tu-vanh-dai-1-du-bao-thi-truong-thiet-bi-sac-pin-xe-dien-post1760145.tpo
Zalo