Hà Nội cấm xe máy chạy xăng từ Vành đai 1: Người dân đi lại thế nào?

Tại Chỉ thị số 20, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, từ tháng 7/2026, Hà Nội không còn xe môtô, xe gắn máy sử dụng xăng lưu thông trong Vành đai 1. Vậy, việc đi lại của người dân bị ảnh hưởng ra sao? Hệ thống vận tải hành khách công cộng đã đáp ứng được đến đâu?

Có mặt tại Ngã ba Xuân La - Lạc Long Quân, một trong những điểm giáp ranh của Vành đai 1 – khu vực cấm mô tô, xe gắn máy chạy bằng xăng hoạt động từ tháng 7/2026, theo Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ.

Đa số mô tô, xe máy đang lưu hành chạy bằng xăng, tỷ lệ xe máy chạy điện khá thấp

Đa số mô tô, xe máy đang lưu hành chạy bằng xăng, tỷ lệ xe máy chạy điện khá thấp

Theo quan sát của chúng tôi, tại ngã ba này, đa số người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy chạy bằng xăng, trong khi tỷ lệ xe chạy bằng điện rất thấp. Điều này đồng nghĩa với việc sau khoảng 1 năm nữa, đa số mô tô, xe máy đang lưu thông sẽ không được tiếp tục sử dụng. Bởi vậy, dù ủng hộ các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, song người dân cũng băn khoăn, nếu cấm xe máy chạy bằng xăng, họ sẽ đi lại bằng gì?

- "Có chủ trương rồi thì người dân phải chấp hành thôi, nhưng mà cấm thế thì cũng là một vấn đề cần phải nghiên cứu".

- "Bây giờ bảo là thay đổi từ xe máy xăng sang xe điện 30-40 triệu là cả một vấn đề nhất là những gia đình lao động công nhân thì thực sự là khó khăn".

- "Cái xe nào nó cũ quá thì nên đào thải chứ còn cái xe còn mới mà bảo người dân bỏ đi thì chết. Bây giờ mua xe điện chúng tôi không có khả năng được".

Anh Trần Văn Tuấn, 45 tuổi, phường Cầu Giấy cho biết, hoàn toàn ủng hộ chủ trương này, và khi Hà Nội cấm xe máy chạy xăng vào Vành đai 1, anh sẽ chuyển sang xe điện hoặc xe buýt để đi làm: "Để tìm kiếm giải pháp không gian xanh và sạch, tương lai lâu dài thì tôi rất ủng hộ chủ trương của nhà nước. Đương nhiên, trước mắt người dân sẽ khó chấp nhận bởi người ta chưa chịu thay đổi thói quen. Thay đổi từ xe xăng sang xe điện người ta khó chấp nhận góc độ đấy".

Việc hạn chế mô tô, xe gắn máy vào vùng đô thị lõi đã được Hà Nội đặt ra cách đây 8 năm

Việc hạn chế mô tô, xe gắn máy vào vùng đô thị lõi đã được Hà Nội đặt ra cách đây 8 năm

Khi hay tin từ tháng 7 năm 2026, xe máy chạy xăng sẽ không còn được phép lưu thông trong khu vực Vành đai 1 trở vào nội đô, ông Lê Chiến Thắng, một tài xế xe ôm ở khu vực Cầu Giấy rất lo lắng, bởi chiếc xe cũng là phương tiện mưu sinh của gia đình ông:

" Nói chung cấm xe máy xăng thì không biết là làm cái gì bây giờ. Bây giờ hơn 60 tuổi rồi chỉ nhúc nhắc chạy xe ra đường ngày kiếm vài ba chuyến thôi".

Đáng chú ý, việc hạn chế mô tô, xe gắn máy vào vùng đô thị lõi đã được Hà Nội đặt ra cách đây 8 năm. Cụ thể, năm 2017, tại Nghị quyết 04 của HĐND Thành phố, Hà Nội đã có Đề án Phân vùng hạn chế xe máy và đặt ra lộ trình từng bước hạn chế hoạt động của xe máy ở một số khu vực và dừng hoạt động xe máy ở các quận cũ vào năm 2030.

Mới đây nhất, cuối năm 2024, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết quy định thực hiện vùng phát thải thấp tại thủ đô. Trong đó, từ năm 2025 đến 2030 sẽ thí điểm lập khu vực phát thải thấp ở một vài khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình. Đồng thời Thành phố cũng xem xét ban hành các loại phí và lệ phí đối với xe cộ có phát thải lưu thông trong vùng phát thải thấp.

Dẫn số liệu nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí lớn nhất tại Hà Nội, trong đó, nguồn phát thải từ phương tiện giao thông chiếm lớn nhất, lên đến 56,1%, theo ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN, điều này cho thấy sự cấp thiết phải có biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí. Việc yêu cầu Hà Nội cấm xe máy chạy bằng xăng trong vành đai 1 từ tháng 7/2026 thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và các đô thị: "Người dân đều ủng hộ mục đích làm giảm thiểu ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, người ta cũng băn khoăn, nếu cấm như thế thì người ta sẽ chuyển đổi như thế nào sang phương tiện xe máy chạy điện hoặc là xe công cộng, trong đó các chuyện kinh phí, an toàn, thuận lợi, sinh kế… Các cái này, Hà Nội chắc chắn phải nhanh chóng đề ra những chính sách hỗ trợ người dân như thế nào trong việc hỗ trợ người dân chuyển sang xe máy chạy điện."

Giảm thiểu xe chạy xăng sẽ có hiệu ứng tốt với môi trường, nhưng sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi

Giảm thiểu xe chạy xăng sẽ có hiệu ứng tốt với môi trường, nhưng sẽ gặp nhiều thách thức trong quá trình chuyển đổi

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hệ thống vận tải hành khách công cộng của Hà Nội hiện có 154 tuyến xe buýt, trong đó có 12 tuyến kế cận với tổng số hơn 2.300 phương tiện. Mới chỉ có 1 tuyến đường sắt đô thị vào vành đai 1 (tuyến Cát Linh - Hà Đông).

Hiện hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thành phố mới đáp ứng khoảng 17% nhu cầu đi lại của người dân, không phân biệt khu vực hay vành đai. Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2025, vận tải hành khách công cộng đạt tối thiểu 30% và đến năm 2030, tỷ lệ đáp ứng của vận tải hành khách công cộng tăng lên 35-40%.

Theo một số chuyên gia, việc việc cấm xe máy chạy xăng chỉ thực sự khả thi khi Hà Nội đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng đủ mạnh để thay thế. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu này, sẽ có những thách thức nào để người dân khi chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch hoặc phương tiện công cộng? Biện pháp quản lý và công cụ kiểm soát ra sao khi muốn ngăn xe máy chạy xăng vào Vành đai 1…?

Quách Đồng-Thái Sơn/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-cam-xe-may-chay-xang-tu-vanh-dai-1-nguoi-dan-di-lai-the-nao-post1214725.vov
Zalo