Hà Nội: bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng khi vận hành chính quyền địa phương hai cấp
Sau khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, TP Hà Nội đã chỉ đạo khẩn trương thành lập, kiện toàn các tổ chức Đảng trực thuộc tại 126 xã, phường.
Điều này không chỉ bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở mà còn góp phần nâng cao hiệu lực quản lý, tăng cường gắn kết giữa chính quyền và Nhân dân. Đồng thời, tạo nền tảng vững chắc để bộ máy mới vận hành hiệu quả, sát thực tiễn, hướng tới phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Lãnh đạo phường Kim Liên trao Quyết định thành lập các tổ chức đảng, đơn vị sự nghiệp của phường.
Kiện toàn kịp thời, thống nhất, bài bản
Từ ngày 1/7/2025, cùng với việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên toàn TP Hà Nội, hệ thống chính trị cơ sở tại 126 xã, phường đã khẩn trương bắt tay vào kiện toàn tổ chức Đảng trực thuộc. Việc hình thành các đảng bộ, chi bộ không chỉ là yêu cầu về tổ chức mà còn là dấu mốc quan trọng thể hiện tinh thần chủ động, linh hoạt của Đảng bộ các cấp trong bối cảnh thực hiện mô hình chính quyền mới.
Tại phường Kim Liên, sau khi hoàn tất công tác sắp xếp lại đơn vị hành chính, Ban Chấp hành Đảng bộ phường đã thống nhất thành lập 26 tổ chức cơ sở Đảng mới và đổi tên 70 chi bộ tổ dân phố. Hiện toàn phường có tổng số 114 tổ chức Đảng.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Kim Liên Hoàng Thị Phương Ngọc cho biết, sau hơn hai tuần chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, toàn hệ thống chính trị phường đã thể hiện quyết tâm cao, tinh thần đoàn kết và sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm. Với sự chuẩn bị bài bản, khoa học và chủ động, phường đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp nhân sự hợp lý, bảo đảm nguồn lực, đẩy mạnh chuyển đổi số, phân cấp, phân quyền hiệu quả. Mục tiêu xuyên suốt của phường là nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, đúng tinh thần của chính quyền đô thị gần dân, vì dân, phục vụ dân.
Cũng theo bà Hoàng Thị Phương Ngọc, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội và căn cứ tình hình thực tiễn, Đảng ủy phường Kim Liên đã chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch và thực hiện việc sắp xếp, thành lập, đổi tên các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Việc thành lập tổ chức Đảng không chỉ mang tính chất thủ tục hành chính mà còn là dấu mốc quan trọng khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng ở địa phương.
Theo đó, các tổ chức mới được thành lập bao gồm chi bộ hành chính - sự nghiệp phường Kim Liên, các chi bộ trường học, trạm y tế, cùng một số chi bộ khu dân cư sau sáp nhập. Việc kiện toàn này được thực hiện theo nguyên tắc đồng bộ, thống nhất, đúng quy định và đảm bảo sự lãnh đạo liên tục, hiệu quả của tổ chức Đảng trong mọi mặt đời sống chính trị - xã hội tại cơ sở.
Tại phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tổng số chi bộ sau sáp nhập là 61. Chi bộ các phường cũ được đổi tên thống nhất từ Chi bộ 1 đến Chi bộ 61. Trên cơ sở rà soát tổ chức bộ máy và địa bàn hoạt động, Ban Chấp hành Đảng bộ phường đã thống nhất thông qua nghị quyết về việc nâng cấp 13 chi bộ và thành lập mới 5 chi, đảng bộ. Việc làm này thể hiện tinh thần chủ động, sát thực tiễn, nhằm củng cố năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong bối cảnh mới.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám Đỗ Trọng Nam nhấn mạnh, việc kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong giai đoạn mới. Đồng thời đề nghị các cấp ủy chi bộ, đảng bộ cơ sở khẩn trương triển khai công tác tổ chức, nhân sự, phân công nhiệm vụ phù hợp, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả, đúng quy định của Đảng.
Tại xã Đan Phượng, sau sắp xếp, toàn Đảng bộ có 66 tổ chức cơ sở Đảng, gồm 7 Đảng bộ và 59 Chi bộ, trong đó có 33 Chi bộ thuộc các cơ quan, đơn vị, trường học và 26 Chi bộ ở các thôn, tổ dân phố. Số lượng đảng viên toàn xã là hơn 2.300 người.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đan Phượng Nguyễn Thị Hiền cho biết, việc thành lập các tổ chức cơ sở Đảng không chỉ là yêu cầu tổ chức mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc. Đồng thời là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với các cơ quan Đảng, chính quyền xã và các đơn vị trên địa bàn; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của từng đảng viên.

Lãnh đạo xã Đan Phượng trao quyết định chỉ định Ban Chi ủy, Bí thư, Phó Bí thư các chi bộ thôn, tổ dân phố. Ảnh: Thiên Tú
Tăng cường sự gắn kết giữa chính quyền và Nhân dân
Các tổ chức Đảng ở cơ sở đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong ổn định tổ chức, tư tưởng và đời sống Nhân dân. Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, chính quyền và người dân. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp khi địa bàn rộng hơn, dân số đông hơn và yêu cầu quản lý phức tạp hơn.
Từ thực tiễn cơ sở, Tổ trưởng Tổ dân phố 34 (phường Ô Chợ Dừa) Vũ Thị Thanh Bình cho biết, Tổ dân phố 34 hiện có 361 hộ dân. Xác định rõ vai trò là cầu nối giữa chính quyền và Nhân dân, những cán bộ tổ dân phố luôn chủ động, tích cực trong công việc. Để hỗ trợ hiệu quả cho bộ máy phường mới, cán bộ tổ dân phố đã chia nhau mỗi người phụ trách 50 hộ dân. Vừa qua, cán bộ tổ dân phố đã đi từng nhà phát phiếu, lấy ý kiến và tuyên truyền để người dân hiểu tổ 34 là tên mới thay cho tổ 6. Việc tưởng như nhỏ, nhưng rất cần thiết để người dân thêm gắn bó, đồng thuận với chính quyền.
Cùng với đó, các nhóm cộng đồng trên mạng xã hội như Zalo tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp người dân phản ánh thông tin nhanh chóng đến cấp ủy, chính quyền phường, tăng cường sự tương tác hai chiều. Thời gian tới, cán bộ Tổ dân phố 34 sẽ tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ phường lần thứ Nhất và các ngày lễ lớn, tạo khí thế vui tươi, đoàn kết, vì sự phát triển của phường, Thủ đô và đất nước.
Không chỉ các phường trong nội thành mà các xã có địa bàn rộng như Phúc Lộc cũng triển khai công tác kiện toàn bài bản. Với 46 thôn, tổ dân phố và dân số đông, Đảng ủy xã Phúc Lộc đã kịp thời xây dựng nghị quyết, chương trình công tác, phân công rõ người, rõ việc để nắm chắc cơ sở.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phúc Lộc Tô Văn Sáng cho biết, ngày 7/7, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã tổ chức lễ công bố và trao các quyết định thành lập các chi, đảng bộ trực thuộc Đảng ủy xã. Theo đó, xã thành lập mới 5 đảng bộ, chi bộ cơ sở; thành lập 46 chi bộ thôn dân cư trực thuộc. Đảng ủy xã cũng đã kiện toàn, nâng cấp 37 chi bộ trường học, hợp tác xã, doanh nghiệp, quỹ tín dụng trực thuộc đảng ủy các xã cũ, Đảng ủy khối Doanh nghiệp huyện Phúc Thọ (cũ) thành các chi bộ cơ sở trực thuộc Đảng ủy xã Phúc Lộc. Sau khi kiện toàn, Đảng bộ xã có 42 chi, đảng bộ cơ sở và 46 chi bộ thôn dân cư.
Là xã có địa bàn rộng và dân số đông, ông Tô Văn Sáng cho biết việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và xử lý các vấn đề phát sinh từ cơ sở là yêu cầu cấp thiết. Do đó, Đảng ủy xã xác định, muốn bộ máy vận hành hiệu quả thì phải gần dân, sát dân, nắm chắc cơ sở. Theo đó, Đảng ủy xã đã kịp thời xây dựng nghị quyết, chương trình công tác, quy chế làm việc phù hợp; phân công rõ người, rõ việc trong tập thể lãnh đạo và cán bộ phụ trách các ngành, đoàn thể.
Xã tổ chức thành công các hội nghị thành lập tổ chức Đảng trực thuộc, kiện toàn công tác cán bộ. Xã đã khai thác hiệu quả mạng xã hội, đặc biệt là các nhóm Zalo ở chi bộ, thôn, tổ dân phố để truyền tải và tiếp nhận thông tin nhanh chóng, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Ngay khi bộ máy vận hành, UBND xã đã họp ngay với trưởng các thôn để triển khai nhiệm vụ, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục, quản lý tốt địa bàn, đất đai, trật tự xây dựng và vệ sinh môi trường…
Từ thực tế triển khai của các địa phương có thể thấy, việc thành lập và kiện toàn các tổ chức Đảng trực thuộc sau khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp trên địa bàn TP Hà Nội không chỉ là việc làm mang tính tổ chức mà còn là một bước đi chiến lược nhằm củng cố nền tảng chính trị vững chắc ở cơ sở.
Bài học kinh nghiệm rút ra từ các địa phương là sự chủ động, sát thực tiễn, bám sát chỉ đạo của T.Ư, Thành ủy và phát huy vai trò hạt nhân chính trị của chi bộ, đảng viên. Mỗi đơn vị, địa phương đều thể hiện sự sáng tạo, linh hoạt trong quá trình triển khai với mục tiêu chung là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý Nhà nước và chất lượng phục vụ Nhân dân. Việc sắp xếp tổ chức Đảng đồng bộ với bộ máy chính quyền là nền tảng quan trọng để hệ thống chính trị cơ sở vận hành ổn định, hiệu quả và tạo đà cho sự phát triển bền vững, toàn diện của Thủ đô trong giai đoạn mới.