Hà Nội: 100% người dân nông thôn được cấp nước sạch trong quý III-2025

Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ người dân được cấp nước sạch hiện được nâng lên 93,5%. Theo số liệu mới nhất, đã có 315/413 xã với 285.000 hộ, tương đương 1,1 triệu dân đã được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung.

Tăng cường vận động người dân sử dụng nước sạch tập trung

Tại nhóm vấn đề chất vấn liên quan đến đô thị, các nội dung về ô nhiễm không khí, cung cấp nước sạch và thoát nước mùa mưa được nhiều đại biểu quan tâm.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Ngọc Anh (Tổ Phú Xuyên) về cung cấp nước sạch, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong nhấn mạnh, đây là nội dung được lãnh đạo thành phố hết sức quan tâm, đưa thành chỉ tiêu phấn đấu đến 2025 toàn bộ người dân Thủ đô, kể cả ở nông thôn được tiếp cận sử dụng nước sạch tập trung. Từ đầu nhiệm kỳ, thành phố đã ban hành các kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trả lời chất vấn. Ảnh: Viết Thành

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trả lời chất vấn. Ảnh: Viết Thành

Đối với khu vực đô thị, hiện 100% người dân được sử dụng nước sạch tập trung. Tại khu vực nông thôn, từ năm 2020 đến nay, nâng tỷ lệ này được nâng từ 80% lên 93,5%. Theo số liệu mới nhất, hiện đã có 315/413 xã với 285.000 hộ, tương đương 1,1 triệu dân đã được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung.

“Với 98 xã còn lại, 31 xã sẽ được tập trung hoàn thành trong năm 2024; 67 xã sẽ được tập trung hoàn thành trong năm 2025. Sở Xây dựng sau khi làm việc với các đơn vị đã thống nhất phấn đấu hoàn thành trong quý III-2025”, Giám đốc Sở Xây dựng nêu.

Để đạt được mục tiêu này, ông Võ Nguyên Phong cũng cho biết có liên quan đến sự vào cuộc của hệ thống chính trị, từ chính quyền các địa phương cho tới sự hưởng ứng của người dân. Hiện tỷ lệ người dân nông thôn đấu nối vào hệ thống mới đạt 70%. Cá biệt có nơi đã có nguồn nước nhưng người dân mới chỉ đấu nối đạt từ 30-40%. Do đó, chính quyền địa phương cần tăng cường vận động, tạo hấp dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hệ thống cấp nước.

Về phát triển nguồn nước, Sở Xây dựng cũng thường xuyên đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đấu nối các đường ống và tăng công suất của các dự án nhà máy nước mặt trên địa bàn thành phố.

Về thoát nước mùa mưa, hằng năm, từ tháng 3, 4, thành phố đã ban hành kế hoạch. Nhờ đó, các đơn vị chủ động rà soát, cảnh báo, xây dựng kịch bản với các tình huống cụ thể để ứng trực.

Thông tin tới đại biểu Lê Ngọc Anh về số lượng “điểm đen” về úng ngập trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, với các trận mưa từ 50-70mm, trên địa bàn thành phố tồn tại 11 điểm. Với các trận mưa trên 100mm, có thêm 19 điểm. Như vậy, tổng cộng có 30 điểm úng ngập, nhưng đều nằm trong kế hoạch và giải pháp ứng phó của thành phố.

Giải pháp khắc phục được nêu ra là tăng cường duy tu, duy trì hệ thống thoát nước và thành phố tiếp tục đầu tư 2 dự án tả Nhuệ và hữu Nhuệ góp phần nâng cao khả năng thoát nước của thành phố.

Chất lượng không khí đang ở mức trung bình kém, chạm mức xấu

Về nội dung ô nhiễm không khí được đại biểu chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam nêu, qua nghiên cứu khoa học, nguồn ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong năm qua đến từ nhiều nguồn.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam trả lời chất vấn. Ảnh: Viết Thành

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam trả lời chất vấn. Ảnh: Viết Thành

Trong đó, nguồn tại chỗ do khí thải từ các phương tiện giao thông đường bộ như xe máy, xe tải cùng các phương tiện khác, nguồn công nghiệp và nguồn đốt rơm rạ. Ngoài ra, có nguồn thải ngoài thành phố lan truyền vào như ảnh hưởng từ các làng nghề tại Bắc Ninh đến địa bàn Long Biên, Gia Lâm.

Ngoài ra, chất lượng không khí chịu ảnh hưởng của các yếu tố khí tượng theo mùa, theo năm. Hiện nay, đúng như đại biểu nêu, đang vào lúc giao mùa nên bụi mịn gia tăng. Chỉ số chất lượng không khí ở mức trung bình kém, chạm mức xấu.

Về các giải pháp khắc phục, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện Luật Thủ đô, thành phố sẽ xây dựng vùng phát thải thấp, khu vực hạn chế phương tiện giao thông. Sở Giao thông Vận tải, theo nhiệm vụ được giao, sẽ tham mưu đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng như xe buýt, phương tiện sử dụng năng lượng xanh.

Thành phố đã cơ bản xóa bỏ bếp than tổ ong, giảm đốt rơm rạ, chấm dứt đốt lò gạch thủ công, thu rác đạt trên 90% toàn địa bàn, tăng cường kiểm tra, yêu cầu chủ công trình xây dựng tưới nước nhằm hạn chế bụi và triển khai thí điểm đo khí thải ô tô xe máy đang lưu hành. Ngoài ra, thành phố tiếp tục chương trình trồng 1 triệu cây xanh.

“Một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của các cấp, ngành và người dân trong bảo vệ môi trường, tiến đến tăng mức xử phạt, chế tài xử lý”, ông Lê Thanh Nam cho biết.

Với quyết tâm mạnh mẽ, cam kết tạo bước đột phá, ngày 10-12-2024, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Kế hoạch số 359/KH-UBND về việc thực hiện phong trào thi đua “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” của Hà Nội.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu tạo ra sự thay đổi toàn diện và sâu rộng, mang tính đột phá trong công tác bảo vệ môi trường, từ kiểm soát rác thải, nước thải đến cải thiện chất lượng không khí, nhằm xây dựng một môi trường sống trong lành, bền vững, góp phần thay đổi diện mạo thành phố.

Hồng Anh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-100-nguoi-dan-nong-thon-duoc-cap-nuoc-sach-trong-quy-iii-2025-687086.html
Zalo