Hà Nam: Thông tin về các gói thầu có tỷ lệ tiết kiệm thấp
Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có một số bài viết bàn về tỷ lệ tiết kiệm cho các gói thầu thông qua đấu thầu. Theo đó, liệt kê nhiều tỉnh có tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu thấp, trong đó có tỉnh Hà Nam. Để làm rõ việc này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Hà Nam và một số nhà thầu.
Từ Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, kể từ khi triển khai việc đấu thầu qua mạng đến nay, trên cả 4 lĩnh vực áp dụng đấu thầu qua mạng (xây lắp, hàng hóa, tư vấn, phi tư vấn) đều xuất hiện những gói thầu thu hút số lượng lớn nhà thầu tham gia cạnh tranh với tỷ lệ tiết kiệm ấn tượng. Cũng theo Hệ thống trên, Top 10 địa phương có tỷ lệ tiết kiệm thấp trong đấu thầu qua mạng, trong đó có tỉnh Hà Nam.
Một số thông tin cho rằng, nhiều gói thầu do các đơn vị Nhà nước làm chủ đầu tư, tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng nhưng lại có số lượng nhà thầu tham gia ít, đặc biệt, có những gói thầu chỉ 1 nhà thầu tham dự và trúng thầu.
Lý giải về các vấn đề trên, các nhà thầu thi công dự án tại Hà Nam cho biết, nguyên nhân chính nằm ở giá vật liệu xây dựng (VLXD), hiện đơn giá một số VLXD như cát, đá… tại Hà Nam thấp hơn nhiều so với các địa phương khác. Theo bảng thông báo giá VLXD do Sở Xây dựng Hà Nam công bố tháng 10/2024, đá dăm 1x2 là 120.000/tấn (giá bán tại mỏ); đá 1x2 tại Thái Bình có giá trên 300.000 đồng/m3 (giá tại thành phố và các huyện lỵ) và rất nhiều các loại VLXD khác cũng tương tự như vậy.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đại diện nhà thầu Vinaconex, kỹ sư Hồ Minh Hạnh, Chỉ huy trưởng công trường (Dự án nút giao Phú Thứ) cho biết: Hiện liên danh hai nhà thầu Vinaconex – Trung Chính đang phải mua VLXD với mức giá rất cao, gần như gấp đôi so với dự toán ban đầu, điều này đã gây thiệt hại lớn cho các nhà thầu.
“Trường hợp giá thành VLXD thời gian tới nếu không điều chỉnh sẽ gây ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp xây dựng cũng như các nhà thầu thực hiện dự án tại Hà Nam”, ông Hạnh chia sẻ.
Bàn về vấn đề đơn giá VLXD, đại diện nhà thầu VNCN E&C, ông Hán Thành Công, Chỉ huy trưởng Gói thầu số 18 Dự án hành lang Đông - Tây cho biết: Hiện tại là giai đoạn cuối năm, nguồn vật liệu rất khan hiếm do các công trình xây dựng đang đồng loạt phấn đấu về đích. Vì vậy nguồn vật liệu như đá, đất, cát… xuất ra tới đâu là hết tới đó nên giá vật liệu tăng rất cao, có một số vật liệu tăng trên 20% so với giai đoạn trước đó.
Trước thông tin các gói thầu do đơn vị Nhà nước làm chủ đầu tư, tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng nhưng lại có số lượng nhà thầu tham gia ít, đại diện nhà thầu VNCN E&C cho rằng, phía nhà thầu khi tham gia dự thầu cũng không biết có bao nhiêu nhà thầu tham gia, vì đây là đấu thầu qua mạng. Còn về vấn đề tỷ lệ tiết kiệm thấp, khi chủ đầu tư mời thầu, thì giá dự toán của gói thầu rất thấp do giá của vật liệu khi xây dựng dự toán gói thầu thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
“Chính vì vậy, khi tham dự thầu, nhà thầu bỏ giá cao thì sẽ không trúng thầu, còn bỏ giá thầu thấp thì sẽ lỗ. Nên nhà thầu phải bỏ giá thầu sát với giá dự toán gói thầu để đảm bảo hạn chế thấp nhất những rủi ro. Đấy là nguyên nhân vì sao tỷ lệ tiết kiệm gói thầu thấp”, ông Hán Thành Công chia sẻ.
Đề nghị các ngành chức năng có biện pháp tháo gỡ khó khăn về đơn giá VLXD, đại diện phía nhà thầu Xuân Thành, ông Trịnh Văn Luận, Chỉ huy trưởng Gói thầu số 17 tại Dự án trục hành lang Đông - Tây tỉnh Hà Nam cho hay: Hiện nay, giá cả VLXD như cát, sỏi, đá... trên thị trường rất cao so với giá khi tham gia thầu (cao hơn 15-20%), vì vậy nhà thầu khi tham gia dự thầu phải bám sát với giá thị trường, không thể bỏ giá thầu thấp, mà nếu bỏ giá thấp, có trúng thầu thì cũng không thể thi công được vì không có lợi nhuận.
“Với việc giá vật liệu tăng cao, hiện nhà thầu vẫn phải chấp nhận mua giá cao để đảm bảo khối lượng gói thầu và tiến độ thi công. Mong muốn chính quyền các cấp nghiên cứu, có giải pháp để hỗ trợ cho nhà thầu”, đại diện phía nhà thầu Xuân Thành kiến nghị.
Lý giải thực tế này, ông Phạm Quang Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam cho biết: “Khi tiến hành lập dự toán, Ban quản lý không được lập dự toán cao hơn giá Nhà nước quy định. Liên quan tới việc giá VLXD, Ban Quản lý dự án đã nhiều lần kiến nghị với các ngành chức năng để tìm hướng điều chỉnh, tháo gỡ”.
Cũng theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam, hiện nguồn cung VLXD không ổn định vì một số yếu tố thời tiết như mưa bão, lũ lụt dẫn tới thiếu nguồn cung cát xây dựng. Thực tế tại Hà Nam, mỏ cát ít, mỏ đá nhiều nhưng lại không được phép khai thác quá định mức hằng năm, dẫn đến giá các vật liệu xây dựng trên thị trường lại càng cao.
Về công tác đấu thầu, ông Phạm Quang Hưng chia sẻ, tại Hà Nam, các gói thầu đầu tư công được tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng, không có bất cứ hạn chế gì, bởi nếu có hạn chế, các nhà thầu sẽ kiến nghị ngay.
“Hiện nay, những dự án lớn, dự án trọng điểm có mức đầu tư trên trăm tỷ, không có doanh nghiệp nào trong tỉnh tham dự, phấn lớn là các doanh nghiệp có tiếng trải dài từ Bắc vào Nam như Vinaconex, Trung Chính, Xuân Thành, Xuân Trường, Đại Phong… Do vậy, không có việc quen biết nhau, tạo điều kiện cho doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia trúng thầu”, ông Phạm Quang Hưng cho biết.
Cũng theo Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam, vì sao ở Hà Nam giá dự toán gói thầu thấp là do thông báo giá của tỉnh thấp nên các đơn vị tham gia dự thầu đều phải tính toán, áp đơn giá xây dựng gói thầu của Hà Nam vào giá dự toán của nhà thầu, thấy lời lãi không được bao nhiêu, thậm chí là lỗ, nên các nhà thầu cũng không mặn mà tham dự thầu.
“Mặc dù vậy, vẫn có đơn vị tham gia thầu và trúng thầu là vì những nhà thầu đó cơ bản có đầu đủ máy móc, thiết bị sẵn có, không cần phải đi thuê, nên người ta sẽ tận dụng được nguồn lực sẵn có của họ để giảm bớt chi phí phát sinh. Thậm chí một số nhà thầu còn có mỏ khai thác vật liệu hoặc bãi tập kết VLXD”, ông Hưng chia sẻ thêm.
Theo kiến nghị của một số nhà thầu, tại Hà Nam hiện không chỉ vướng mắc về giá VLXD mà thời điểm hiện tại, việc thuê nhân công cũng gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế này, nhiều nhà thầu chấp nhận lỗ để thi công giữ việc. Các nhà thầu cũng mong muốn Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Hà Nam và các Sở, ban ngành sớm có biện pháp tháo gỡ, điều chỉnh đơn giá VLXD cho phù hợp với giá thị trường để phần nào hỗ trợ những khó khăn về vốn cho nhà thầu và các chủ đầu tư.
Chúng tôi cho rằng, việc tiết kiệm thông qua đấu thầu, nếu chỉ tính tỷ lệ tiết kiệm cao, thấp thông qua đấu thầu thì đây mới chỉ là “bề nổi” còn xét về bản chất thì chưa có cơ sở khoa học để đánh giá về tiết kiệm hay không tiết kiệm, bởi lẽ, việc bỏ thầu là việc thông qua kết quả lập dự toán công trình của các nhà tư vấn, của các nhà tham gia bỏ thầu. Nó phụ thuộc vào đơn giá nhân công, đơn giá VLXD, chi phí thiết bị máy móc, việc áp dụng công nghệ thi công của từng nhà thầu tại nơi xây dựng công trình. Từ đó dẫn đến kết quả bỏ giá của từng nhà thầu.
Mỗi vùng miền có những đặc thù khác nhau, giá VLXD, giá nhân công khác nhau dẫn đến giá trị dự toán xây lắp công trình tương tự có giá trị khác nhau. Vì vậy, đơn giá trúng thầu cao, thấp khác nhau cũng là chuyện bình thường. Trên thực tế cũng không loại trừ nhiều công trình được lập với dự toán rất cao nhằm để các nhà thầu bỏ giá thấp nhiều so với giá dự toán để trúng thầu. Trong trường hợp này, có thể nói là “có lãng phí”? Vì vậy, để nói một công trình lãng phí hay không lãng phí, tiết kiệm hay không tiết kiệm phải xem xét việc lập dự toán công trình của địa phương đó có sát giá VLXD, giá nhân công, giá vận chuyển… của thị trường tại thời điểm lập hay không.