GV chủ trì phải là cơ hữu không quá tuổi nghỉ hưu, trường đại học tư thục tâm tư

Quy định về giảng viên chủ trì ngành trong thông tư 12 sẽ nâng cao chất lượng đào tạo nhưng cũng gây không ít khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Thông tư này hiệu lực từ ngày 5/1/2025.

Theo đó, về đội ngũ giảng viên, Thông tư 12 bổ sung điểm d vào Khoản 2, Điều 3 như sau: “Giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và giảng viên chủ trì giảng dạy chương trình đào tạo phải là giảng viên cơ hữu không quá tuổi nghỉ hưu tối đa theo quy định của Chính phủ về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập; hằng năm trực tiếp giảng dạy trọn vẹn một số học phần bắt buộc hoặc hướng dẫn chính luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ trong chương trình đào tạo”.

Nhiều ý kiến cho rằng quy định về giảng viên chủ trì ngành trong Thông tư 12 sẽ giúp nâng cao chất lượng đào tạo nhưng cũng sẽ gây không ít khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học tư thục.

Trường đại học tư thục “gặp khó”

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định cho rằng, Thông tư 12 yêu cầu các trường phải tuân thủ chặt chẽ để đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt là việc giảng viên chủ trì ngành phải trực tiếp tham gia giảng dạy các học phần bắt buộc hoặc hướng dẫn luận văn, luận án thay vì chỉ quản lý. Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng giảng viên chỉ đứng tên chủ trì ngành nhưng không tham gia vào quá trình đào tạo thực tế. Đây là một bước đột phá, giúp hạn chế tình trạng mở ngành tràn lan. Điều này cũng đảm bảo được người thực việc thực làm việc từ đó dần cải tiến chất lượng giáo dục ngày càng tốt hơn.

 Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định. Ảnh: website nhà trường.

Thạc sĩ Trịnh Hữu Chung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định. Ảnh: website nhà trường.

Tuy nhiên Thông tư 12 quy định giảng viên chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo phải là giảng viên cơ hữu, không quá tuổi nghỉ hưu tối đa theo quy định của Chính phủ đặt ra một số thách thức, đặc biệt đối với các trường đại học tư thục.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, giảng viên chủ trì ngành không chỉ cần chuyên môn sâu mà còn cần có thời gian, sức khỏe toàn tâm toàn ý với công việc. Họ phải trực tiếp tham gia giảng dạy, hướng dẫn luận văn, đồng thời sinh hoạt chuyên môn và nghiên cứu để cập nhật kiến thức, qua đó nâng cao chất lượng giảng dạy và hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên.

Thực tế cho thấy, nhiều giảng viên khi đến tuổi nghỉ hưu thường là những thầy cô có học hàm, học vị cao, đạt đến độ "chín muồi" trong nghiên cứu và tích lũy kiến thức, giúp họ tổ chức và hướng dẫn sinh viên hiệu quả. Tuy nhiên, theo quy định mới, giảng viên quá tuổi nghỉ hưu không thể đảm nhận vai trò chủ trì mở ngành. Điều này đặt ra yêu cầu cao hơn trong việc tìm kiếm giảng viên phù hợp để đảm nhiệm vai trò quan trọng này.

“Đây là bài toán cần được cơ quan quản lý cân nhắc để có giải pháp phù hợp, đảm bảo sự cân đối giữa tuân thủ quy định và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc thực hiện Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT sẽ đem đến không ít thách thức, đặc biệt trong giai đoạn đầu tuy nhiên đây là bước đi cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo bền vững cho giáo dục đại học”, thầy Chung nhận định.

Cùng quan điểm, lãnh đạo một trường đại học tại Hà Nội tán thành việc giảng viên chủ trì ngành phải là giảng viên cơ hữu và phải trực tiếp tham gia quá trình giảng dạy và nghiên cứu. Thông tư 12/2024 sẽ từng bước nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học. Tuy vậy, trong thời gian đầu sẽ gây khó khăn cho các trường đại học tư thục trong mở ngành và duy trì ngành đào tạo để phát triển bền vững, để thực hiện được theo quy định của thông tư các trường cần phải có lộ trình thực hiện từng bước để phù hợp với thực tiễn.

Vị này phân tích, từ trước đến nay hầu hết các trường đại học tư thục mở ngành được là nhờ các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đã “hoàn thành nhiệm vụ với Nhà nước” đến tuổi nghỉ hưu, đặc biệt là đối với những ngành đặc thù. Tuy nhiên, quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo phải là giảng viên cơ hữu không quá tuổi nghỉ hưu tối đa theo quy định. Giảng viên phải trực tiếp giảng dạy trọn vẹn một số học phần bắt buộc hoặc hướng dẫn chính luận văn thạc sĩ, tiến sĩ trong chương trình đào tạo.

Hiện nay, việc thu hút giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ về làm việc tại các trường đại học tư thục đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí trở nên khốc liệt.

Trong thời gian tới, điều này sẽ khiến các trường đại học tư thục gặp khó khăn trong việc mở ngành trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; gia tăng thêm áp lực đối với các trường đại học tư thục vốn cũng đang gặp khó khăn về đất đai, tài chính, mua sắm trang thiết bị,...

Cần tạo môi trường hấp dẫn để thu hút giảng viên

Để vượt qua những thách thức này, một số trường đại học đã tìm đến các giải pháp bổ sung nhằm tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực sẵn có và đáp ứng yêu cầu của Thông tư 12.

 Sinh viên Trường Đại học Gia Định trong lễ tốt nghiệp năm 2024. Ảnh: website trường.

Sinh viên Trường Đại học Gia Định trong lễ tốt nghiệp năm 2024. Ảnh: website trường.

Thầy Trịnh Hữu Chung cho hay, để giải bài toán này, mỗi trường đại học cần xây dựng kế hoạch và chiến lược dài hạn. Hiện nay, khó khăn lớn nhất là tìm được người đủ năng lực và chuyên môn để chủ trì các ngành học mới, đặc biệt những ngành ra đời theo xu hướng xã hội. Việc mở ngành không thể tùy hứng, tránh tình trạng chỉ chạy theo trào lưu dẫn đến không tuyển sinh được hoặc đào tạo không hiệu quả. Các trường cần chuẩn bị kỹ lưỡng cả về đội ngũ nhân lực và chương trình đào tạo.

Khi mở ngành mới, cần thực hiện đối sánh chương trình với các trường trong nước và quốc tế đã có kinh nghiệm đào tạo. Điều này không chỉ đảm bảo chất lượng đào tạo mà còn giúp định hình chuẩn đầu ra phù hợp với nhu cầu thực tế. Mục tiêu không chỉ là giải quyết bài toán tuyển sinh mà còn phải đáp ứng yêu cầu về kiến thức chuyên môn, giúp sinh viên học tập hiệu quả và có năng lực đáp ứng thị trường lao động.

Việc mở ngành mới không chỉ là thử nghiệm mà cần có chiến lược và kế hoạch rõ ràng. Dù là trường công hay trường tư, thách thức trong việc mở ngành mới đều tương tự, quan trọng nhất là đảm bảo kiến thức giảng dạy đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn, tránh để sinh viên chịu hậu quả nếu chương trình đào tạo không phù hợp. Giảng viên phải luôn cập nhật kiến thức để hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên và đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Về đội ngũ giảng viên, các trường phải đảm bảo đội ngũ giảng viên có chuyên môn sâu trong lĩnh vực mình giảng dạy nếu chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn, giảng viên cần được bồi dưỡng hoặc học thêm để nâng cao năng lực.

Để thu hút giảng viên giỏi, các trường cần tập trung vào xây dựng môi trường làm việc thuận lợi, bao gồm thời gian nghiên cứu, phát triển học thuật và các điều kiện hỗ trợ khác. Các chính sách tuyển dụng cần linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng giảng viên để tạo sức hút.

Bên cạnh đó, việc mời giảng viên từ nước ngoài tham gia giảng dạy cũng là một giải pháp nhanh chóng và hiệu quả. Những giảng viên này không chỉ đáp ứng yêu cầu về chuyên môn và độ tuổi mà còn mang lại những kinh nghiệm quốc tế quý báu, giúp nâng cao chất lượng đào tạo.

Cũng áp dụng những phương án này, vị lãnh đạo trường đại học tư thục tại Hà Nội cho biết, sau khi Thông tư 12 được ban hành, Hội đồng trường đã thảo luận và đề ra các giải pháp khắc phục, bao gồm tăng lương và phụ cấp để thu hút đội ngũ tiến sĩ trong độ tuổi lao động, cũng như mời các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ từ nước ngoài về làm việc. Tuy nhiên, cả hai giải pháp này đều gặp nhiều khó khăn và khó khả thi, do mức lương cao cần thiết để thu hút đội ngũ này vượt quá khả năng tài chính của các trường đại học tư thục, vốn phải tự chủ hoàn toàn về kinh phí.

Nhiều trường đại học tư thục không đủ kinh phí để cạnh tranh thu hút giảng viên chất lượng cao, một số trường đã chuyển hướng sang các giải pháp mang tính khả thi hơn. Thay vì chỉ tập trung vào việc tuyển dụng mới, các trường có thể chú trọng nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên hiện tại thông qua việc tổ chức các lớp đào tạo bổ sung.

Còn theo thầy Trịnh Hữu Chung cho hay, các trường có thể tổ chức các lớp đào tạo bổ sung, cho phép những người đã có trình độ tiến sĩ ở một ngành gần tiếp tục học thêm để có thể đảm đương công việc. Chẳng hạn, một tiến sĩ ngành Ngôn ngữ Anh có thể học thêm và làm luận án về một ngôn ngữ khác, đảm bảo chuyên môn mới đáp ứng được thực tiễn. Theo thông tư mới, giảng viên muốn đáp ứng yêu cầu của nhà trường cần được tạo điều kiện học tập và bồi dưỡng thêm kiến thức, nhằm phục vụ việc mở ngành và đào tạo chất lượng. Đây là bài toán dài hạn, không thể chỉ giải quyết trong ngắn hạn.

Dù bước đầu gặp nhiều khó khăn, việc thực hiện thông tư sẽ góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo chuyên sâu, giúp sinh viên đáp ứng đúng nhu cầu thị trường lao động. Điều quan trọng là các cơ sở đào tạo cần quyết tâm và có kế hoạch thực hiện cụ thể, tránh tư duy "ăn xổi" chỉ tập trung vào tuyển sinh mà bỏ qua chất lượng đào tạo. Các ngành học phải đáp ứng đúng với tên gọi và nhu cầu thực tiễn, từ đó thực hiện đúng tinh thần của Thông tư 12, nâng cao chất lượng giáo dục, phục vụ tốt hơn nhu cầu của xã hội.

Thùy Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/gv-chu-tri-phai-la-co-huu-khong-qua-tuoi-nghi-huu-truong-dai-hoc-tu-thuc-tam-tu-post247460.gd
Zalo