Gương sáng ở miền biên

Hết xoay vần trên nương rẫy với cây lúa, cây sắn, thêm mấy rừng keo tràm; trong nhà thì tất bật chăm đàn lợn, đàn gà, thêm trâu bò ngoài vườn, đêm xuống lại cần mẫn ngồi dệt từng tấm zèng, đôi vợ chồng người Tà Ôi A Viết Thị Mai không lúc nào chịu ngơi tay, quyết tâm vươn lên làm giàu trên mảnh đất biên cương.

Trung tá Trí (bìa phải) và đồng đội động viên chị Mai tiếp tục nỗ lực vươn lên

Trung tá Trí (bìa phải) và đồng đội động viên chị Mai tiếp tục nỗ lực vươn lên

Trung tá Nguyễn Hữu Trí, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hương Nguyên và Thiếu tá Blúp Hữu Bảy, Phó Bí thư Đảng ủy tăng cường xã A Roàng (A Lưới) thông tin, đây là hộ gia đình điển hình vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, để bộ đội biên phòng “nhân rộng” trong quá trình phối hợp với địa phương làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Chỉ cho chúng tôi xem hai ao cá trước nhà rộng gần cả nghìn mét vuông, chị Mai kể, trước đây để có nước dẫn vào ao, vợ chồng chị mạnh dạn vay vốn, đầu tư gần cả trăm triệu đồng mua đường ống dẫn nước từ trên núi xa về. “Lúc đó, hai hồ cá mình thả mấy nghìn con giống, chủ yếu là cá mè, cá trắm cỏ, cá chép. Thức ăn cho cá hầu như không phải tốn tiền, nhưng phải bỏ nhiều công sức để lên nương lên vườn cắt cỏ, chặt chuối... Mình chăm kỹ, cá càng mau to”.

Nhưng rồi mưa lũ quét qua, không chỉ cá trong ao bị cuốn đi hết, ngay cả ống dẫn nước cũng bị cuốn mất. Không có tiền đầu tư mới, vợ chồng chị để hai đứa con ở nhà để vào Nam làm thuê. Chịu đựng cảnh sống xa con, suốt ba năm chăm chỉ làm việc, sau khi dành dụm được một số tiền, vợ chồng chị Mai quyết định trở về quê hương tạo dựng lại cuộc sống mới.

“Không ở đâu bằng quê hương mình, chỉ có an cư trên đất quê hương mới khiến mình an tâm, hạnh phúc” - chị Mai cười hiền. Vợ chồng chị bắt đầu mua con giống, cây giống để chăn nuôi, trồng trọt. Bây giờ trong chuồng nhà chị Mai luôn có đàn heo trên dưới 10 con. Phó Bí thư Đảng ủy tăng cường xã A Roàng, người “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với dân nhiều nhất rất trân trọng khi nói rằng, vợ chồng chị Mai đã nỗ lực rất nhiều để đứng lên sau thiệt hại vì thiên tai.

Để nuôi được đàn heo thịt đảm bảo ngon, bán được giá cao, ngoài việc trồng môn, khoai trong vườn nhà, rồi dành thời gian lên nương rẫy hái môn dại, vợ chồng chị Mai mạnh dạn đầu tư máy xay xát. Nhà ai cần xay gạo thì vợ chồng chị đến chở lúa về xay. Xay xong lại chở gạo đi trả, tiền công là bột cám để dành nuôi heo.

Chị Mai nhớ lại, lứa heo đầu tiên sau khi xuất chuồng, chị bàn với chồng mua một cặp bò. “Từ hai con giống giờ đã phát triển thành đàn 6 con”, chị Mai khoe với giọng đầy hân hoan.

Đôi vợ chồng người Tà Ôi trên xã biên giới A Roàng còn rất nhiều khó khăn, cứ thế tất bật xoay vòng với heo, bò, ruộng đồng. Ngoài 7 sào lúa, vợ chồng chị Mai còn trồng 2ha keo tràm và thêm khoai sắn trên nương. Để giảm chi phí, lấy công làm lời, nên mọi việc từ cuốc đất, trồng cây, phát cỏ đều do hai vợ chồng tự làm. Từ vốn liếng gây dựng được, chị Mai cho hay, sắp tới vợ chồng chị sẽ mua lại dây ống, tu sửa lại ao hồ để tiếp tục thả cá. Làm thêm việc, thời gian bận rộn lại nhân lên, nhưng bù lại cuộc sống ngày một đủ đầy hơn.

“Nhờ tinh thần vượt qua mọi khó khăn, biết chọn lựa mô hình làm ăn, kết hợp giữa chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế, hộ gia đình chị A Viết Thị Mai là tấm gương, lan tỏa động lực để đồng bào dân tộc thiểu số trên mảnh đất biên giới còn nhiều khó khăn, mạnh dạn phát triển kinh tế vươn lên cuộc sống tốt đẹp” - Thiếu tá Blúp Hữu Bảy chia sẻ.

Bài, ảnh: HÀ LÊ - QUỲNH ANH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/guong-sang-o-mien-bien-148992.html
Zalo