Gói thầu 1.253 tỷ đồng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức: Dồn dập kiến nghị, lùi thời điểm mở thầu

Gói thầu Cung cấp và lắp đặt thiết bị thuộc Dự án Mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức có giá 1.253,369 tỷ đồng, gồm 10 lô hàng hóa, vừa được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM gia hạn thời điểm đóng thầu. Trước đó, hồ sơ mời thầu (HSMT) phát sinh hàng loạt văn bản làm rõ, kiến nghị của nhà thầu.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đã được khánh thành vào tháng 4/2025. Ảnh: Hoài Nhiên

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đã được khánh thành vào tháng 4/2025. Ảnh: Hoài Nhiên

Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đã được khánh thành vào tháng 4/2025. Ảnh: Hoài Nhiên

Dự án Mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức có tổng mức đầu tư 1.383,035 tỷ đồng, do Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM làm chủ đầu tư, quản lý dự án, trực tiếp mời thầu. Gói thầu Cung cấp và lắp đặt thiết bị được phát hành HSMT từ ngày 26/6 - 15/7/2025. Ngày 14/7/2025, Chủ đầu tư thông báo lùi thời điểm đóng thầu sang ngày 29/7/2025 với lý do “điều chỉnh, bổ sung HSMT”.

Theo cập nhật đến 15h00 ngày 17/7/2025, Gói thầu phát sinh 18 yêu cầu làm rõ, 4 kiến nghị của các nhà thầu. Nhiều nội dung của HSMT bị các nhà thầu cho rằng đưa ra thông số, cấu hình đặc thù, độc quyền của 1 hãng sản xuất cụ thể, có thể dẫn tới hạn chế cạnh tranh.

Đơn kiến nghị của Công ty CP IES gửi ngày 16/7/2025 cho biết, yêu cầu kỹ thuật của HSMT khiến các sản phẩm dù tương đương hoặc vượt trội về mặt kỹ thuật cũng không thể đáp ứng dẫn đến hạn chế cạnh tranh. Cụ thể, yêu cầu “nguồn cung cấp: 220V/50Hz” tại mục 163.2 Máy hấp nhiệt độ thấp (công nghệ tiệt khuẩn Formaldehyde tích hợp hơi nước) (nhóm 2) có dấu hiệu chỉ định thiết bị của một hãng sản xuất. Nhà thầu phân tích, đây là máy công suất lớn nên nguồn điện sử dụng thông thường là điện 3 pha. Cũng chính tại gói thầu này, yêu cầu về nguồn điện sử dụng của các thiết bị tương tự không bó hẹp về nguồn cung cấp là điện áp 220V/50Hz. Đơn cử, mục 163.1 Máy hấp nhiệt độ thấp công nghệ tiệt khuẩn Plasma Hydrogen Peroxide quy định về nguồn điện là: “nguồn cung cấp: 220V/50Hz hoặc 380V/50Hz”; Mục 165 Máy hấp ướt 2 cửa > 750 lít: “nguồn cung cấp: 380V/50Hz”; Mục 293 Máy hấp ướt > 500 lít: “nguồn cung cấp: 380V/50Hz”…

“Theo tài liệu kỹ thuật của các hãng cung cấp thì chỉ duy nhất máy tiệt trùng hơi nước tích hợp tiệt trùng Formaldehyde của hãng Getinge (model GSS67F) đáp ứng yêu cầu này, với dải điện áp từ 200V tới 415V, trong khi các hãng sản xuất khác đều yêu cầu điện áp 380V/50Hz nên sẽ không thể đáp ứng”, nhà thầu IES cho biết.

Bên cạnh đó, Nhà thầu cho rằng, HSMT yêu cầu “máy tiệt khuẩn nhiệt độ thấp dùng hóa chất Formaldehyde, tiệt trùng nhiều loại dụng cụ nhạy cảm với nhiệt độ, dụng cụ phẫu thuật, đồ vải và các dụng cụ y tế khác” là không phù hợp về mặt tính năng của máy tiệt trùng nhiệt độ thấp sử dụng hóa chất Formaldehyde để tiệt khuẩn. Nhà thầu cho biết, máy hấp tiệt trùng nhiệt độ thấp được sử dụng để tiệt trùng các loại dụng cụ y tế, vật tư y tế có vật liệu nhạy cảm với nhiệt độ. Tiệt trùng nhiệt độ thấp dùng hóa chất Formaldehyde không được sử dụng để tiệt trùng đồ vải vì đồ vải sẽ ngấm hóa chất nên không thể sử dụng được.

Theo kiến nghị của Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật và Thương mại An Gia, tiêu chí đối với phần cứng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) như: tạo ảnh Key trực tiếp trên cửa sổ CC, tạo ảnh Key trực tiếp trên cửa sổ MLO cùng các tiêu chí phần mềm xử lý hình ảnh nâng cao đều định hướng đến thương hiệu GE.

Theo một văn bản yêu cầu làm rõ, Mục 1.3 Bộ thu phát sóng RF với tần số lấy mẫu: ≥ 63 MHz tạo thuận lợi nhất định cho hãng Philips (model: MR 5300), trong khi hàng loạt hãng khác không thể đáp ứng.

Yêu cầu đối với nhiều thiết bị khác cũng được Nhà thầu phản ánh bất cập như: cung cấp và lắp đặt thiết bị siêu âm và cộng hưởng từ; bộ dụng cụ vi phẫu thuật tai; cung cấp và lắp đặt thiết bị sản nhi và máy thở, mục thiết bị 10.5 (Mục 54 theo cấu hình được duyệt) máy theo dõi sản khoa 2 chức năng…

Phó Giám đốc Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM Lê Văn Dũng chia sẻ, sau khi nhận được văn bản kiến nghị, Chủ đầu tư đã đề nghị Công ty TNHH Nghiên cứu chế tạo và Chuyển giao công nghệ thiết bị y tế rà soát cấu hình và tính năng kỹ thuật chi tiết, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức có ý kiến về mặt chuyên môn để Chủ đầu tư có cơ sở tổng hợp, thỏa thuận với Sở Y tế TP.HCM. “Chủ đầu tư sẽ xem xét, cân nhắc điều chỉnh thông số kỹ thuật của thiết bị khi được Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Sở Y tế thống nhất điều chỉnh”, đại diện Chủ đầu tư khẳng định.

Theo chuyên gia về đấu thầu, quy định hiện hành trao quyền quyết định lựa chọn hãng sản xuất, xuất xứ của thiết bị cho hội đồng khoa học và công nghệ của bệnh viện. Ý kiến của hội đồng căn cứ vào mục tiêu lớn nhất là mua sắm được thiết bị hiện đại, tiên tiến, đáp ứng tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, để quyết định của hội đồng phát huy hiệu quả, HSMT cần tuân thủ quy định pháp luật về đấu thầu để tạo điều kiện cho đông đảo nhà thầu đủ năng lực cung cấp các thiết bị chất lượng từ những nhà sản xuất hàng đầu.

Văn Huyền / baodauthau.vn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/goi-thau-1253-ty-dong-tai-benh-vien-da-khoa-khu-vuc-thu-duc-don-dap-kien-nghi-lui-thoi-diem-mo-thau-post373300.html
Zalo