Gỡ 'thẻ vàng' IUU từ gốc: Thanh Hóa kiểm soát chặt đội tàu, nâng cao trách nhiệm ngư dân
Sáu tháng đầu năm 2025, Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát, hạn chế vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), góp phần cùng cả nước hướng tới mục tiêu gỡ 'thẻ vàng' Ủy ban châu Âu (EC) .

Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa thực hiện nhiệm vụ tuần tra, trên biển. Ảnh: Anh Tuân
Theo ông Nguyễn Đức Cường – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa, cho biết, trong nửa đầu năm nay, tỉnh đã thực hiện hiệu quả nhiều biện pháp theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), với quyết tâm cao từ hệ thống chính quyền và sự vào cuộc của ngư dân.
Cụ thể, tỉnh đã tổ chức rà soát, làm sạch dữ liệu tàu cá trên hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase); thực hiện đối soát thông tin phục vụ định danh tàu cá; lập danh sách các tàu cá hết hạn, sắp hết hạn thủ tục hành chính để có biện pháp xử lý phù hợp.
Cùng với đó, các lực lượng chức năng phối hợp liên ngành tăng cường tuần tra, kiểm tra tại các cửa sông, cửa lạch và trên biển, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc có nguy cơ vi phạm IUU.
THAY ĐỔI NHẬN THỨC TỪ TUYÊN TRUYỀN VÀ TUẦN TRA THƯỜNG XUYÊN
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, nhận thức của ngư dân trong tỉnh về chống khai thác IUU đã có những chuyển biến tích cực. Việc thực hiện các quy định liên quan đến giám sát hành trình, khai báo thông tin trước khi cập cảng, ghi chép nhật ký khai thác… đã dần trở thành nề nếp trong hoạt động khai thác thủy sản.
Anh Dương Văn Công, chủ tàu cá TH-90808, trú tại phường Nam Sầm Sơn, cho biết: “Tàu của tôi luôn bật thiết bị giám sát hành trình trong suốt quá trình khai thác để cơ quan chức năng ghi nhận hành trình và xác minh nguồn gốc thủy sản. Khi cập cảng, chúng tôi đều khai báo trước với Ban Quản lý cảng cá ít nhất một giờ để đảm bảo việc giám sát sản lượng và truy xuất nguồn gốc được thực hiện đúng quy định. Điều này cũng thuận lợi cho việc tiêu thụ hải sản”.
Chia sẻ của anh Công cũng phản ánh ý thức chấp hành ngày càng nghiêm túc của nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh, kết quả từ quá trình tuyên truyền thường xuyên, sâu sát cùng sự hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan chuyên môn.
Để thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị của EC, Thanh Hóa đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều văn bản chỉ đạo về hoàn thiện pháp lý, tăng cường quản lý tàu cá, kiểm soát truy xuất nguồn gốc thủy sản và xử lý vi phạm.
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa tập trung phổ biến Luật Thủy sản và các quy định liên quan đến chống khai thác IUU đến từng tổ chức, cá nhân, nhất là các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các quy định về đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác, thiết bị giám sát hành trình, ghi chép nhật ký khai thác, đánh dấu tàu cá đúng quy chuẩn. Đây là những điều kiện tiên quyết để xác minh nguồn gốc hải sản và đáp ứng yêu cầu truy xuất minh bạch theo tiêu chuẩn quốc tế.

Lực lượng chức năng tập trung phổ biến Luật Thủy sản và các quy định liên quan đến chống khai thác IUU đến từng tổ chức, cá nhân, nhất là các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân. Ảnh: Anh Tuân
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kiểm tra, rà soát toàn bộ dữ liệu tàu cá, xác định rõ tình trạng đăng ký, đăng kiểm, cấp phép và hoạt động thực tế. Việc theo dõi các tàu đã bán, chuyển nhượng hoặc hoạt động ngoài tỉnh cũng được thực hiện nhằm đảm bảo không có tàu “ma” trong hệ thống.
KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ TRÊN BIỂN, ĐẢM BẢO TUÂN THỦ GIÁM SÁT HÀNH TRÌNH
Hiện toàn tỉnh Thanh Hóa có 6.063 tàu cá, trong đó có 1.062 tàu có chiều dài từ 15m trở lên thường xuyên hoạt động vùng khơi, nhóm đối tượng có yêu cầu giám sát chặt chẽ. Đáng chú ý, 100% tàu đã thực hiện việc đánh dấu đúng quy định; 99,44% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các tàu còn lại cũng đang được vận động, hỗ trợ hoàn thiện.
Thông qua hệ thống giám sát tàu cá, lực lượng chức năng của tỉnh theo dõi liên tục hoạt động của toàn bộ đội tàu trên biển. Mỗi trường hợp mất kết nối hành trình đều được phát hiện và xử lý kịp thời, đặc biệt là các tàu có dấu hiệu vi phạm. Đối với nhóm tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU, tỉnh tổ chức kiểm tra định kỳ, yêu cầu cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Mặc dù những năm gần đây không ghi nhận trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, nhưng nguy cơ vẫn luôn hiện hữu. Vì vậy, Thanh Hóa xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là công việc trọng tâm, xuyên suốt, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành và cả cộng đồng ngư dân. Đây không chỉ là yêu cầu bắt buộc để gỡ “thẻ vàng” của EC, mà còn là điều kiện nền tảng để phát triển nghề cá một cách hiệu quả và bền vững.
Hiện nay, Thanh Hóa tiếp tục rà soát, nâng cấp hệ thống quản lý nghề cá, tăng cường tập huấn, tuyên truyền theo hình thức phù hợp tại các địa phương ven biển, đồng thời khuyến khích ngư dân tham gia đồng hành trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục củng cố các mô hình tổ tự quản, cộng đồng giám sát tàu thuyền tại các địa phương trọng điểm, nhằm tạo sức mạnh liên kết trong cuộc chiến chống khai thác IUU.