Gỡ 'thẻ vàng' IUU để phát triển ngành thủy sản bền vững

Gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu (EC) chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) nhằm xây dựng ngành thủy sản phát triển bền vững đang được Đảng và Nhà nước thực hiện quyết liệt. Để góp sức cùng cả nước gỡ 'thẻ vàng' IUU, ngoài nỗ lực của chính quyền, cơ quan chức năng, cần có sự chung tay, tự giác chấp hành của các doanh nghiệp, ngư dân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, khai thác, chế biến thủy sản.

Hải sản ngư dân đánh bắt được theo tàu cập cảng cá Cửa Việt -Ảnh: LÊ MINH

Hải sản ngư dân đánh bắt được theo tàu cập cảng cá Cửa Việt -Ảnh: LÊ MINH

Quyết liệt gỡ “thẻ vàng” IUU

Để cùng cả nước chung tay gỡ “thẻ vàng”, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều chính sách, quy định nhằm hỗ trợ ngư dân, khắc phục những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực thủy sản.

Theo đó, ngày 22/3/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường chỉ đạo khắc phục triệt để các cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; ngày 29/7/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 55/2023/NQ-HĐND ban hành Quy định chính sách hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023 - 2025.

Ban Cán sự đảng UBND tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/NQ/BCSĐ ngày 20/10/2023 chỉ đạo chống khai thác IUU; UBND tỉnh ban hành 2 văn bản quy phạm pháp luật, 1 chỉ thị, 15 kế hoạch, 80 văn bản chỉ đạo, 10 quyết định hành chính; Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành 6 quyết định, 7 kế hoạch, 215 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện. Điều này cho thấy quyết tâm chính trị của tỉnh và các ngành liên quan rất cao trong việc khắc phục những bất cập, tồn tại trong khai thác, chế biến, kinh doanh thủy sản để gỡ “thẻ vàng” của EC.

Để ngư dân chấp hành đúng quy định về khai thác thủy sản, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt, ban quản lý các cảng cá sử dụng loa phóng thanh để phát đi các điều khoản quy định tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn với tần suất 4 giờ/ngày tại 3 cảng cá chỉ định.

Bên cạnh đó, cung cấp các nội dung về chống khai thác IUU để chính quyền các địa phương ven biển tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản cho hơn 200 chủ tàu.

Các cơ quan chức năng tăng cường lực lượng quản lý đội tàu, theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng. Trong đó, đã tiến hành lắp thiết bị giám sát hành trình cho 188 tàu cá, lập danh sách tàu cá không tham gia khai thác, kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, đảm bảo thiết bị hoạt động 24/24 giờ, đồng thời duy trì kết nối với chủ tàu.

Tại 3 cảng cá chỉ định gồm cảng cá Cửa Việt, cảng cá Bến cá chợ Cửa Việt, cảng cá Cửa Tùng, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã kiểm tra, kiểm soát 553 lượt tàu rời cảng, 605 lượt tàu cập cảng, bốc dỡ thủy sản. Bên cạnh đó, xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy, hải sản khai thác với 2.273 cuốn nhật ký; giám sát 3.728,74 tấn thủy sản bốc dỡ qua cảng; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với 181 cơ sở.

Tháo gỡ khó khăn trong xử lý các vi phạm

Tại Quảng Trị, trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan chức năng đã tổ chức 15 chuyến tuần tra, trong đó có 13 chuyến biển, kiểm tra 75 lượt tàu thuyền, xử phạt 21 vụ vi phạm, phạt tiền 98,4 triệu đồng. Hiện tại, Quảng Trị có đội tàu 2.282 chiếc, tổng công suất 139.115,6 CV, trong đó tàu cá có chiều dài dưới 6 m là 1.840 chiếc, tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên là 442 chiếc.

Trong số 442 tàu có chiều dài từ 6m trở lên, có 15 tàu chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản, 4 tàu chưa được đánh dấu tàu cá; có 3 tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình. Đặc biệt, có 378 tàu cá có chiều dài từ 6 m đến dưới 15 m chưa đăng ký theo Thông tư số 06/2024/TTBNNPTNT ngày 6/5/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Bên cạnh đó, tỉ lệ giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng đến nay chỉ đạt 33,48%.

Thực trạng trên cho thấy nguy cơ vi phạm các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tại Quảng Trị vẫn còn tiềm ẩn, dễ phát sinh vi phạm. Để quyết liệt trong việc gỡ “thẻ vàng” của EC và tháo gỡ khó khăn trong xử lý các vi phạm, ngày 12/6/2024, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã thông qua Nghị quyết số 04/2024/NQHĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

Nghị quyết gồm 11 điều, hướng dẫn áp dụng 10 điều của Bộ luật Hình sự liên quan đến các hành vi: xuất cảnh, nhập cảnh để khai thác thủy sản trái phép; bảo vệ nguồn lợi thủy sản; cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông để khai thác thủy sản trái phép; xâm phạm trong lĩnh vực thương mại thủy sản...

Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong hệ thống chính trị ở trung ương và các tỉnh, thành phố ven biển tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển thủy sản. Qua đó để phòng chống việc khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

Đồng thời, nghị quyết cũng là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2024.

Lê Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/go-the-vang-iuu-de-phat-trien-nganh-thuy-san-ben-vung-186612.htm
Zalo