Giúp thổ cẩm vượt núi

Không muốn nghề dệt thổ cẩm bị mai một, thời gian qua, nhiều người Vân Kiều, Pa Kô ở miền Tây Quảng Trị đã sử dụng những cách làm mới để quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm truyền thống. Trong quá trình góp sức giữ 'hồn' dân tộc bằng cách riêng, họ sớm nhận ra điểm mấu chốt để nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy nghề mà ông cha để lại.

Dùng mạng xã hội làm nhịp cầu

Sinh ra, lớn lên trong bối cảnh nghề dệt thổ cẩm không còn phát triển vàng son như trước nhưng anh Hồ Văn Hồi, trú tại Khóm 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa vẫn một lòng, một dạ gắn bó với chiếc khung cửi. 27 năm nay, không chỉ miệt mài với công việc riêng, anh Hồi còn đến nhiều bản làng để truyền nghề.

Trong tâm trí, trái tim anh, khát khao góp sức bảo tồn, phát huy nét văn hóa tốt đẹp của người Vân Kiều dường như chưa bao giờ vơi cạn. Tuy nhiên, anh Hồi hiểu sâu sắc rằng, để giúp nghề dệt thổ cẩm sống được, điều cần thiết và quan trọng nhất chính là tìm đầu ra cho sản phẩm truyền thống.

Chị Hồ Thị Thương gia công lại những bộ trang phục thổ cẩm trước khi đưa đến tay khách hàng - Ảnh: T.L

Chị Hồ Thị Thương gia công lại những bộ trang phục thổ cẩm trước khi đưa đến tay khách hàng - Ảnh: T.L

Để làm được điều ấy, hơn một năm nay, anh Hồi đã thử nghiệm nhiều cách, trong đó có đưa sản phẩm mà mình làm ra lên mạng xã hội. Điều khiến anh Hồi rất mừng là hình ảnh những chiếc áo, xấn, khăn... mà mình chia sẻ lại thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Từ đây, các đơn hàng đến với anh cũng ngày càng nhiều. Sau khi mua trang phục thổ cẩm do anh Hồi dệt, thấy sản phẩm đảm bảo chất lượng, cầu kỳ, đẹp mắt, phần lớn khách hàng đã quay trở lại. Họ chấp nhận bỏ ra số tiền lớn hơn để có những thiết kế như mình mong muốn.

“Từ ngày đưa sản phẩm lên mạng xã hội, tôi phải thu xếp nhiều thời gian mới hoàn thành đủ và kịp tiến độ các đơn hàng. Có những lúc đơn hàng quá nhiều, tôi phải xin khách hàng khất lại, hẹn dịp sau”, anh Hồi cho biết.

Cũng giống như anh Hồi, chị Hồ Thị Thương, trú tại thôn Xi Ta, xã Tà Long, huyện Đakrông, dành một tình yêu lớn cho thổ cẩm. Thông thường, vào mỗi dịp quan trọng trong cuộc đời, chị Thương đều chọn trang phục thổ cẩm để khoác lên mình.

Đối với chị, đây cũng chính là cách để quảng bá, giới thiệu nét truyền thống tốt đẹp của người Vân Kiều. Nặng lòng với thổ cẩm nên chị Thương quyết định đưa những sản phẩm ra đời từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Vân Kiều lên mạng xã hội bán thử nghiệm. Buổi đầu, chị cũng lo bởi trang phục thổ cẩm thường có giá thành cao, lại kén người mặc nhưng tình yêu thổ cẩm quá lớn vẫn thôi thúc chị Thương làm chiếc cầu nối.

“Tôi rất bất ngờ vì sau khi đưa trang phục thổ cẩm lên facebook, zalo cá nhân, nhiều khách hàng đã ngay lập tức liên lạc. Dù giá một bộ thổ cẩm khá cao, dao động từ 600 ngàn đến gần 1 triệu đồng nhưng họ vẫn không chần chừ đặt mua. Trung bình mỗi tháng, tôi đưa vài chục bộ thổ cẩm đến tay khách hàng”, chị Thương bộc bạch.

Cần sự tiếp sức

Cũng là một người dùng mạng xã hội làm nhịp cầu, thời gian qua, chị Hồ Thị Thới (sinh năm 1991), trú tại thôn Ka Lu, xã Đakrông, huyện Đakrông, đã đưa nhiều bộ trang phục thổ cẩm đến tay khách hàng. Nói về cái duyên tới với nghề, chị Thới cho biết, cách đây không lâu, thấy mẹ chồng và một số phụ nữ trong thôn mất nhiều thời gian, công sức dệt thổ cẩm nhưng lại gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra nên chị đã tìm cách hỗ trợ.

Điều khiến chị Thới rất vui là những sản phẩm mình quảng bá, giới thiệu được rất nhiều người ưa chuộng, chọn mua. Để không phụ sự kỳ vọng của khách hàng, chị Thới luôn nỗ lực tìm nguồn cung; gia công thêm sản phẩm; chụp ảnh, làm video giới thiệu...

“Không chỉ bà con Vân Kiều, khách hàng của tôi còn có rất nhiều người Kinh. Hầu như ai cũng hài lòng khi nhận được những sản phẩm thổ cẩm”, chị Thới nói.

Anh Hồ Văn Hồi say mê dệt thổ cẩm - Ảnh: T.L

Anh Hồ Văn Hồi say mê dệt thổ cẩm - Ảnh: T.L

Từ trải nghiệm của mình, chị Thới nhận thấy, hiện nay đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm không phải là không có. Cái khó ở đây là làm sao để có được những bộ trang phục thổ cẩm đẹp mắt, chất lượng nhất mang đến tay khách hàng.

Như đã chia sẻ, việc “cầu lớn hơn cung” cũng chính là câu chuyện mà anh Hồi, nghệ nhân ở Khóm 6 đối diện. Anh Hồi kể, bản thân nhiều lúc “quá tải” với những đơn hàng. Để giải quyết bài toán này, anh đã ngược xuôi tìm người phụ việc.

Thế nhưng, không phải ai cũng đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của nghề dệt thổ cẩm. Một thực tế khác là trang phục thổ cẩm thường có giá thành cao nhưng thời gian dệt, may, gia công... lại lớn. Nếu đây là nghề chính thì nghệ nhân khó có thể nuôi sống gia đình. Vì vậy, dù yêu nghề, mong muốn chung tay giữ gìn văn hóa dân tộc nhưng không phải ai cũng gắn bó được dài lâu với chiếc khung cửi.

Từ câu chuyện của các nghệ nhân, có thể thấy rằng, đầu ra của sản phẩm thổ cẩm không phải là không có. Nhờ sự phát triển của mạng xã hội và nhiều kênh khác nhau, thổ cẩm của người Vân Kiều, Pa Kô đã vượt núi đến với muôn nơi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cái khó là làm sao có được nhiều nghệ nhân tâm huyết, giỏi tay nghề, đủ sức làm nên những sản phẩm chất lượng, chinh phục thị hiếu, yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Ngoài sự nỗ lực của những nghệ nhân người Vân Kiều, Pa Kô, thiết nghĩ sự tiếp sức của các cấp, ngành, đơn vị liên quan và các tổ chức, dự án là điều hết sức cần thiết.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/giup-tho-cam-vuot-nui/180743.htm
Zalo