Giúp người Mông ở biên giới Cao Bằng thoát nghèo và tự do sinh hoạt tôn giáo

Tại các khu dân cư ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các địa bàn biên giới như huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, sự ổn định của các cộng đồng dân cư này có vai trò rất quan trọng.

Chỉ cách để người Mông ở vùng biên thoát nghèo

Hà Quảng là một huyện biên giới còn gặp nhiều khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Đây là huyện sáp nhập từ hai huyện nghèo trước đây là Hà Quảng và Thông Nông, theo Nghị quyết của Quốc hội từ năm 2020. Địa bàn huyện Hà Quảng tương đối rộng, gồm có 21 xã, thị trấn và 195 xóm, với tuyệt đại đa số là đồng bào dân tộc thiểu số và một bộ phận lớn các cộng đồng này sinh sống trong các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh Cao Bằng.

Nằm ở vùng biên thuộc của tỉnh Cao Bằng, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, có hơn 4.200 nhân khẩu với 2 cộng đồng dân tộc chính là người Nùng và người Mông. Thượng Thôn có hơn 69% hộ nghèo và 10% hộ cận nghèo.

Gia đình anh Hoàng Văn Sỹ, người Mông ở xóm Lũng Mủm, xã Thượng Thôn, trước năm 2010 cũng ở hoàn cảnh rất khó khăn. Từ 2010-2016, khi thay đổi cơ cấu cây trồng sang trồng ngô lai và chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà… kinh tế gia đình anh Sỹ đã được cải thiện.

Gia đình anh Hoàng Văn Sỹ (người ngồi giữa áo xanh), người Mông ở xóm Lũng Mủm, xã Thượng Thôn

Gia đình anh Hoàng Văn Sỹ (người ngồi giữa áo xanh), người Mông ở xóm Lũng Mủm, xã Thượng Thôn

Ngồi trong căn nhà mới dựng theo Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, anh Sỹ chia sẻ, không chỉ gia đình anh mà cộng đồng người dân tộc thiểu số ở địa phương, thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhất là tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng chính sách để mua con giống.

“Khoảng 10 năm nay, với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, gia đình tôi đã thoát nghèo”, anh Sỹ chia sẻ.

Gia đình anh Sỹ đã được vay vốn tối đa 100 triệu đồng với lãi suất là 0,55 %. Đây là chương trình cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách của huyện Hà Quảng, trong đó, với hộ nghèo, được vay tối đa là 100 triệu đồng. Cùng với đó, chương trình đào tạo việc làm trong Chương trình mục tiêu quốc gia cũng triển khai cho vay vốn 100 triệu đồng/hộ. Theo đó, cơ bản người dân đều được tiếp cận đúng nguồn vốn để cải thiện nguồn nước và phát triển kế sinh nhai, việc làm.

Thông tin cụ thể hơn về những khó khăn và tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn, bà Đàm Mai Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng cho biết, hằng năm, trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra có mục tiêu giảm hộ nghèo trên 5%. Theo đó, địa phương cũng triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia đến bà con nhân dân, đặc biệt mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo và các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hướng dẫn người dân chuyển sang trồng gừng, dong riềng và cây gai xanh để tăng thêm thu nhập.

Theo bà Hoa, khó khăn lớn nhất tại đây là vấn đề nguồn nước. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cũng đã hỗ trợ cho các hộ gia đình 1-2 chum lớn và trong thời gian tới sẽ đề xuất cấp trên xây thêm các bể vuông và bể nước công cộng nhằm đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho các hộ gia đình.

Bà Đàm Mai Hoa (ngoài cùng bên trái), Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn tới thăm nhà người dân trên địa bàn

Bà Đàm Mai Hoa (ngoài cùng bên trái), Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn tới thăm nhà người dân trên địa bàn

“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, triển khai làm các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xóm để người dân đi lại được thuận tiện hơn. Cùng các mô hình về trồng cây mũi nhọn và nuôi trâu, bò sinh sản, chúng tôi có mô hình Hội phụ nữ xóm cùng nhau đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Cụ thể, chị em sẽ hỗ trợ nhau trồng ngô, chăn nuôi trâu bò vỗ béo. Những hộ khó khăn không có trâu, bò nuôi thì cùng nuôi với những hộ gia đình có điều kiện hơn và cùng chia sẻ thành quả kinh tế khi nuôi trâu, lớn”, bà Đàm Mai Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn nói.

Thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước về đầu tư phát triển kinh tế xã hội, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện Hà Quảng đã kế thừa những thành tựu của các giai đoạn trước và đã có những kết quả rất tiến bộ, tích cực trong phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, 100% các xã hiện nay đã có đường ô tô đến trung tâm xóm; trong 195 xóm, chỉ còn 5 cụm xóm đang xây dựng đường hệ thống đường giao thông; 97% cụm xóm đã có điện lưới quốc gia; gần 100% các trung tâm xóm đã được tiếp cận sóng truyền thông.

Khi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng được đảm bảo

Không chỉ chăm lo đời sống kinh tế, việc đảm bảo đời sống tinh thần và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân tộc thiểu số tại huyện Hà Quảng cũng rất được quan tâm.

Anh Hoàng Văn Sỹ là một tín đồ Tin lành (thuộc Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam), đang sinh hoạt tại điểm nhóm Chàng Đỉ, xóm Lũng Mủm, xã Thượng Thôn. Hằng tuần, anh Sỹ cùng các tín đồ sinh hoạt vào sáng thứ Năm và chiều Chủ nhật theo điểm nhóm. Tại các buổi sinh hoạt, Trưởng điểm nhóm sẽ giảng dạy kinh thánh, hướng người dân tới những điều tốt lành.

“Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến bà con nhân dân, để người dân được hưởng thụ quyền tự do tôn giáo và hoạt động tuân thủ pháp luật”, anh Sỹ nói.

Anh Hoàng Văn Sỹ là một tín đồ Tin lành

Anh Hoàng Văn Sỹ là một tín đồ Tin lành

Theo anh Sỹ, xóm Lũng Mủm có 27 hộ dân tộc Mông, trong đó 14 hộ theo hệ phái Tin lành Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam đang sinh hoạt tại nhóm Chàng Đỉ. Cộng đồng người Mông ở đây luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, không kể có đạo hay không.

“Bất cứ gia đình nào có việc về làm ma, cưới, hay có khó khăn kinh tế, cả cộng đồng luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm để trồng cây, nuôi con trâu, bò khỏe mạnh”, anh Sỹ cho biết.

Tại xóm Lũng Mủm cũng như trên địa bàn xã Thượng Thôn, địa hình và đường xá vẫn còn khó khăn, khiến việc di chuyển, đi lại của người dân gặp rất vất vả. Do vậy, địa điểm sinh hoạt tôn giáo của người dân chủ yếu là mượn nhà của Trưởng điểm nhóm để tổ chức sinh hoạt. Chính quyền địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền để người dân hiểu rõ việc “theo đạo hay không” là quyền của từng cá nhân, của từng hộ gia đình. Do vậy, cộng đồng người dân được tự do lựa chọn tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời luôn đoàn kết tạo thành một cộng đồng chung cùng nỗ lực vượt khó khăn, thoát nghèo.

Anh Lý Văn Sì, Trưởng điểm nhóm Chàng Đỉ, xóm Lũng Mủm, xã Thượng Thôn cho biết, giáo lý cơ bản của Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam là “sống tốt đời đẹp đạo”, bà con đoàn kết phát triển kinh tế - xã hội theo đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tại các buổi sinh hoạt, bà con sẽ cùng nhau hát thánh ca, cầu nguyện và đọc kinh thánh.

“Các buổi sinh hoạt được tổ chức tại nhà tôi. Là trưởng nhóm, tôi sẽ giảng kinh thánh đồng thời giải thích cho bà con chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước để bà con không đi lệch hướng với chủ trương, chính sách và bà con được tự do để thể hiện đức tin của mình. Tại buổi sinh hoạt mới nhất, tôi đã chia sẻ về Luật tín ngưỡng, tôn giáo cho bà con. Trong đó có việc phải đoàn kết, không phân biệt tôn giáo”, anh Sì nói.

Chia sẻ về chính sách đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Hà Quảng, ông Phạm Xuân Tùng, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng cho biết, chính quyền địa phương hoàn toàn ủng hộ để bà được tin theo, đi theo các tôn giáo phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, tạo điều kiện cho bà con đăng ký những điểm nhóm sinh hoạt theo trình tự, thủ tục.

Thực tế, thời gian qua, một số đồng bào dân tộc thiểu số do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin đã bị một số tổ chức tôn giáo bất hợp pháp lôi kéo, dụ dỗ.

Ông Tùng cho biết, thông qua các cán bộ cơ sở, chính quyền cơ sở và cấp ủy chính quyền địa phương huyện Hà Quảng đã tổ chức rất nhiều các cuộc tuyên truyền, vận động ở các cấp độ khác nhau.

“Chúng tôi sử dụng những biện pháp tuyên truyền rất đơn giản qua hình ảnh. Chúng tôi thường hỏi những người già trong các cộng đồng rằng: Trước đây bác đi lại bằng gì? bác đi bộ hay đi xe? hay trước đây nước sinh hoạt của nhà bác dùng như thế nào? Từ đó, chúng tôi thông tin cho họ về các chính sách của Đảng và Nhà nước giúp xây được bao nhiêu tuyến đường, dựng lên bao nhiêu cột điện… để bà con đi lại dễ hơn; giúp bà con có nước sinh hoạt, nước sản xuất; con em người dân tộc được đi học và miễn học phí trong các trường nội trú, được Nhà nước cấp học bổng và cấp tiền ăn, tiền sách vở; bà con đi bệnh viện được BHYT chi trả… Từ những cuộc nói chuyện này, người dân sẽ tự thông tin với nhau, các cộng đồng thông tin với nhau và nhận thức được đâu là thế lực không thân thiện”, Phó Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng Phạm Xuân Tùng nói.

Tại các khu dân cư ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các địa bàn biên giới như huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, sự ổn định của các cộng đồng dân cư này có vai trò rất quan trọng. Về mặt an ninh chính trị, phải bắt đầu từ mạng lưới an ninh cơ sở, với sự đồng hành và ủng hộ của người dân.

Với chương trình phát triển cán bộ từ chính cộng đồng dân tộc thiểu số, con em đồng bào dân tộc đã được đi học tại các trường nội trú, học lên chuyên nghiệp, đều được đưa vào hoạt động trong các cơ quan Nhà nước từ cấp cơ sở. Và chính những cán bộ này sẽ cùng với gia đình, cùng với những người có uy tín trong cộng đồng thiết lập nên các hoạt động tuyên truyền, vận động, chia sẻ cho người dân những thông tin chính thức của Nhà nước, cũng như huy động người dân tham gia các hoạt động về kinh tế, văn hóa, xã hội.

Từ đó, người dân sẽ đoàn kết với chính quyền tại địa bàn dân cư, cũng như ủng hộ các hoạt động lớn của Đảng và Nhà nước.

Lê Hoàng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giup-nguoi-mong-o-bien-gioi-cao-bang-thoat-ngheo-va-tu-do-sinh-hoat-ton-giao-post1105442.vov
Zalo