Giúp công nhân nhận diện lừa đảo qua mạng xã hội

Chiều 20-6, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hoàng Mai tổ chức Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách chuyên đề 'Phổ biến chính sách mới về pháp luật lao động và nhận diện lừa đảo qua mạng xã hội'.

Các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật lao động, an ninh mạng trả lời các vấn đề người lao động quan tâm. Ảnh: PV

Các chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật lao động, an ninh mạng trả lời các vấn đề người lao động quan tâm. Ảnh: PV

Tham gia buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến và trả lời câu hỏi của hơn 300 đoàn viên, người lao động quận Hoàng Mai và bạn đọc là các chuyên gia trong các lĩnh vực pháp luật lao động, an ninh mạng, gồm: Ông Nguyễn Duy Phúc - Giám đốc Trung tâm Phát triển quan hệ lao động (Cục Quan hệ lao động và tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội); Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu - Cục Truyền thông, Bộ Công an; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội.

Phản ánh của người lao động cho thấy, thời gian qua, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, lừa đảo trực tuyến ngày càng trở nên phức tạp. Một trong những nhóm đối tượng loại tội phạm này nhắm tới chính là người lao động. Bằng những chiêu lừa tuyển dụng, xuất khẩu lao động, cho vay..., đã có không ít người sập bẫy, bị chiếm đoạt tài sản, bị quấy rối. Người lao động rất mong muốn được cập nhật các chế độ, chính sách mới liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích và nghĩa vụ của bản thân, từ đó có thể tự bảo vệ hoặc đề xuất, kiến nghị với tổ chức Công đoàn.

Liên quan đến vấn đề trên, chuyên gia Đào Trung Hiếu cho hay: Lừa đảo trên mạng xã hội chỉ là một trong số những thủ đoạn lừa đảo. Hiện nay, người lao động đang phải đối diện với nguy cơ lừa đảo trực tuyến, lừa đảo trên mạng viễn thông và các hình thức khác. Thực tế, toàn cầu cũng như Việt Nam đang đứng trước vấn nạn lộ lọt thông tin qua nhiều nguồn, như: Khi tham gia mua hàng để lại thông tin cá nhân, hay để lại thông tin phụ huynh tại cơ sở giáo dục nơi các con theo học… Chính những người quản lý thông tin đó bán thông tin cá nhân ra ngoài hoặc các máy chủ chứa thông tin cá nhân bị hack. Đây là lý do người dân nhận được cuộc gọi rác.

Một số phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm lừa đảo trực tuyến hiện nay gồm: Mạo danh cán bộ công an phường, quận, huyện gọi người dân khai thông tin làm định danh điện tử, thông báo người dân đang liên quan đến các vụ án hình sự, sau đó hướng dẫn truy cập các đường link giả mạo, chứa các mã độc... Đây là thủ đoạn đang rất nóng hiện nay. Người lao động cần lưu ý, cảnh sát khu vực sẽ không gọi điện và yêu cầu truy cập đường link mà nếu cần làm việc, sẽ mời ra trụ sở.

Một thủ đoạn lừa đảo nữa là kết bạn, tỏ tình, gửi tặng quà từ nước ngoài, dẫn dụ đóng thuế, gửi phí chuyển hàng để nhận quà. Đây là trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản đánh vào lòng tham... Để không trở thành nạn nhân của các cuộc gọi lừa đảo, cần tuyệt đối cảnh giác khi có nhu cầu sử dụng dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không nên vội vàng nghe theo, tin tưởng và làm theo hướng dẫn của đối tượng lạ; không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để tránh bị sập bẫy.

Cung cấp thông tin về rút bảo hiểm xã hội (BHXH), bà Dương Thị Minh Châu nói, tỷ lệ rút BHXH một lần thường tại các tỉnh phía Nam, do tâm lý, cách sống. Khi kinh tế khó khăn, việc làm không bảo đảm, người lao động ở các tỉnh phía Nam nếu đủ điều kiện sẽ thực hiện thanh toán BHXH một lần. Tuy nhiên ở phía Bắc, tình trạng rút BHXH một lần không nhiều.

Tình trạng rút BHXH một lần cũng có nguyên nhân truyền thông chưa đầy đủ, dẫn đến người lao động có sự hiểu lầm. Do đó, tại bộ phận "một cửa" của cơ quan BHXH các quận, huyện đều có bàn tư vấn để cho người lao động hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/giup-cong-nhan-nhan-dien-lua-dao-qua-mang-xa-hoi-669829.html
Zalo