Giữ vững thành trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, an toàn thông tin mạng
Với những đóng góp tích cực, hiệu quả, thời gian qua, hoạt động báo chí - xuất bản, công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, công tác an ninh thông tin mạng… được xem là một trong những 'thành trì' vững chắc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Chiều 9-7-2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) phối hợp Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA) tổ chức Hội thảo chuyên đề “AI và an ninh mạng - thách thức và cơ hội trong chuyển đổi số”. Ảnh: TTXVN
Đây cũng là lực lượng thường xuyên bị các thế lực thù địch, cơ hội chính trị “chĩa mũi dùi” chống phá, xuyên tạc bằng nhiều thủ đoạn trên không gian mạng.
Các thế lực thù địch thường xuyên chống phá, xuyên tạc
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 179/2025 quy định về mức hỗ trợ đối với người làm công tác chuyên trách về chuyển đổi số (CĐS), an toàn thông tin mạng, an ninh mạng (ANM, Nghị định 179). Đây là chính sách mới quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình CĐS quốc gia và tăng cường bảo vệ không gian mạng. Trong khi đó, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lại liên tục tung ra các luận điệu xuyên tạc, bóp méo thông tin về nghị định này trên các nền tảng mạng xã hội. Các thế lực thù địch cho rằng mức hỗ trợ 5 triệu đồng để “nuôi dư luận viên” .
Đây không phải lần đầu tiên các thế lực thù địch “chĩa mũi dùi” vào những người làm công tác tư tưởng, tuyên truyền của Đảng. Trên một số trang mạng xã hội, các thế lực thù địch lấy các bài viết trên lĩnh vực chính trị, xây dựng Đảng, chính luận… của một số nhà báo, chuyên gia đăng trên một số tờ báo uy tín rồi đả kích, xuyên tạc nội dung bài viết. Các thế lực thù địch dùng cụm từ “dư luận viên” là danh xưng để chỉ những người làm công tác tuyên truyền của Đảng, hoặc bất cứ ai có tiếng nói phản biện, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch. Các thế lực thù địch vu cáo, xuyên tạc lực lượng đang thực hiện sứ mệnh thiêng liêng bằng những luận điệu sai sự thật, vô căn cứ rồi từ đó chống phá sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước.
Khuyến khích, động viên đội ngũ làm chuyên trách công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng
Theo Nghị định 179, có 2 nhóm cụ thể được áp dụng hỗ trợ. Một là, cán bộ, công chức, viên chức đảm nhiệm vị trí việc làm chuyên trách về quản lý công nghệ thông tin (CNTT) hoặc CNTT (bao gồm: công nghiệp CNTT hoặc công nghiệp công nghệ số, công nghệ số, ứng dụng CNTT, CĐS); an toàn thông tin mạng hoặc an toàn thông tin, ANM; giao dịch điện tử và các vị trí việc làm khác liên quan đến CĐS do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Hai là, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật và công nhân công an thuộc công an nhân dân; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng thuộc quân đội nhân dân và người làm việc trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước làm chuyên trách về CĐS, an toàn, ANM, bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và các đối tượng khác liên quan đến CĐS theo thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Hai nhóm trên được hưởng mức hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng, được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.
Những lực lượng được hỗ trợ theo Nghị định 179 hoàn toàn không phải là các “dư luận viên”, những người làm công tác tuyên truyền với tiếng nói phản biện đanh thép, sẵn sàng vạch trần âm mưu, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Đây cũng không phải là lương, mà là mức hỗ trợ được áp dụng cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo chủ trương của cấp có thẩm quyền.
Rõ ràng, trong bối cảnh công nghệ liên tục phát triển đặt ra những thách thức trong việc đảm bảo an toàn thông tin, ANM của mỗi quốc gia, thì việc chi ngân sách cho các hoạt động đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn hệ thống thông tin là rất cần thiết và được hầu hết các quốc gia quan tâm thực hiện. Với nước ta, Nghị định 179 là hỗ trợ thiết thực cho đội ngũ chuyên trách về CĐS, an toàn thông tin mạng, ANM.
Bên cạnh đó, theo Bộ Nội vụ, hiện nay, việc xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Để đẩy mạnh triển khai CĐS thì yêu cầu cấp bách là nguồn nhân lực có trình độ cao về CNTT cùng với việc nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và tăng cường các nguồn lực tài chính. Tuy nhiên, nguồn nhân lực có trình độ cao về CNTT đang diễn ra tình trạng dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư ngày càng tăng, mà nguyên nhân chủ yếu là do tiền lương và thu nhập của khu vực công còn thấp so với khu vực tư. Do đó, việc khuyến khích, động viên đội ngũ người làm chuyên trách công tác CĐS, an toàn, ANM trong khu vực công thông qua chính sách hỗ trợ nhằm thu hút và “giữ chân” lực lượng này là rất cần thiết.
Theo Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu (GCI) 2024 được Liên minh Viễn thông quốc tế công bố, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia bậc 1, bậc cao nhất trong 5 bậc, là nhóm các quốc gia “làm gương”, thể hiện cam kết mạnh mẽ về ANM. Trong đó, chính sách hỗ trợ kịp thời đối với đội ngũ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ CĐS, an toàn, ANM là một nỗ lực cho thấy sự ưu tiên và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến trình CĐS quốc gia, đồng thời đảm bảo an toàn, ANM - 2 yếu tố sống còn trong kỷ nguyên số hiện nay.
Tăng cường lá chắn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Có thể khẳng định rằng, bảo vệ Đảng là nhiệm vụ sống còn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, nhằm bảo vệ ổn định chính trị và phát triển bền vững của đất nước, sự bình yên của nhân dân.
Các thế lực thù địch với thủ đoạn “diễn biến hòa bình” thường xuyên đưa ra những chiêu trò thâm độc để chia rẽ khối đoàn kết giữa ý Đảng - lòng dân. Các thế lực thù địch cài cắm những tư tưởng toan tính nhất thời, ấu trĩ và phiến diện để lèo lái dư luận nhưng đã bỏ qua yếu tố căn bản duy nhất và then chốt mà bất cứ người dân nào tỉnh táo cũng có thể nhận thức được: Đảng có vững thì nước mới mạnh, nhân dân từ đó mới có đời sống ấm no, hạnh phúc. Sự yên ấm trong mỗi gia đình và sự phát triển của mỗi cá nhân hoàn toàn không thể tách rời khỏi sự ổn định, bình yên và phát triển của đất nước.
Do đó, việc bảo vệ Đảng, bảo vệ đất nước, bảo vệ nền hòa bình, độc lập, thống nhất là việc vô cùng hệ trọng, được cả hệ thống chính trị tập trung thực hiện và là sự nghiệp của toàn dân, trong đó lực lượng làm công tác báo chí - xuất bản, tuyên truyền viên, báo cáo viên… là một trong những lực lượng nòng cốt.
Phát biểu tại Hội nghị Báo cáo viên trung ương tháng 1-2025, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nay là Ban Tuyên giáo và dân vận Trung ương, nhấn mạnh: năm 2025, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, vì vậy, nhận thức về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới cần được nâng cao… Trong năm 2025, toàn ngành tuyên giáo, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30 ngày 5-2-2024 của Ban Bí thư khóa XIII về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới; tập trung nâng cao chất lượng, tạo chuyển biến rõ rệt trong hoạt động cung cấp thông tin phục vụ công tác tuyên truyền miệng của Đảng; đa dạng hóa phương thức, nâng cao hiệu quả các loại hình tuyên truyền miệng; tham mưu giúp cấp ủy xây dựng kế hoạch chỉ đạo và tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng; tuyên truyền đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng bằng các hình thức phù hợp, thiết thực gắn với tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị trong năm 2025...