Giữ rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét
Rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét là một trong những vùng rừng trọng yếu của tỉnh Lâm Đồng, vì thế việc bảo vệ rừng có ý nghĩa hết sức quan trọng…

Lực lượng chức năng và các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét.
Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét là đơn vị trực tiếp quản lý cánh rừng này với tổng diện tích hơn 20.300 ha, trong đó đất rừng sản xuất 10.150 ha, đất rừng phòng hộ 10.200 ha. Thảm thực vật nơi đây rất phong phú, có nhiều nhóm cây gỗ quý thuộc tầng cao như giáng hương, gõ đỏ, cẩm lai, lim xanh, căm xe, sao xanh, sến, bằng lăng, cùng với nhiều loài dầu rừng...
Ở tầng thấp của rừng có hệ thực vật phong phú với song, mây, tre, lồ ô, nứa, le, các loài nấm quý như: lim xanh, linh chi nâu và nhiều loài sâm đặc hữu như sâm cao, sâm bố chính (hoa vàng, hoa trắng, hoa đỏ), mật nhân... tạo nên một hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc sắc. Với diện tích lớn, đa dạng sinh học cao, rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn, duy trì nguồn nước và điều hòa khí hậu.
Ông Phạm Văn Chiến - Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét cho biết, những năm qua, với trách nhiệm được giao, đơn vị triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trong công tác bảo vệ, phát triển rừng và có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, Ban đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm, UBND xã và các đơn vị giáp ranh liên tục tổ chức truy quét tại những điểm có nguy cơ cao về phá rừng. Đặc biệt, việc duy trì Chốt bảo vệ rừng LaZôn và Bãi Năm Đàm đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn tình trạng lấn chiếm và khai thác gỗ trái phép.
Thống kê cho thấy, trong 6 tháng qua, đã phát hiện và xử lý 7 vụ khai thác gỗ trái phép, giảm 5 vụ so với cùng kỳ. Về tang vật, đã thu giữ 2,6 m³ gỗ, 2 xe máy tự chế, 1 máy cày có rơ mooc và 1 máy cưa. Đặc biệt, không xảy ra vụ phá rừng trái phép. Mùa khô 2024 - 2025, trên lâm phận rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét không để xảy ra cháy. Theo Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sông Móng - Ca Pét, dù đạt được nhiều kết quả khả quan, song đơn vị cũng gặp không ít khó khăn. Việc bắt giữ các đối tượng khai thác gỗ lậu gặp nhiều trở ngại vì lực lượng bảo vệ rừng còn thiếu người, thiếu trang bị chuyên dụng. Tình trạng lấn chiếm đất rừng diễn biến phức tạp, đặc biệt ở những khu vực giáp ranh dân cư, khi người dân “ken” cây, mở rộng rẫy lén lút để hợp thức hóa việc chiếm đất.
Trước tình hình đó, Ban quản lý sẽ tăng cường các hoạt động tuyên truyền pháp luật về ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng, nhất là khu vực tại các xã giáp ranh với rừng. Chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra, trọng tâm là các khu vực giáp ranh lâm phận Z30D thuộc xã Tân Lập. Kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, hành vi tái lấn chiếm đất rừng, tiến hành phá bỏ ngay cây trồng trái phép trên diện tích lấn chiếm…