Giữ lửa văn hóa truyền thống giữa đại ngàn Nâm Nung
Dưới tác động tích cực từ Dự án 6 thuộc Chương trình 1719, những lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, tiếng chiêng rộn rã và nghề thủ công ở xã Nâm Nung, tỉnh Lâm Đồng đang dần được khôi phục, tiếp nối và lan tỏa.

Du khách thích thú tham gia uống rượu cần trong lễ hội truyền thống của đồng bào M'nông, xã Nâm Nung
Di sản văn hóa sống động giữa đại ngàn
Xã Nâm Nung, tỉnh Lâm Đồng là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) M’nông, Ê đê, Dao, Tày, Thái… Mỗi tộc người đều mang theo bản sắc văn hóa riêng, tạo nên một bức tranh đa sắc, phong phú từ tín ngưỡng, phong tục tập quán đến âm nhạc, lễ hội và các nghề thủ công truyền thống.
Người M’nông và Ê đê, cư dân bản địa của vùng đất này, có kho tàng lễ hội phong phú gắn liền với vòng đời người và mùa màng. Đi đôi với đó, sự có mặt của các cộng đồng dân tộc phía Bắc dư cư vào địa bàn xã như Dao, Thái, Tày… góp thêm màu sắc mới, sinh động cho đời sống văn hóa địa phương.
Ở bon Ja Ráh, xã Nâm Nung, nữ nghệ nhân H’Brơi được biết đến như một “báu vật sống” của cộng đồng M’nông. Từ nhỏ, bà đã ngấm vào máu tiếng chiêng của cha, lời ca của mẹ, của bà. Giờ đây, bà là người đứng lớp dạy dân ca, dạy đánh chiêng cho lớp trẻ, nhất là trong các hoạt động gắn với du lịch cộng đồng. Những đêm giao lưu văn hóa với du khách, tiếng hát của bà ngân vang giữa núi rừng, kể lại bao câu chuyện về bon làng, tình yêu, thiên nhiên... đó không chỉ là biểu diễn, mà là một cách truyền lửa văn hóa.
Theo thống kê, xã Nâm Nung có hơn 30 nghệ nhân biết đan lát; 40 nghệ nhân cồng chiêng; gần 40 nghệ nhân dệt thổ cẩm truyền thống… Nhiều người trong số đó đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú như ông Y Xuyên, Y Thi, Y Dớt (bon Ja Ráh), bà Lý Thị Ngân (thôn Quảng Hà).
Sự gìn giữ không chỉ thể hiện qua những cá nhân tiêu biểu mà còn lan rộng trong cộng đồng. Phụ nữ Dao tự tay thêu may trang phục truyền thống và truyền nghề cho con cháu. Lễ cấp sắc là một nghi lễ quan trọng khẳng định vai trò trưởng thành của người Dao, hiện vẫn được tổ chức trang trọng trên vùng đất mới. Những giá trị ấy, tưởng như đã mai một theo dòng thời gian, giờ lại được hồi sinh nhờ vào sự chủ động của chính người dân và sự “tiếp sức” từ các chính sách bảo tồn văn hóa.

Phụ nữ Dao xã Nâm Nung rực rỡ trong những bộ trang phục truyền thống
Các nghệ nhân nắm giữ các loại hình di sản văn hóa như hát dân ca, cồng chiêng, chế tác và sử dụng nhạc cụ truyền thống, lễ hội, đan lát, làm cây nêu, dệt thổ cẩm, thêu hoa văn… Không chỉ giữ nghề, các nghệ nhân còn tích cực tham gia truyền dạy, tạo dựng môi trường để văn hóa tiếp tục sống, tiếp tục phát triển.

Du khách tìm hiểu về trang phục và thổ cẩm của đồng bào M'nông, xã Nâm Nung trên hành trình khám phá vùng đất, con người nơi đây
Tạo đòn bẩy bảo tồn văn hóa gắn với du lịch
Dự án 6 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình 1719) hướng tới mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Thông qua đó, các địa phương thực hiện hỗ trợ thiết chế văn hóa, tổ chức lớp truyền dạy, thành lập các đội văn nghệ truyền thống, hỗ trợ lễ hội và tuyên truyền quảng bá văn hóa dân tộc…

Lớp tập huấn truyền dạy kỹ năng đánh cồng chiêng nâng cao và dân ca M’nông tại xã Nâm Nung từ nguồn lực Dự án 6 Chương trình 1719
Theo ông Nguyễn Xuân Danh, Chủ tịch UBND xã Nâm Nung, triển khai thực hiện Dự án 6 Chương trình 1719, đồng bào DTTS xã Nâm Nung đã được tham gia các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể như đánh cồng chiêng nâng cao và dân ca M’nông; dệt thổ cẩm, hoa văn dệt thổ cẩm dân tộc Dao… Mặt khác, thông tập huấn, người dân được tiếp cận với nhiều mẫu mã, sản phẩm chất liệu chỉ mới; hướng dẫn phương pháp pha chỉ, phối màu, cách trang trí hoa văn trên nền vải; thực hành dệt các sản phẩm thủ công mỹ nghệ để phục vụ khách du lịch...

Phụ nữ Dao, xã Nâm Nung tham gia lớp tập huấn dệt thổ cẩm, hoa văn dệt thổ cẩm dân tộc Dao năm 2024
Các nghệ nhân địa phương trở thành người hướng dẫn chính, giúp quá trình truyền dạy gần gũi, thực tiễn và đầy cảm hứng. Đáng chú ý, các lớp học thu hút sự tham gia nhiệt tình của thế hệ trẻ. Đơn cử như em Y Băng hay Y Nhuýt, sau lớp học đánh chiêng, các em đã tham gia đội cồng chiêng của Nhóm Du lịch cộng đồng Yốk Nâm Nung và biểu diễn thuần thục.
Xã Nâm Nung đã thành lập đội văn nghệ truyền thống tại các bon làng như bon Ja Ráh, thôn Quảng Hà, bon Yôk Ju… Các đội vừa biểu diễn tại các sự kiện cộng đồng vừa phục vụ du khách trong hành trình khám phá Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, tỉnh Lâm Đồng. Mỗi tiết mục biểu diễn là một lát cắt sinh động của đời sống văn hóa dân tộc, từ dân ca đến múa chiêng, trò chơi dân gian.

Phụ nữ Dao, thôn Quảng Hà, xã Nâm Nung thêu hoa văn thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình
Nhiều lễ hội được phục dựng như lễ Tăm plang Blang bon, lễ Tâm N'Găp bon, lễ cúng bến nước, lễ cầu mưa, lễ vào nhà mới... Việc bảo tồn và phát huy các lễ hội trong cộng đồng cũng như gìn giữ một phần linh hồn của bon làng trong nhịp sống hiện đại.
Ngoài ra, mô hình du lịch cộng đồng tại bon Ja Ráh dần được hoàn thiện. Người dân chủ động thành lập tổ hợp tác làm rượu cần, dệt thổ cẩm và được hỗ trợ sửa chữa nhà văn hóa bon Ja Ráh; hỗ trợ trang phục truyền thống, cồng chiêng, trang thiết bị âm thanh, thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa - thể thao cộng đồng.

Sau khi tham gia lớp tập huấn truyền dạy kĩ năng đánh cồng chiêng năm 2024, em Y Băng (bên phải), bon Ja Ráh, xã Nâm Nung đã tích cực tham gia đội cồng chiêng của Nhóm Du lịch cộng đồng Yốk Nâm Nung
"Hiệu quả của Dự án 6 thể hiện rõ qua sự chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng. Người dân không còn xem văn hóa là “di sản để trưng bày” mà là “giá trị sống”, có thể tạo sinh kế, kết nối cộng đồng và thu hút khách du lịch", ông Danh cho hay.

Du khách mua sản phẩm thổ cẩm của chị H’Thinh, dân tộc M’nông, bon Ja Ráh, xã Nâm Nung, tỉnh Lâm Đồng
Đồng bào tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn, từ người già đến lớp trẻ. Những hoạt động văn hóa, các đêm giao lưu văn nghệ, hay những buổi trải nghiệm văn hóa với khách du lịch đang trở thành “đặc sản” du lịch cộng đồng tại Nâm Nung.