Giữ 'lửa' khát vọng cho doanh nghiệp
Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp gần 59% GRDP của tỉnh, huy động hơn 60% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và ngày càng khẳng định vai trò là trụ cột của nền kinh tế, động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Một tín hiệu rất đáng mừng cho khu vực này là trong 6 tháng đầu năm 2025 toàn tỉnh ghi nhận có tới 1.725 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, đạt 57,5% kế hoạch năm và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng mừng hơn là số DN thành lập mới không bó hẹp trong số ít lĩnh vực, hay những lĩnh vực đang là xu hướng, mà ở nhiều ngành nghề. Theo thống kê, có tới 17/17 ngành nghề có DN thành lập mới.
Con số tích cực này không chỉ phản ánh những động lực kinh tế nội tại đang từng bước được khơi thông, niềm tin của cộng đồng DN vào triển vọng phục hồi và phát triển của nền kinh tế tăng cao; mà nhìn vào đó, chúng ta thấy rất rõ, đây là thành quả tất yếu của việc ban hành và thực thi chính sách đang ngày càng trở nên hiệu quả hơn. Nhất là mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW “Về phát triển kinh tế tư nhân” - là nghị quyết hết sức quan trọng trong 4 nghị quyết đột phá, được xác định là “Bộ tứ trụ cột” đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, tỉnh Thanh Hóa cũng đã có rất nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là về thủ tục pháp lý liên quan đến đất đai, nguồn vốn, thị trường...
Để DN tư nhân tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, rất cần một hệ thống thể chế, chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, lấy DN làm trung tâm phục vụ. Cộng đồng DN trong tỉnh bày tỏ sự hài lòng, tin tưởng, nhưng cũng rất kỳ vọng sự quan tâm sẽ ngày càng tốt hơn, nhất là phải được thể chế hóa.
Góp ý vào Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Cao Tiến Đoan đề nghị cần bổ sung thêm một số giải pháp hướng tới trọng tâm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy thu hút đầu tư thuận lợi như: Quyết liệt hơn trong rà soát, đề xuất sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định pháp luật, văn bản dưới luật chồng chéo, bảo đảm sự thống nhất với tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW. Cùng với đó, xây dựng cơ chế giám sát minh bạch trong công tác thanh tra, kiểm tra, tránh gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh để DN yên tâm đầu tư dài hạn. Bổ sung giải pháp đột phá nhằm xóa bỏ tâm lý e ngại, sợ sai trong thực thi công vụ. Tỉnh cần khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời, thiết lập hệ thống đánh giá cán bộ gắn với mức độ hài lòng của DN và người dân.
Con số DN thành lập mới đã thắp lên niềm tin, nhưng cũng đặt ra yêu cầu phải giữ được “lửa” khát vọng làm giàu, khát vọng cống hiến để các DN sau khi thành lập sẽ ngày càng phát triển sâu hơn, rộng hơn, góp phần hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của quê hương xứ Thanh.