Giữ hay đổi biển báo trên các cao tốc khi thay đổi về địa danh, địa giới?
Trên các tuyến cao tốc còn rất nhiều biển chỉ dẫn về các huyện, thành phố thuộc tỉnh trong khi cấp này không còn từ ngày 1-7.
Ngày 17-7, tin từ Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết đơn vị này đang yêu cầu các công ty quản lý, khai thác các tuyến cao tốc rà soát, tổng hợp, báo cáo danh sách, số lượng biển báo cần phải thay đổi.
Sau đó, VEC sẽ báo cáo cơ quan quản lý nhà nước là Cục Đường bộ Việt Nam để đơn vị này đưa ra hướng điều chỉnh, sửa đổi.

Nút giao xuống quốc lộ 55 (tuyến cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây) trước đây thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận nay thuộc xã Tân Lập, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh PHƯƠNG NAM
Động thái trên được thực hiện khi có sự thay đổi về địa danh, địa giới theo chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính từ ngày 1-7. Để đảm bảo hiệu quả quản lý, vận hành khai thác, VEC phối hợp Cục Quản lý đường bộ III, Cục Quản lý đường bộ IV, đơn vị quản lý tuyến rà soát vị trí đặt biển địa danh hành chính mới trên các tuyến cao tốc.
Một cán bộ khai thác vận hành đường cao tốc dẫn quy định cho biết trên các tuyến cao tốc, quốc lộ phải có biển chỉ dẫn về thành phố hoặc trung tâm huyện. Tuy nhiên hiện cấp huyện không còn nên việc đặt biển chỉ dẫn này chưa có quy định để thực hiện khiến nhiều đơn vị khai thác, vận hành đường cao tốc lúng túng.

Bảng chỉ dẫn các đơn vị hành chính cũ trên cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây. Ảnh VÕ TÙNG.
Cán bộ này cho rằng việc cập nhật, thay đổi nội dung các biển ký hiệu I.419 (điều chỉnh tên đơn vị hành chính, khoảng cách) là phù hợp với các đơn vị tỉnh, thành mới sau sáp nhập.
Tuy nhiên, các đơn vị khai thác, vận hành đường cao tốc vẫn đang lúng túng vì hiện nay trên các tuyến cao tốc còn có rất nhiều các biển chỉ dẫn về các thành phố, huyện thuộc tỉnh ở các nút giao.
“Nếu thay đổi các biển này thành tên các phường, xã nằm trên địa phận thì liệu có đủ tính đại diện cho một vùng đất, địa danh đã quen thuộc từ lâu đối với người tham gia giao thông nhưng nếu giữ nguyên thì vẫn chưa ổn”- vị cán bộ này nói.
Chẳng hạn, nút giao cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây xuống quốc lộ 55, sau khi sáp nhập thuộc địa phận xã Tân Lập, tỉnh Lâm Đồng. Nếu thay đổi biển chỉ dẫn thì rất nhiều người tham gia giao thông sẽ không nhận biết được, trong khi biển chỉ dẫn cũ là "H. Hàm Tân" quen thuộc từ rất lâu.
Điều thuận lợi là sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, Hàm Tân giờ là một xã của tỉnh Lâm Đồng. Do đó người này đề xuất chỉ cần bỏ ký tự “H” vừa để người tham gia giao thông dễ nhận biết và vừa thực hiện dễ dàng, thuận lợi hơn.
Tương tự, nút giao xuống trạm thu phí quốc lộ 51 có bảng chỉ dẫn xuống TP Biên Hòa, TP Vũng Tàu trên cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây chỉ cần bỏ hai ký tự viết tắt thành phố (TP) và giữ nguyên tên địa danh bởi Biên Hòa và Vũng Tàu hiện đều là địa danh cấp phường của tỉnh Đồng Nai (mới) và TP.HCM (mới).

Nút giao cao tốc TPHCM- Long Thành- Dầu Giây xuống Trạm thu phí quốc lộ 51. Ảnh PHƯƠNG NAM.
Anh Nguyễn Quốc Phong, tài xế thường chạy các tuyến cao tốc này, đề xuất: "Các bảng chỉ dẫn xuống TP Long Khánh, huyện Xuân Lộc cũng không nên thay đổi mà chỉ cần bỏ các đơn vị TP, huyện ghi trên bảng “bởi đây là các địa danh nổi tiếng, quen thuộc, hơn nữa, Xuân Lộc và Long Khánh hiện là cấp xã, phường của tỉnh Đồng Mai mới”.
Trong toàn bộ chương 9 của Quy chuẩn 41:2019/BGTVT “Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho người điều khiển phương tiện nhằm lái xe an toàn trên đường cao tốc và đi đến địa điểm mong muốn” chỉ quy định biển chỉ dẫn ranh giới cấp tỉnh và cấp huyện/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh và không quy định có biển chỉ dẫn ranh giới xã/phường trên các tuyến cao tốc.
Do đó, việc giữ nguyên các biển chỉ dẫn hiện nay sau khi bỏ ký tự của các đơn vị hành chính cấp huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh ở phía trước các địa danh là giải pháp tốt nhất, vừa tránh lãng phí vừa để người tham gia giao thông dễ nhận biết các địa điểm đã quen thuộc từ lâu…

Nhiều người đề xuất vẫn giữ nguyên bảng chỉ dẫn, chỉ cần bỏ ký tự H trước địa danh Xuân Lộc. Ảnh VÕ TÙNG.
Trong hệ thống biển báo giao thông đường bộ, biển báo chỉ dẫn địa giới, biển báo chỉ dẫn xuống các nút giao trên các tuyến cao tốc đóng vai trò rất quan trọng. Các biển báo này không chỉ là công cụ hỗ trợ quản lý giao thông và hành chính, biển chỉ dẫn địa giới còn mang ý nghĩa định vị, giúp người tham gia giao thông biết được mình đang đi vào địa phận mới.
Do đó, đề xuất phương án giữ nguyên các biển chỉ dẫn cũ, chỉ bỏ đơn vị hành chính cấp huyện/thị xã ở phía trước địa danh, được xem là giải pháp tối ưu. Phương án này vừa đúng quy định, vừa tiết kiệm ngân sách, vừa trân trọng lịch sử gắn liền với những cung đường, đồng thời giữ vững sự ổn định trong quản lý giao thông.