Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Lào ở Điện Biên

Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lào ở bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên có từ lâu đời. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa và hội nhập về kinh tế, nghề dệt thổ cẩm đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một.

Phần lớn thổ cẩm người Lào làm ra là để sử dụng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của gia đình, như: Váy, áo, khăn, đệm... Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy nghề dệt thổ cẩm không chỉ là bản sắc văn hóa mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định nên những người phụ nữ Lào ở bản Na Sang, xã Núa Ngam đã cùng nhau giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc mình.

 Nhuộm vải là một trong những công đoạn quan trọng, có tính chất quyết định đến màu sắc và chất lượng của sản phẩm.

Nhuộm vải là một trong những công đoạn quan trọng, có tính chất quyết định đến màu sắc và chất lượng của sản phẩm.

Để có được tấm vải thổ cẩm hoàn hảo, đòi hỏi người dệt cần trải qua rất nhiều công đoạn: Từ trồng cây bông, thu hoạch bông đến tách hạt sợi bông, sau đó bỏ bông vào quay rồi ngâm trong nước gạo, tới khi sợi bông thật dai mới vớt ra cho vào máy quay se thành sợi. Cuối cùng, những bó sợi này được đi qua phiến để kéo thành sợi rồi nhuộm màu cho sợi vải bằng các loại cây trên rừng, sau đó mới đến công đoạn dệt để tạo ra những tấm vải nhiều màu sắc với những họa tiết, hoa văn hết sức đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Lào.

Theo truyền thống của dân tộc Lào, khi người con gái muốn đi lấy chồng thì phải biết dệt, bởi vì sau khi xây dựng gia đình thì họ sẽ tự tay dệt trang phục cho chồng, cho con… Nếu không biết dệt thì sẽ không lấy được chồng. Do đó, nhiều cô gái Lào đã được các bà, các mẹ truyền dạy kiến thức nghề dệt từ khi còn nhỏ. Tới khi lớn tuổi, không thể tham gia dệt vải được nữa thì họ lại tiếp tục truyền nghề cho con cháu. Cứ như thế từ đời này sang đời khác để giữ gìn và bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.

Sau quá trình nhuộm thì người thợ sử dụng dụng cụ bằng gỗ để đập nhằm giúp cho tấm vải có mầu sắc đều hơn.

Sau quá trình nhuộm thì người thợ sử dụng dụng cụ bằng gỗ để đập nhằm giúp cho tấm vải có mầu sắc đều hơn.

Quả thực, nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ. Trong khâu dệt, ban đầu phải tập dệt trơn, sau đó mới dệt các loại hoa văn cầu kỳ. Một người mới học cho đến khi biết dệt cơ bản phải mất ít nhất 3 tháng, dệt khoảng 1 năm mới thạo nghề. “Ngày trước mẹ tôi dạy như thế nào thì bây giờ tôi truyền lại cho con cháu mình như thế. Để có một tấm thổ cẩm đẹp với nhiều loại hoa văn rực rỡ, một phụ nữ Lào phải mất hàng tuần, có khi hàng tháng mới hoàn thành”, bà Lường Thị Un, 62 tuổi, ở bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chia sẻ.

Hiện nay, những nghệ nhân dệt thủ công truyền thống ở bản Na Sang cũng đều lớn tuổi. Trước nguy cơ mai một nghề dệt truyền thống, nhiều người có kinh nghiệm dệt lâu năm trong bản đã và đang tiến hành truyền dạy cho con cháu với mong muốn giữ gìn và phát huy nghề truyền thống để đưa các sản phẩm dệt thổ cẩm của dân tộc Lào nơi đây vươn xa hơn, trở thành một thương hiệu đặc sắc trên thị trường.

Bà Lường Thị Un đang truyền dạy nghề dệt cho cháu gái.

Bà Lường Thị Un đang truyền dạy nghề dệt cho cháu gái.

Chị Hoàng Yến Vy, bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, chia sẻ: “Trang phục của dân tộc Lào rất đẹp, nhiều màu sắc. Thế hệ trẻ bọn em đang cố gắng tiếp nối nghề dệt vải truyền thống này. Như em ở nhà cũng được mẹ dạy cho cách dệt vải ra sao để được cái chân váy đẹp”.

Nhằm bảo tồn và phát triển nghề dệt thủ công truyền thống của người dân tộc Lào ở bản Na Sang, chính quyền xã Núa Ngam đã thành lập Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Na Sang. Từ đó, giá trị sản phẩm dệt được nâng lên rõ rệt. Nhiều cơ sở tìm đến tận nơi để đặt hàng. Thế nhưng, các sản phẩm dệt ở Na Sang vẫn chưa xây dựng được thương hiệu rộng khắp trên cả nước. Đây cũng là điều trăn trở của bà con, cũng như của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Kiểm tra thành phẩm sau quá trình dệt.

Kiểm tra thành phẩm sau quá trình dệt.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Phương Nam, Phó chủ tịch UBND xã Núa Ngam, cho biết: “Hiện nay, UBND xã Núa Ngam đã hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nghề dệt truyền thống thành sản phẩm OCOP cho bản Na Sang. Đồng thời, khuyến khích vận động bà con phát huy truyền thống làng nghề lâu đời của bản”.

Trải qua nhiều thế hệ, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Lào ở bản Na Sang vẫn được giữ gìn và bảo tồn. Để nghề này mang lại nguồn thu nhập chính, ổn định cho bà con nơi đây thì các cấp, các ngành địa phương cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ, quan tâm hơn nữa. Qua đó, đưa sản phẩm dệt thổ cẩm trở thành một trong những điểm nhấn đối với du khách khi đến với mảnh đất Điện Biên anh hùng.

Bài và ảnh: TRƯỜNG HIẾU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/giu-gin-nghe-det-tho-cam-truyen-thong-cua-dan-toc-lao-o-dien-bien-747669
Zalo