Giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống trong nhịp sống hiện đại
Đồng bằng sông Cửu Long có trên 100 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ sự nỗ lực của người dân cùng sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, địa phương, đời sống văn hóa tinh thần của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều bước tiến đáng kể, với những kết quả tích cực.

Đua ghe ngo là hoạt động diễn ra trong dịp Lễ hội Oóc Om Bóc của đồng bào Khmer, thu hút đông đảo người dân tham quan. Ảnh: Mỹ Xuyên
Đặc sắc văn hóa Khmer
Đời sống ngày càng được nâng cao là điều kiện thuận lợi để đồng bào Khmer thụ hưởng văn hóa tinh thần tốt hơn. Nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống trước đây có nguy cơ mai một, nay đã được phục hồi, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân nơi đây, thu hút được số lượng lớn du khách đến tham quan, tìm hiểu. Nhiều lễ hội văn hóa, nghi thức tôn giáo được gìn giữ, trở thành các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo như: Lễ Chôl Chnăm Thmây (mừng năm mới), Sen Đôn-ta (lễ cúng ông bà), Oóc Om Bóc (lễ cúng trăng), lễ nhập hạ, xuất hạ..., trong đó, phải kể đến Lễ hội đua ghe ngo (thành phố Cần Thơ), đua bò truyền thống (tỉnh An Giang) thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài địa phương đến theo dõi, cổ vũ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi.
Không chỉ có lễ hội, mà những ngôi chùa với những kiến trúc nghệ thuật đặc sắc cũng là nơi thu hút nhiều du khách đến tham quan. Đến với các ngôi chùa Khmer, du khách có thể tìm hiểu một số tập tục được gìn giữ bao đời nay như Lễ dâng cơm, Lễ Kathina (Lễ dâng y cà sa), tục gửi con vào chùa tu học giáo lý Phật pháp, học làm người...
Văn hóa Khmer Nam Bộ từ lâu đã trở thành nét bản sắc của vùng đất Cần Thơ. Với sự độc đáo và giá trị văn hóa đặc sắc, đây chính là nguồn tài nguyên quý báu để phát triển loại hình du lịch văn hóa, góp phần đưa Cần Thơ trở thành một trong những điểm đến nổi bật của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Lâm Hoàng Mẫu, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo thành phố Cần Thơ, mỗi ngôi chùa Khmer đều là nơi sinh hoạt cộng đồng của đồng bào tại địa phương. Đây không chỉ là nơi lưu giữ giá trị tâm linh, mà còn là trung tâm văn hóa, nghệ thuật độc đáo. Chùa Khmer không chỉ là nơi thực hiện nghi lễ Phật giáo, mà còn là nơi tổ chức lễ hội, truyền bá kinh nghiệm sản xuất, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
“Với việc trùng tu, tôn tạo các ngôi chùa Khmer, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ngày càng được bảo vệ tốt hơn và được đầu tư nhiều hơn về nhân lực, vật lực để giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Đặc biệt, ẩm thực Khmer đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự khác biệt cho trải nghiệm du lịch” - ông Mẫu nói.
Ngoài ra, một số ngôi chùa còn là nơi lưu giữ những bộ kinh lá buông, có giá trị lớn về mặt kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, tính ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer. Không chỉ mang nét thẩm mỹ độc đáo, các chùa Khmer còn có dàn nhạc ngũ âm và là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật...
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống
Thời gian qua, các tỉnh, thành phố ở khu vực miền Tây Nam Bộ đã thực hiện nhiều chính sách chăm lo đời sống của đồng bào dân tộc Khmer, trong đó, đặc biệt quan tâm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần tạo cơ hội cho người dân địa phương tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa cho thế hệ mai sau.
Hiện nay, trong mỗi ngôi chùa hay ở các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống đều có các đội hoặc câu lạc bộ văn hóa-văn nghệ. Ông Thạch Quyết, ở xã Hưng Hội (tỉnh Cà Mau) chia sẻ: “Từ khi được Đảng, Nhà nước chăm lo, hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển sinh kế, đời sống vật chất và tinh thần của chúng tôi ngày càng khởi sắc hơn. Từ đó, nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của người Khmer trước đây khá trầm lắng, thậm chí là mai một, nay đã được khôi phục và phát triển, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết của cộng đồng Khmer”.
Thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025, những năm gần đây, các tỉnh, thành phố có đông đồng bào Khmer sinh sống đã đẩy mạnh việc đào tạo chuyên ngành văn hóa dân tộc như mở lớp dạy chữ Khmer, các khóa dạy nghệ thuật dân tộc thiểu số, duy trì và phát triển các câu lạc bộ, đội văn nghệ ở các phum sóc và ở các chùa Khmer...
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, các thiết chế văn hóa - thể thao, trang thiết bị hỗ trợ sinh hoạt văn nghệ, thể thao ở các xã vùng đồng bào dân tộc Khmer chưa hoàn thiện, còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, giao lưu văn hóa của người dân. Nhiều loại hình văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc Khmer đang có dấu hiệu bị lãng quên. Đội ngũ nghệ nhân và diễn viên ngày càng ít đi. Việc truyền dạy văn hóa cho lớp kế thừa gặp khó khăn do thiếu nhạc cụ và cơ sở vật chất, khó tìm được nghệ nhân truyền dạy...
Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cho biết: Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer, các cấp, các ngành cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
“Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nhân lực nòng cốt trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Khmer, đề cao vai trò của các sư sãi, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng; bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ công tác truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống; xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao... để từ đó, nâng cao ý thức của đồng bào trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống” - ông Sum nói.