Gìn giữ hồn quê trong hành trình xây dựng nông thôn mới

Trong quá trình phát triển nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh, thành phố Hà Nội luôn xác định văn hóa là yếu tố cốt lõi không thể thiếu. Mục tiêu xuyên suốt của thành phố là xây dựng nông thôn mới nhưng không đánh đổi bản sắc truyền thống - những giá trị được hình thành và lưu truyền qua hàng trăm năm trong đời sống cộng đồng làng xã.

Từ ngày 1-7, cùng với cả nước, Hà Nội chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thành lập nhiều xã, phường có quy mô lớn về diện tích và dân số, đồng thời sở hữu nền tảng văn hóa đa dạng, đặc sắc. Trong bối cảnh đó, việc hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển hiện đại đang trở thành định hướng chiến lược cho hành trình phát triển nông thôn Thủ đô một cách bền vững.

Làng cổ Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm

Văn hóa - “chất keo” gắn kết cộng đồng làng quê

Không khó để bắt gặp những vùng quê Hà Nội vẫn còn gìn giữ nguyên vẹn nếp sống truyền thống, dù diện mạo hạ tầng đã nhiều thay đổi. Phường Sơn Tây - trung tâm vùng đất xứ Đoài - là minh chứng sống động cho sự giao thoa giữa bảo tồn và phát triển. Nơi đây, làng cổ Đường Lâm được xem là “hạt nhân” văn hóa với hệ thống di tích quốc gia đồ sộ như: Đền Và (thờ Thánh Tản Viên), chùa Mía, đình Phù Sa, đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền…

Tại xã Đan Phượng, từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, các làng quê không chỉ khang trang hơn mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa. Hàng loạt cổng làng được xây dựng hoặc tôn tạo, từ Đông Khê, Đoài Khê đến Thu Quế, Cổ Ngõa Hạ… đều mang thiết kế riêng biệt, vừa thể hiện phong cách kiến trúc truyền thống, vừa bảo đảm công năng hiện đại như xe cứu hỏa, xe cấp cứu có thể dễ dàng di chuyển.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, giá trị văn hóa truyền thống chính là “tài sản mềm” quan trọng giúp kết nối con người trong các cộng đồng làng xã. Từ những câu ca dao đến tục lệ làng, từ cách dựng nhà đến việc tổ chức lễ hội, tất cả đều góp phần tạo nên sự cố kết cộng đồng. Trong thời đại hội nhập, xu hướng đô thị hóa và giao thoa văn hóa đặt ra nhiều thách thức mới. Nếu không có định hướng rõ ràng, các giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một.

Vì vậy, trong triển khai Chương trình số 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, thành phố thường xuyên nhấn mạnh, phát triển phải gắn với bảo tồn; xây dựng nông thôn mới không chỉ là làm đường, xây nhà, mà còn là giữ gìn cảnh quan, bản sắc, nếp sống và di sản văn hóa mỗi vùng quê. Hà Nội đang từng bước hình thành những vùng nông thôn mẫu mực - nơi các giá trị văn hóa truyền thống trở thành động lực phát triển.

Không “đồng phục hóa” văn hóa - Mỗi làng một bản sắc riêng

Việc vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp từ tháng 7-2025 tạo điều kiện để Hà Nội tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý. Tuy nhiên, mô hình mới cũng đồng nghĩa với việc sáp nhập nhiều xã nhỏ thành các đơn vị hành chính lớn, bao gồm hàng chục thôn làng với đặc điểm văn hóa, lịch sử khác nhau. Thách thức đặt ra là làm thế nào để bảo tồn được nét riêng, không để văn hóa làng xã bị “pha loãng” trong quá trình hội nhập.

Một điển hình là xã Phúc Lộc, được hình thành từ việc hợp nhất 5 xã cũ: Nam Hà, Vân Phúc, Xuân Đình, Sen Phương và Võng Xuyên. Với hơn 60.000 dân và 46 thôn, nơi đây có hàng chục lễ hội truyền thống và nhiều làng nghề thủ công. Ngay sau khi thành lập xã mới, lãnh đạo địa phương đã nhanh chóng làm việc với các trưởng thôn, bàn bạc việc giữ gìn phong tục, tôn tạo di tích và xây dựng nếp sống văn minh.

Tại xã Ô Diên, được hình thành từ 7 xã sáp nhập, chính quyền địa phương đã đưa ra quan điểm rõ ràng: không “đồng phục hóa” văn hóa. Thay vào đó là “bản đồ hóa” - tức là xác định và phân vùng rõ từng giá trị, từng đặc điểm riêng của từng thôn, làng. Từ đó, có chính sách bảo tồn phù hợp, biến sự đa dạng thành lợi thế để phát triển du lịch, làng nghề, giáo dục truyền thống…

Hà Nội hiện đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đưa các vùng nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, tiêu chí văn hóa không chỉ dừng lại ở việc có nhà văn hóa, có các hoạt động phong trào, mà quan trọng hơn là khôi phục không gian văn hóa làng, giữ được nghề truyền thống, phong tục tập quán đẹp, và tinh thần cố kết cộng đồng.

Thành phố cũng ưu tiên nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để bảo tồn di tích, phục dựng lễ hội, phát triển du lịch văn hóa, hỗ trợ làng nghề phát triển. Với nhiều vùng quê Hà Nội, văn hóa không chỉ là “quá khứ để nhớ về”, mà còn là nguồn lực để đi lên trong tương lai.

Làm tương ở Đường Lâm

Làm tương ở Đường Lâm

Giữ hồn cốt văn hóa - Nền tảng của nông thôn mới bền vững

Xây dựng nông thôn mới không thể chỉ nhìn ở con số thu nhập hay chất lượng hạ tầng. Một ngôi làng hiện đại mà mất đi hồn cốt văn hóa thì sẽ trở nên vô hồn, thiếu sức sống. Do đó, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đang trở thành yêu cầu sống còn trong quá trình phát triển nông thôn Hà Nội.

Mỗi làng quê có một dáng hình riêng, một tập quán riêng, một câu chuyện riêng. Nếu biết khai thác đúng cách, văn hóa không chỉ là thứ để bảo tồn mà còn có thể chuyển hóa thành lợi thế phát triển kinh tế, du lịch, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Bảo tồn để phát triển – đó là con đường mà Hà Nội đang đi, để mỗi bước tiến trong xây dựng nông thôn mới đều vững chắc, sâu rễ và bền gốc.

(Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội)

Hoàng Sơn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/gin-giu-hon-que-trong-hanh-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-post617879.antd
Zalo