Gìn giữ con chữ ở vùng người Dao tại xã Hồ Thầu
Người Dao đầu bằng ở thôn Khèo Thầu, xã Hồ Thầu (Tam Đường, Lai Châu) đều gọi ông Phàn Vần Chang là người gìn giữ con chữ ở vùng người dân tộc Dao đầu bằng, lưu truyền cho các thế hệ mai sau.
Dù tuổi đã cao nhưng ông Phàn Vần Chang vẫn rất hoạt bát và say mê với công việc sưu tầm, nghiên cứu sách cổ của người Dao, không chỉ của người Dao đầu bằng mà còn nhiều nhóm người Dao khác. Sau nhiều năm nghiên cứu và học hỏi, ông Chang đã thông thạo hầu hết các đầu sách của người Dao ở trong vùng.
Trong nhà, ông Chang dành riêng một góc cất giữ sách nôm Dao mà theo ông đây là di sản quý giá, cội nguồn dân tộc. Cầm trên tay những cuốn sách đã bạc màu theo thời gian, ông kể cho chúng tôi nghe về giá trị của chữ nôm Dao. Chữ nôm Dao ra đời từ cách đây hàng nghìn năm, được xây dựng từ các ký tự Hán dùng để phiên âm và ghi lại tiếng nói của dân tộc. Người Dao trước kia dùng chữ nôm Dao trong học tập, ghi chép các bài hát dân ca, bài cúng, bài thuốc, câu đối, dạy con trẻ về lễ nghĩa, học nghề, di chúc, văn tự....
Ngay từ khi còn nhỏ, ông Chang đã được bố mình dạy chữ nôm Dao, rồi ông tiếp tục theo học các thầy cúng trong vùng, nên kiến thức về chữ nôm Dao của ông ngày càng được tích lũy. Đến năm 17 tuổi, ông đã hiểu khá sâu về tư tưởng đạo đức, giáo lý trong các cuốn sách cổ và thuộc lòng các bài cúng, bài hát dân ca truyền thống, các phong tục tập quán của dân tộc Dao. Đến năm 25 tuổi, ông trở thành thầy cúng, được bà con tin tưởng giao trọng trách làm chủ các ngày lễ, hội của bản.
Sau này, ông Chang rất trăn trở bởi nhiều thế hệ trẻ người Dao đã không còn biết chữ, không ham mê học chữ nôm Dao như xưa nữa, nguy cơ mai một kho tàng sách cổ của người Dao là rất lớn. Nếu như các thế hệ trẻ lớn lên mà không còn biết đến sách và chữ của dân tộc mình, sẽ khiến họ không thể biết đến nguồn gốc, đến tri thức của dân tộc mình. Từ đó, ông đã mở lớp truyền dạy chữ nôm Dao cho các thế hệ trẻ, với mong muốn gìn giữ và phát huy được con chữ của người Dao.
Những ngày đầu mở lớp còn rất nhiều khó khăn, từ bàn ghế ngồi học, đến các loại giấy, bút, mực đều thiếu. Thầy và trò luôn nỗ lực cố gắng khắc phục những khó khăn ban đầu, đến nay, các lớp học của thầy Chang đã đông học sinh hơn, khang trang hơn, trang thiết bị dạy và học đầy đủ hơn. Đến nay, ông đã mở được 3 lớp dạy chữ nôm Dao với hơn 100 học viên, chủ yếu từ 10- 40 tuổi. Trong quá trình dạy, các học viên không chỉ được học chữ viết mà còn được ông truyền dạy cả văn hóa truyền thống của dân tộc, đạo lý làm người, các bài cúng, bài hát và cách thức tổ chức các nghi lễ dân tộc như: lễ cấp sắc, lễ cúng ngày tết, ngày rằm…
Dù tuổi đã cao nhưng khi có thời gian rảnh rỗi, ông Phàn Vần Chang vẫn ngồi sao chép lại những cuốn sách Dao cổ để dạy cho con cháu. Với ông, đó cũng là niềm vui được cống hiến sức mình gìn giữ, lưu truyền nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Dao đầu bằng.
Ông Phạm Văn Thời, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lai Châu, chia sẻ: “Nghệ nhân Phàn Vần Chang là người có kiến thức uyên thâm về nôm Dao, ông ấy đã dành nhiều năm nghiên cứu tìm tòi, sao chép nhân bản hàng trăm cuốn sách quý để lưu giữ cho các thế hệ con cháu mai sau. Là người rất tâm huyết gìn giữ và phát huy chữ nôm Dao, ông đã bỏ công bỏ sức mở lớp truyền dạy chữ nôm Dao cho các thế hệ thanh thiếu niên trong chính cộng đồng mình, nhờ đó mà kho tàng sách cổ, chữ nôm Dao ở vùng người Dao đầu bằng xã Hồ Thầu được phát triển và duy trì bền vững cho các thế hệ mai sau”.