'Gieo mầm' ý thức chấp hành từ ghế nhà trường

Trong bối cảnh tai nạn giao thông vẫn là nỗi lo thường trực tại nhiều địa phương, đặc biệt có những vụ việc thương tâm liên quan đến trẻ em, lực lượng công an toàn tỉnh đã và đang triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp, trong đó có hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông dành cho học sinh. Việc nâng cao nhận thức từ lứa tuổi nhỏ không chỉ là cách 'gieo mầm' ý thức, mà còn là giải pháp căn cơ để xây dựng một thế hệ công dân văn minh, trách nhiệm khi tham gia giao thông.

Trẻ em – “Đại sứ an toàn giao thông” trong mỗi gia đình

Lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở là giai đoạn hình thành những thói quen và nhận thức nền tảng đầu đời. Các em thường rất năng động, tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh, nhưng chưa đủ khả năng đánh giá hết những nguy hiểm có thể xảy ra khi tham gia giao thông. Chính vì thế, việc trang bị kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh là hết sức cần thiết.

Thường xuyên tuyên truyền về an toàn giao thông sẽ giúp các em học sinh nâng cao ý thức tham gia giao thông văn minh.

Thường xuyên tuyên truyền về an toàn giao thông sẽ giúp các em học sinh nâng cao ý thức tham gia giao thông văn minh.

Những năm gần đây, lực lượng công an toàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật về giao thông trong trường học. Nội dung tuyên truyền được thiết kế sinh động, trực quan, phù hợp với lứa tuổi như tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, thi tìm hiểu luật giao thông, vẽ tranh theo chủ đề “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, diễn kịch tái hiện các tình huống nguy hiểm khi đi đường… Qua các hoạt động này, các em dễ tiếp thu, dễ nhớ và đặc biệt có thể lan tỏa những thông điệp tích cực đến người thân trong gia đình.

Trên thực tế, không ít phụ huynh đã thừa nhận, chính con mình là người nhắc nhở cha mẹ phải đội mũ bảo hiểm, không vượt đèn đỏ, không chở quá số người quy định. Hình ảnh một em bé ngồi sau xe máy kiên quyết đòi cha mẹ dừng xe đúng vạch đèn đỏ, hay phản ứng khi thấy người lớn không bật xi-nhan khi rẽ – đó là minh chứng cho hiệu ứng lan tỏa từ công tác giáo dục giao thông trong nhà trường.

Đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền đến hạ tầng

Không chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, lực lượng công an các địa phương còn chủ động rà soát các điểm “đen” giao thông, phối hợp với chính quyền kiến nghị sửa chữa hạ tầng quanh trường học, lắp đặt biển cảnh báo, gờ giảm tốc, đèn tín hiệu tại các điểm giao cắt nguy hiểm. Đây là những hành động thiết thực, thể hiện rõ trách nhiệm trong việc tạo lập môi trường an toàn cho học sinh. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cũng thường xuyên kiểm tra hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô, xử lý nghiêm các phương tiện không đảm bảo an toàn, hết niên hạn sử dụng, không có hợp đồng vận chuyển đúng quy định. Việc này nhằm ngăn ngừa các nguy cơ tai nạn đáng tiếc do phương tiện không đảm bảo kỹ thuật gây ra.

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự và công an xã, phường được phân công phụ trách các tuyến đường gần trường học cũng được yêu cầu tổ chức phân luồng hợp lý vào giờ cao điểm, hỗ trợ đưa đón an toàn, đồng thời nhắc nhở, xử lý vi phạm ngay tại hiện trường. Đặc biệt, với những khu vực trường học nằm sát quốc lộ hoặc các tuyến đường có mật độ phương tiện cao, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bố trí lực lượng tăng cường giám sát, phân luồng, giảm nguy cơ xảy ra tai nạn trong khung giờ cao điểm.

Có thể nói, việc giáo dục ý thức giao thông cho học sinh là đầu tư cho tương lai. Không chỉ giúp các em tự bảo vệ mình, công tác này còn góp phần định hình nên thế hệ công dân tương lai biết sống có trách nhiệm và tuân thủ pháp luật. Những hành động nhỏ như đội mũ bảo hiểm đúng cách, đi đúng làn đường, nhắc người lớn tuân thủ tín hiệu đèn giao thông sẽ góp phần hình thành một xã hội an toàn và văn minh hơn.

Tuy nhiên, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả bền vững, rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Phụ huynh phải là tấm gương cho con em noi theo, nhà trường cần tiếp tục đổi mới cách truyền đạt kiến thức, còn lực lượng chức năng phải duy trì đều đặn các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, xử lý. Giao thông là một phần không thể tách rời của cuộc sống. Khi những thế hệ mầm non hôm nay được gieo trồng trong môi trường giáo dục an toàn, trách nhiệm và yêu thương, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một lớp trẻ biết bảo vệ bản thân, tôn trọng người khác và góp phần làm nên một xã hội trật tự, an toàn.

NGUYỄN LUÂN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/gieo-mam-y-thuc-chap-hanh-tu-ghe-nha-truong-130164.html
Zalo