Giáo dục tư thục trong kỷ nguyên vươn mình: Từ chính sách đến thực tiễn

Tọa đàm 'Giáo dục tư thục trong kỷ nguyên vươn mình: Từ chính sách đến thực tiễn' được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Để tạo diễn đàn chia sẻ từ thực tiễn, có kiến nghị chính sách nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân - giáo dục tư thục phát triển, chiều ngày 22/7, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Giáo dục tư thục trong kỷ nguyên vươn mình: Từ chính sách đến thực tiễn”.

Tọa đàm được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến, đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, lãnh đạo, đại diện nhiều cơ sở giáo dục tư thục.

Tham dự tọa đàm, về phía Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tọa đàm có sự tham dự của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội; ông Lê Như Tiến – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội); ông Trịnh Ngọc Thạch - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội).

Cùng với đó là sự tham gia của hơn 40 thầy, cô là lãnh đạo, đại diện nhiều trường, hệ thống giáo dục tư thục, tập đoàn giáo dục: Hệ thống Giáo dục Newton; Hệ thống giáo dục Đoàn Thị Điểm; Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu; Hệ thống giáo dục FPT; Hệ thống giáo dục IQ School, Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng; Tập đoàn Equest...

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, Tạp chí đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh xung quanh những bất cập, khó khăn trong sự phát triển của hệ thống giáo dục tư thục.

Trong khi đó, Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhấn mạnh quan điểm phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền, khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Một trong giải pháp được nêu ra là đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội vào phát triển giáo dục và đào tạo.

Cùng với đó, Nghị quyết số 35 của Chính phủ về tăng cường huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025 đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể. Và Nghị quyết đã cho thấy có những chuyển biến tích cực trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, một số mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 35 chưa đạt được, thậm chí, ngay tại thành phố lớn như Hà Nội, cũng còn tiêu chí chưa đạt. Với lợi thế của Thủ đô, Hà Nội nếu có các chính sách phù hợp sẽ phát huy được ưu thế huy động xã hội hóa giáo dục tốt hơn nữa.

 Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm.

Nhà báo Nguyễn Tiến Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc tọa đàm.

Ghi nhận ý kiến thực tế cho thấy, vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh cũng đặt ra nhiều băn khoăn. Trong khi các cơ sở giáo dục đại học đã được trao quyền tự chủ tuyển sinh, không còn cơ chế "xin - cho", trong khi các trường phổ thông tư thục vẫn tồn tại việc phải duyệt chỉ tiêu đầu cấp của Sở Giáo dục và Đào tạo, xã/phường (trước đây là quận/huyện).

Cùng với đó, những năm gần đây ngành giáo dục Hà Nội đã đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục công lập như cho phép xây dựng mới nhiều trường; phát triển trường công lập chất lượng cao; hạ điểm chuẩn vào 10 công lập; cho phép triển khai hàng loạt "dịch vụ" thu phí…

Trong khi đó, trường tư thục tự đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn lực, chương trình... nhưng công tác tuyển sinh lại chưa được hưởng nhiều chính sách tương xứng. Điều này là chưa phù hợp với quan điểm: “Phát triển hài hòa, hỗ trợ giữa giáo dục công lập và ngoài công lập” của Nghị quyết số 29-NQ/TW, cũng như quan điểm: “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng…” của Nghị quyết số 68-NQ/TW.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã và đang thực hiện, phát huy vai trò góp ý, phản biện chính sách các vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo. Do đó, Nhà báo Nguyễn Tiến Bình kỳ vọng Tọa đàm “Giáo dục tư thục trong kỷ nguyên vươn mình: Từ chính sách đến thực tiễn” sẽ tạo ra diễn đàn để chuyên gia, thầy cô là lãnh đạo, đại diện các cơ sở, hệ thống giáo dục tư thục cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan; từ đó Tạp chí ghi nhận và có kiến nghị, đề xuất gửi tới cơ quan quản lý.

Nhiều rào cản cần "gỡ" để giáo dục tư thục phát triển

 Quang cảnh tọa đàm.

Quang cảnh tọa đàm.

Có thể thấy, cơ sở giáo dục tư thục có đóng góp rất nhiều vào việc nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thực tế thời gian vừa qua, Tạp chí ghi nhận được nhiều ý kiến từ phía cơ sở giáo dục tư thục về việc có những bất cập trong thực hiện chính sách gây lo ngại về việc hoạt động ổn định, bền vững của trường tư. Đơn cử như câu chuyện nóng vừa qua liên quan đến tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội.

Trao đổi tại tọa đàm, một thạc sĩ là lãnh đạo một cơ sở giáo dục tư thục trên địa bàn Hà Nội bày tỏ: "Trong quá trình điều hành trường, tôi nhận thấy rằng việc quản lý trường công lập diễn ra thuận lợi hơn khá nhiều. Tại trường công lập, có sự hỗ trợ từ ngân sách, bao gồm cơ sở vật chất, nguồn tài chính, và lương giáo viên... Ðiều này giúp giáo viên yên tâm hơn trong công việc, và lãnh đạo cũng không phải gánh nặng áp lực quá lớn.

Ngược lại, các trường tư thục gặp rất nhiều khó khăn. Nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện về nhân sự, cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy và tài chính để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Chương trình học tại các trường tư cũng đa dạng và phong phú hơn. Chẳng hạn, môn Tiếng Anh thường được nhà trường chú trọng hơn, với số tiết học gấp nhiều lần so với trường công lập nhằm nâng cao khả năng ngôn ngữ cho học sinh.

Trên thực tế, việc thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân vào giáo dục là rất quan trọng. Điều này không chỉ giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước mà còn tạo điều kiện đa dạng hóa mô hình giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Tuy nhiên, tình hình tuyển sinh tại một số trường tư thục không khả quan như mong đợi, mặc dù học phí không quá cao. So sánh với chỉ tiêu, tuyển sinh của các trường công lập, điều này thực sự đáng lo ngại", vị lãnh đạo bày tỏ.

Theo dữ liệu vị này thống kê, chỉ tiêu tuyển sinh lớp vào lớp 10 trung học phổ thông có sự chênh lệch đáng kể giữa khối công lập và tư thục. Hiện tại nhiều trường trung học phổ thông tư thục trên địa bàn quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai (cũ) thống kê chỉ tuyển được khoảng 20-60% chỉ tiêu được giao. Trường tư không còn nguồn tuyển do nhiều trường công tăng chỉ tiêu tuyển sinh, trúng tuyển.

Đề xuất trường tư được tự chủ tuyển sinh

Chia sẻ tại tọa đàm, cô Phạm Thị Khánh Ly - Giám đốc điều hành Hệ thống các trường phổ thông FPT tại Hà Nội (Tập đoàn FPT) cho biết, hiện tại đơn vị này có 16 trường trên toàn quốc, vận hành mô hình tư thục từ bán trú, nội trú ở nhiều địa phương.

 Cô Phạm Thị Khánh Ly - Giám đốc điều hành Hệ thống các trường phổ thông FPT tại Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm.

Cô Phạm Thị Khánh Ly - Giám đốc điều hành Hệ thống các trường phổ thông FPT tại Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm.

Cô Ly cũng đồng tình rằng: "Tồn tại cơ chế "xin - cho" trong cấp chỉ tiêu tuyển sinh là một khó khăn của các cơ sở giáo dục tư thục.

Bản thân trường tư thục có tuyển sinh được hay không phụ thuộc vào sự khác biệt của chính trường đó. Có một câu nói rằng "khó khăn của bạn là cơ hội cho tôi", xuất phát từ những hạn chế của hệ thống công lập thì có thể là cơ hội để hệ thống tư thục phát triển".

Từ bức tranh về sức hút của trường tư thục cũng như những số liệu nêu từ đại diện một số trường tư thục tại tọa đàm về chỉ tiêu dành cho một số trường công lập và số lượng học sinh trúng tuyển có sự chênh lệch, có lợi sự phát triển của trường công lập. Vậy làm thế nào để giáo dục tư thục có thể "vươn mình"?

Để giáo dục tư thục được công nhận đúng vị thế đóng góp, cần gỡ từ chính sách. Trên thực tế chúng ta cần coi giáo dục tư thục như "một đồng đội". Khi giáo dục tư thục và công lập "giống như hai bàn tay vỗ vào nhau" mới có thể tiến xa hơn và tạo ra sự phát triển vượt bậc.

Do đó, nếu trường tư thục được tự chủ tuyển sinh sẽ tạo nhiều cơ hội phát triển hơn. Cô Khánh Ly lý giải: "Bản thân khi một trường tư thục mở ra, không chỉ đơn thuần là thu hút phụ huynh, học sinh bằng cơ sở vật chất đẹp và thuận tiện, mà còn phải liên tục đổi mới và tạo sự khác biệt trong tuyển sinh - từ chương trình giảng dạy, nguồn nhân lực...

Nếu được đề xuất, tôi rất mong muốn có thể xóa bỏ cơ chế "xin - cho" trong tuyển sinh. Việc này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 68 phát triển kinh tế tư nhân. Tôi nghĩ đây cũng là một đề xuất chung của nhiều trường tư thục khác".

Trường công chất lượng cao nên thu học phí bằng trường tư để đảm bảo cạnh tranh công bằng

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư, Tập đoàn Equest cũng nêu lên một số đề xuất về hoạt động thu chi của các trường công lập tự chủ nhằm đảo bảo công bằng công - tư.

 Ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư, Tập đoàn Equest.

Ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư, Tập đoàn Equest.

Thứ nhất, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII có nêu một nội dung quan trọng: "Về lĩnh vực giáo dục đào tạo, Ban chấp hành Trung ương yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục, đào tạo; nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo nguồn lực cho đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường thu hút tối đa nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục và đào tạo; không lấy mức độ tự chủ tài chính làm căn cứ để xác định mức độ tự chủ đối với cơ sở giáo dục, đào tạo công lập".

Theo ông Đức, đây là một định hướng rất quan trọng trong chính sách đổi mới giáo dục công lập tự chủ, giúp giảm áp lực, nâng cao chất lượng và phát huy đúng vai trò của giáo dục công lập. Cơ sở giáo dục công lập thực hiện sứ mệnh cung cấp dịch vụ giáo dục công chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội thay vì hoạt động như một doanh nghiệp.

Vì vậy, ông Đức cho rằng "trường công lập tự chủ có thể là một trường công lập bình thường, không thu tiền của học sinh giống như các trường công lập khác".

Thứ hai, căn cứ vào Kế hoạch số 267-KH/UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, trong đó nêu: “Bảo đảm đối xử bình đẳng và tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch; không phân biệt cơ sở giáo dục công lập và cơ sở giáo dục tư thục”; “mức thu bảo đảm bù đắp chi phí hợp lý, có tích lũy để thu hút nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia cung ứng dịch vụ” và “tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục để từng bước tăng nguồn thu đảm bảo chi thường xuyên”.

Những nội dung này thể hiện định hướng chính sách mạnh mẽ và tiến bộ của Hà Nội trong việc phát triển giáo dục bằng cách khai thác tối đa tiềm năng của khu vực ngoài công lập, thông qua một môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Đây là yếu tố then chốt nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia cung ứng dịch vụ giáo dục, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, nâng cao chất lượng cũng như đa dạng hóa nguồn cung dịch vụ giáo dục tại Hà Nội.

 Tọa đàm “Giáo dục tư thục trong kỷ nguyên vươn mình: Từ chính sách đến thực tiễn” được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tọa đàm “Giáo dục tư thục trong kỷ nguyên vươn mình: Từ chính sách đến thực tiễn” được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Để thực hiện các kế hoạch này, theo ông Đức, các trường công lập tự chủ cũng phải trả khoản tiền chi thường xuyên và chi cơ sở vật chất công khai, bao gồm: Đầu tư ban đầu về đất đai (đấu giá đất); Nhà nước cho vay tiền xây dựng cơ sở vật chất; Trả lãi tiền đầu tư theo lãi suất của ngân hàng hàng năm; Khấu hao tài sản cố định hàng năm; Nộp thuế như trường tư; Lương và chi các khoản chi hàng tháng, hàng năm của nhà trường.

Thứ ba, để đảm bảo công bằng, trường công lập tự chủ nên thu học phí ngang bằng với trường tư trong cùng khu vực với mức đầu tư cơ sở vật chất tương đương.

Bài: Thi Thi, Ảnh: Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-tu-thuc-trong-ky-nguyen-vuon-minh-tu-chinh-sach-den-thuc-tien-post253048.gd
Zalo