Giao dịch vàng từ 20 triệu đồng/ngày trở lên qua tài khoản: Nhà đầu tư vẫn nhiều trăn trở
Hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng vừa được công bố. Theo đó, NHNN chính thức bổ sung quy định giao dịch vàng từ 20 triệu đồng trong ngày trở lên buộc thanh toán qua tài khoản ngân hàng (không dùng tiền mặt).
Quy định mới về giao dịch vàng: Nhà đầu tư lo ngại không còn tính riêng tư tài chính
Theo đó, giao dịch vàng được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng của người mua và tài khoản thanh toán của doanh nghiệp kinh doanh.
Điểm mới rất phù hợp với tình hình thực tiễn và đảm bảo yêu cầu về xác thực thông tin khách hàng và tăng tính công khai, minh bạch trong giao dịch vàng. Đồng thời, tránh tình trạng lách luật thông qua việc chia nhỏ các giao dịch (dưới 20 triệu đồng).
Tuy nhiên, không ít người mua vàng tỏ ra trăn trở khi hàng loạt quy định mới có thể làm thay đổi sâu sắc cách thức giao dịch vàng cũng như hình thức tiếp cận thị trường vàng. Điển hình là quy định thanh toán mua – bán vàng không dùng tiền mặt với giao dịch từ 20 triệu đồng/ngày trở lên.

Quy định mới về giao dịch vàng từ 20 triệu đồng trong ngày trở lên buộc phải thanh toán qua tài khoản rất phù hợp với tình hình thực tiễn nhưng không ít người mua vàng vẫn mang nhiều trăn trở. Ảnh: BẢO LOAN
Anh Nguyễn Văn Tần (46 tuổi, ở phường Dương Nội, TP Hà Nội) bày tỏ, trong bối cảnh thị trường vàng truyền thống vốn quen với giao dịch tiền mặt tại các cửa hàng, đặc biệt là cửa hàng nhỏ lẻ hoặc thị trường tự do thì liệu rằng quy định mới về giao dịch vàng từ 20 triệu đồng/ngày trở lên không dùng tiền mặt có làm mất tính linh hoạt và tăng thời gian xử lý giao dịch hay không?
Cùng mang trăn trở với anh Tần, chị Bùi Thị Diệu Linh (39 tuổi, ở phường Hoàng Liệt, TP Hà Nội) không khỏi lo ngại về việc lộ thông tin cá nhân, ảnh hưởng đến sự riêng tư tài chính của bản thân thông qua giao dịch vàng từ 20 triệu đồng/ngày trở lên không dùng tiền mặt.
Đặc biệt, quy định cấm chia nhỏ giao dịch vàng để lách ngưỡng 20 triệu đồng/ngày cũng khiến nhà đầu tư cá nhân cảm thấy bị siết chặt, dễ rơi vào rủi ro pháp lý nếu bị hiểu sai hành vi giao dịch lẻ.
Do đó, chị Linh cho rằng, những thay đổi trên, dù nhằm minh bạch và quản lý chặt hơn nhưng nếu không được thiết kế hợp lý, có thể khiến thị trường vàng mất đi sự linh hoạt vốn có và gia tăng gánh nặng cho nhà đầu tư chân chính.
Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh vàng miếng?
Ngoài quy định mới trên, theo Ngân hàng Nhà nước, một trong những nội dung quan trọng được thị trường vàng quan tâm mà cơ quan này đề xuất Chính phủ sửa đổi là xóa bỏ quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Quan điểm là xóa bỏ cơ chế độc quyền Nhà nước về sản xuất vàng miếng một cách có kiểm soát, trên nguyên tắc Nhà nước vẫn quản lý hoạt động sản xuất vàng miếng, đồng thời mở rộng quyền nhập khẩu có kiểm soát để tăng cung vàng; bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp; bảo đảm sự minh bạch trên thị trường.
Do đó, trong dự thảo Nghị định mới, Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị hoạt động sản xuất vàng miếng, kinh doanh mua, bán vàng miếng phải được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép, do sản xuất vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện.
Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm phù hợp với mục tiêu chuyển từ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng sang cơ chế cấp phép hoạt động sản xuất vàng miếng.
Về quy định xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị cấp hạn mức hằng năm và giấy phép từng lần cho doanh nghiệp, ngân hàng thương mại để xuất khẩu, nhập khẩu vàng miếng. Hạn mức được cấp hằng năm và giấy phép từng lần cho doanh nghiệp, ngân hàng thương mại để nhập khẩu vàng nguyên liệu.