Gian khó không sờn lòng

Càng khó khăn thì càng thêm quyết tâm. Người dân Quảng Ngãi là vậy đó, luôn chịu thương, chịu khó, đổi mới sáng tạo trên hành trình 35 năm xây dựng và phát triển quê hương.

1. Tôi vinh dự nhiều lần được nghe nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Trần Cao Minh (95 tuổi) kể chuyện về tỉnh Quảng Ngãi trong những ngày đầu tái lập. Bởi lẽ ông là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi sau khi tái lập tỉnh. Những câu chuyện kể của ông luôn chứa đựng niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, về con người Quảng Ngãi chịu thương, chịu khó, không ngừng đổi mới sáng tạo trên hành trình xây dựng quê hương.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Trần Cao Minh trò chuyện với Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Ngọc Dũng. Ảnh: PHƯƠNG LÝ

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Trần Cao Minh trò chuyện với Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Ngọc Dũng. Ảnh: PHƯƠNG LÝ

Ngày 1/7/1989, tỉnh Quảng Ngãi được tái lập, sau 14 năm (1975 - 1989) hợp nhất với tỉnh Bình Định thành tỉnh Nghĩa Bình. Những ngày đầu tái lập tỉnh, dẫu gặp vô vàn khó khăn, nhưng cán bộ và nhân dân trong tỉnh đoàn kết, nhất trí cao, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Thời điểm đó, nền kinh tế đất nước rất nhiều khó khăn, ngân sách thiếu hụt. Ngân sách tỉnh chỉ có 76 triệu đồng tiền mặt. Song, trong vô vàn những khó khăn đó vẫn không làm chùn bước lòng quyết tâm của cán bộ và nhân dân. Ai cũng có niềm tin và nỗ lực, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng khấm khá hơn. Điều làm các đồng chí trong Tỉnh ủy, UBND tỉnh phải trăn trở, suy tính là làm sao cho tỉnh không tụt hậu xa so với các tỉnh bạn lân cận. Bác Phạm Văn Đồng năm nào cũng về thăm quê và làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, động viên cán bộ và nhân dân tỉnh nhà vượt khó đi lên cùng cả nước.

Có rất nhiều việc phải làm và làm cho bằng được trong thời kỳ đầu tái lập tỉnh. Một trong những việc quan trọng hàng đầu, đó là tập trung xây dựng hoàn thành công trình thủy lợi Thạch Nham. Đây là công trình trọng điểm cấp Nhà nước lớn nhất ở miền Trung lúc bấy giờ. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh suy nghĩ rằng, Quảng Ngãi là tỉnh nghèo, sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, nên phải lo lương thực, thực phẩm để đảm bảo người dân không bị thiếu ăn. Vì thế vấn đề mấu chốt là phải tập trung mọi sức lực để thi công, sớm đưa công trình thủy lợi Thạch Nham vào sử dụng. Công trình này khởi công trước khi tái lập tỉnh 3 năm, và đã thực hiện đạt mục tiêu của tỉnh Quảng Ngãi là đến năm 1995 hoàn thành, thay vì phải đến năm 2000 mới có thể hoàn thành vì thiếu vốn như dự tính lúc ban đầu. Ngày dòng nước Thạch Nham chảy về đồng ruộng, người dân vui mừng không kể xiết. Vậy là ước mơ nghìn đời đã thành hiện thực. Từ đấy trở đi, nông thôn Quảng Ngãi đã vắng tiếng bờ xe nước những trưa hè, tiếng cần vọt nước thâu đêm. Cũng từ đó, đâu đâu cũng thấy những cánh đồng lúa trĩu hạt, người dân có cái ăn, cái mặc, niềm vui khi có dòng nước Thạch Nham là vậy.

2. Chuyện nhà ở cho cán bộ cũng là vấn đề “nóng” mà tỉnh phải lo giải quyết. Nhiều cán bộ, nhân viên và gia đình từ Quy Nhơn (Bình Định) về Quảng Ngãi công tác, không có nhà ở, họ phải tá túc nhà người thân, bạn bè, hoặc ở tạm trong cơ quan. Lo chỗ làm việc cho các cơ quan của tỉnh đã khó, lo chỗ ở cho cán bộ, nhân viên còn vất vả hơn. Lãnh đạo tỉnh sau nhiều lần bàn bạc đã kiến nghị Chính phủ khoản kinh phí 400 - 500 triệu đồng để xây khoảng 100 căn hộ khép kín, nhà cấp 4. Vì nhu cầu nhà ở cho cán bộ rất lớn và cấp bách, trong khi quỹ đất thu hồi được rất hạn chế, nên việc tính toán diện tích cho mỗi căn hộ là bao nhiêu cũng phải bàn thảo nhiều lần. Cuối cùng, UBND tỉnh quyết định cho xây mỗi căn hộ khép kín, nhà cấp 4, chiều ngang 4m, chiều dài 20m, với kinh phí khoảng hơn 4 triệu đồng. Với tinh thần khẩn trương, sau một thời gian thi công, 96 căn hộ đã được xây dựng khang trang ở TX.Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi). Thời ấy, được ở trong những căn hộ như thế là mơ ước của nhiều người.

Rồi đến chuyện an dân cũng là trăn trở của lãnh đạo ngày ấy. Bởi khi còn tỉnh Nghĩa Bình, vì điều kiện xa xôi, đi lại vất vả, nên còn nhiều vấn đề của người dân ở địa bàn Quảng Ngãi chưa được giải quyết. Sau tái lập, tỉnh lỵ ở gần, người dân có thể đi xe đạp, hoặc đi bộ đến cơ quan tỉnh. Nhiều vướng mắc của người dân đã được giải quyết có tình, có lý, đem lại niềm tin cho nhân dân.

Câu chuyện điện thắp sáng, phục vụ sản xuất cũng là vấn đề vô cùng nan giải. Trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Điện lực Vũ Ngọc Hải với lãnh đạo các tỉnh miền Trung tại Đà Nẵng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Cao Minh phản ánh đã nhiều lần tỉnh đề nghị, Bộ hứa sẽ kéo điện từ Vĩnh Sơn (Bình Định) ra, hoặc kéo điện ở Huế vào, nhưng rồi mãi chẳng thấy. Nghe thế, đồng chí Phạm Khắc Quảng - Vụ trưởng ở Bộ Điện lực, đứng dậy và hứa với Bộ trưởng là kỳ này nhất định sẽ thực hiện bằng được việc kéo điện từ Huế vào Quảng Ngãi. Thế là, sau đó Quảng Ngãi đã xây dựng xong Trạm Biến thế điện Thiên Bút.

Cầu Cổ Lũy. Ảnh: ALEX CAO

Cầu Cổ Lũy. Ảnh: ALEX CAO

Từ đó, nhà nhà có cuộc sống đủ đầy, có nhà ở khang trang, trẻ em được đến trường. Những con đường làng được cứng hóa. Nơi bến đò trước đây chở khách qua lại đã có cầu bắc qua sông. Và còn rất nhiều đổi thay trên quê hương Quảng Ngãi sau 35 năm tái lập tỉnh. “Tôi chỉ mong lớp cán bộ trẻ ra sức rèn luyện cái tâm, trau dồi tri thức để nâng tầm lãnh đạo, điều hành, gánh vác trọng trách được nhân dân giao phó. Tập hợp lực lượng, thu hút chất xám, chiêu hiền đãi sĩ, cùng nhau suy tính để xây dựng Quảng Ngãi theo kịp các tỉnh trong khu vực”, ông Trần Cao Minh gửi gắm.

PHƯƠNG LÝ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202407/gian-kho-khong-son-long-6fb1231/
Zalo