'Gian hàng' bắc 'nhịp cầu' giữa hai miền tâm thức
Một chiếc áo cũ được gấp gọn cẩn thận, một món quà nhỏ được đặt đúng nơi, đúng lúc, chính là chính pháp sống động nhất. Vì Phật pháp không ở đâu xa, mà ở nơi một bàn tay biết đưa ra khi người khác cần nắm lấy…
Tại một góc nhỏ trong khuôn viên Trung tâm Y tế Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, nơi nắng gió miền rẻo cao vẫn khắc nghiệt và đời sống người bệnh còn lam lũ, có một gian hàng… không có người bán, không cần tiền mua và cũng không có tiếng mời chào.
Chỉ có một tấm bảng với dòng chữ giản dị mà lay động lòng người: “Ai cần thì lấy, ai có thì cho”.
Suốt 6 năm qua, gian hàng “0 đồng” ấy, do các bác sĩ, điều dưỡng trẻ của Chi đoàn Trung tâm Y tế lập nên, vẫn lặng lẽ tiếp nhận, phân loại, giặt giũ, gấp gọn, chắt chiu từng món quà nhỏ để san sẻ cho bệnh nhân nghèo. Ở đó, một chiếc áo không chỉ là vật dụng, mà là tấm lòng. Một hộp sữa không chỉ nuôi thân, mà gieo lại niềm tin vào từng bệnh nhân.
Từ tấm áo đến sự tỉnh thức

Các bà mẹ đến gian hàng nhận quần áo, bỉm, tã, sữa cho trẻ sơ sinh. Ảnh: Báo Tiền Phong
Một sản phụ trẻ từ xã Sơn Tây Thượng bước vào trung tâm y tế với hai bàn tay trắng. Không tã, không sữa, không một bộ đồ cho con. Các bác sĩ biết được, liền chuẩn bị ngay một túi quà từ gian hàng “0 đồng”. Khi nhận được, cô gái trẻ lặng người, rồi bật khóc.
Giây phút ấy không chỉ là giọt nước mắt biết ơn, mà là sự tan chảy của cái tôi, vốn thường khép kín vì mặc cảm nghèo khó.
Trong đạo Phật, người bố thí không được khởi tâm khinh người nhận; người nhận cũng không cần sinh tâm mặc cảm. Bởi của cho là phụ, tâm cho mới là chính. Gian hàng “0 đồng” vì thế không đơn thuần là công tác từ thiện, mà là một hình thức hành trì Bố thí Ba-la-mật (Dāna-pāramī) trong đời thường.
Phát xuất từ lòng thương bệnh nhân nghèo, bác sĩ Phạm Hữu Nghĩa cùng các đồng nghiệp đã rong ruổi hơn 80 cây số để xin từng bộ áo quần cũ. Có lần, trời mưa, xe máy ướt sũng, họ vẫn mang về giặt lại, phơi khô, gấp cẩn thận từng chiếc áo như gói cả niềm thương.
“Chúng tôi muốn khi bệnh nhân đến đây chọn đồ, họ không cảm thấy ái ngại, mà cảm thấy được yêu thương và tôn trọng”, bác sĩ Nghĩa chia sẻ.
Thầy thuốc, không chỉ chữa bệnh cho thân, mà còn gieo hạt giống thiện trong tâm người. Gian hàng “0 đồng” là biểu hiện sống động của y đạo và lòng từ bi ứng dụng, vượt lên khỏi tấm bằng chuyên môn, trở thành một con đường hành trì đạo pháp giữa đời sống thực tiễn.
Không có gì là “0 đồng”…

Bác sĩ Trung tâm Y tế Sơn Tây trao nhu yếu phẩm, vật dụng thiết yếu cho người nhà bệnh nhân tại gian hàng "0 đồng". Ảnh: Báo Tiền Phong
… bởi mỗi món đồ ở đó đều chứa đựng công sức, thời gian và cả tình người. Các y, bác sĩ sau giờ trực lại tranh thủ giặt giũ, phân loại, sắp xếp. Mỗi món quà đến tay người bệnh là kết quả của một chuỗi nhân duyên thiện lành: từ những nhà hảo tâm miền xuôi, đồng nghiệp ở tuyến trên, đến người vận chuyển và người xếp lại.
Trong một thế giới quen tính toán hơn thua, việc “cho đi không điều kiện” dường như là điều xa xỉ. Nhưng chính điều “xa xỉ” ấy lại làm sống dậy tinh thần vô ngã.
“Gian hàng” bắc “nhịp cầu” giữa hai miền tâm thức
Tính đến nay, gian hàng “0 đồng” đã trao hơn 65.000 bộ quần áo, 18.000 hộp sữa, hàng ngàn đôi dép, hàng tạ gạo, nước mắm, dầu ăn… Những con số tưởng chừng nhỏ nhoi so với đô thị, nhưng là cả gia tài với người nghèo miền núi.
Từ một mô hình nhỏ, gian hàng trở thành nhịp cầu nối giữa lòng nhân ái của miền xuôi và những phận đời thiếu thốn nơi miền ngược.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi chung tay góp nhu yếu phẩm cho gian hàng "0 đồng" của Chi đoàn Trung tâm Y tế Sơn Tây. Ảnh: Báo Tiền Phong
Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật từng dạy: “Chiến thắng vạn quân không bằng chiến thắng chính mình. Chiến thắng ấy mới là chiến thắng tối thượng” (Pháp cú, kệ 103)
Ở đây, chiến thắng chính mình là vượt qua mỏi mệt, vượt qua chủ nghĩa cá nhân, vượt qua cái tôi để lặng lẽ sống tử tế. Chính nhờ thế, mỗi món đồ không còn vô tri, mà trở thành bài học sống động về lòng trắc ẩn.
Không có nghi lễ trang nghiêm, không cần pháp phục hay pháp khí, nhưng gian hàng “0 đồng” nơi Trung tâm Y tế Sơn Tây vẫn đang “thuyết pháp” bằng chính sự hiện diện chân thành.
Ở nơi ấy, từ một bộ áo quần sơ sinh, một chiếc cặp sách, hay một hộp sữa đều có thể trở thành hạt giống tâm linh, nuôi lớn tình người, nuôi lớn cả lòng tin vào cuộc sống.
Trong thời đại mà lòng tốt dễ bị nghi ngờ, thì một chiếc áo cũ được gấp gọn cẩn thận, một món quà nhỏ được đặt đúng nơi, đúng lúc, chính là chính pháp sống động nhất.
Phật pháp không ở đâu xa, mà ở nơi một bàn tay biết đưa ra khi người khác cần nắm lấy…
Tác giả: Thường Nguyên
* Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả.
Bài viết tham khảo thông tin từ bài báo: https://tienphong.vn/gian-hang-0-dong-cua-cac-bac-si-tre-vung-cao-quang-ngai-post1756981.tpo