Giảm tỷ lệ hao hụt trong kinh doanh xăng dầu để giảm tổn thất

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2015/TT-BCT sau 10 năm thực thi là cần thiết nhằm thiết lập cơ sở pháp lý cho việc xác định tỷ lệ hao hụt xăng dầu hợp lý trong từng khâu của hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Ảnh: ST

Cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Ảnh: ST

Giảm thiểu tổn thất do định mức thực tế đang thấp hơn

Ông Đào Duy Anh - Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) cho biết, qua quá trình khảo sát, các doanh nghiệp xăng dầu đã nghiêm túc tuân thủ quy định về tỷ lệ hao hụt xăng dầu tại Thông tư số 43/2015/TT-BCT. Hầu hết các doanh nghiệp, thương nhân đã lấy định mức hao hụt của các khâu nhập, xuất, tồn chứa, gia công pha chế; súc rửa, vận chuyển, phân phối xăng dầu tại thị trường trong nước quy định tại Thông tư số 43 làm cơ sở, từ đó, xây dựng định mức hao hụt tại từng công đoạn trong chuỗi kinh doanh cho riêng đơn vị mình, đảm bảo định mức hao hụt tương đương hoặc thấp hơn định mức hao hụt tại Thông tư.

Việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 43 nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn hoạt động kinh doanh xăng dầu, giảm thiểu tổn thất không cần thiết và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

Đối với công đoạn nhập xăng dầu, về cơ bản, lượng xăng dầu hao hụt thực tế trong công đoạn nhập thấp hơn so với định mức hao hụt nhập quy định tại Thông tư số 43. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy định quản lý về định mức hao hụt xăng dầu trong công đoạn nhập của các doanh nghiệp khối nhà nước thường cao hơn khá nhiều so với khối doanh nghiệp tư nhân.

Theo phân tích của Tổ soạn thảo Thông tư thay thế cho Thông tư số 43/2015/TT-BCT, điều này có thể do 2 nguyên nhân. Thứ nhất, các doanh nghiệp mẹ có vốn Nhà nước đặt ra tỷ lệ hao hụt cao hơn để các đơn vị thành viên căn cứ đặc điểm, điều kiện của mỗi đơn vị sẽ có tỷ lệ hao hụt hoạt động phù hợp với đơn vị mình ở mức thấp hơn quy định của Công ty mẹ. Thứ hai, các doanh nghiệp tư nhân thường được thành lập về sau, bởi vậy, đầu tư về trang thiết bị, công nghệ, bồn bể… mới và hiện đại hơn, do đó, có tỷ lệ hao hụt thấp hơn.

Tương tự, đối với công đoạn xuất xăng dầu, đại diện Tổ soạn thảo Thông tư cho biết, về cơ bản, lượng xăng dầu hao hụt thực tế trong công đoạn xuất của các doanh nghiệp thấp hơn so với định mức hao hụt quy định tại Thông tư số 43 do định mức của các doanh nghiệp thường bằng hoặc thấp hơn so với quy định tại Thông tư. Tuy nhiên, quy định quản lý về định mức hao hụt xăng dầu trong công đoạn xuất của các doanh nghiệp khối nhà nước thường cao hơn so với khối doanh nghiệp tư nhân.

Đối với công đoạn tồn chứa xăng dầu, kết quả khảo sát chỉ ra rằng quy định quản lý về định mức hao hụt xăng dầu trong công đoạn tồn chứa ngắn ngày của các doanh nghiệp bằng hoặc thấp hơn so với quy định tại Thông tư số 43. Cụ thể, hao hụt xăng dầu thực tế trong công đoạn tồn chứa ngắn ngày của các doanh nghiệp bằng hoặc thấp hơn so với quy định và mức độ hao hụt thực tế khác nhau trong công đoạn tồn chứa của các doanh nghiệp tùy thuộc vào từng chủng loại sản phẩm tồn chứa. Theo đó, khoảng cách khác nhau này theo thứ tự giảm dần lần lượt là nhiên liệu E100, xăng sinh học (E5, E10), xăng khoáng các loại và dầu điêzen các loại.

Thêm vào đó, mức độ hao hụt trong thực tế của công đoạn tồn chứa các loại sản phẩm của các doanh nghiệp là khác nhau, đặc biệt, các doanh nghiệp trong cùng một hệ thống của một công ty cũng có sự khác nhau đáng kể, điều này tùy thuộc vào phương thức quản lý kinh doanh, cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật… của từng doanh nghiệp.

Liên quan đến công đoạn xúc rửa xăng dầu, khảo sát cho thấy, chu kỳ xúc rửa bể khá lâu, thông thường 02, 03 năm, 05 năm hoặc lâu hơn và không đồng nhất. Do vậy, gần như tất cả các doanh nghiệp được khảo sát đều không cung cấp được số liệu thực tế hao hụt xăng dầu trong công đoạn xúc rửa xăng dầu. Tuy nhiên, quy định về quản lý định mức hao hụt xăng dầu trong công đoạn xúc rửa xăng dầu có sự đồng thuận cao của tất cả các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Với công đoạn pha chế xăng dầu, về cơ bản, quy định về hao hụt trong công đoạn pha chế và lượng xăng dầu hao hụt thực tế trong công đoạn pha chế cũng thấp hơn so với định mức hao hụt quy định tại Thông tư số 43. Mức độ thấp hơn cũng tùy thuộc vào từng loại sản phẩm xăng dầu và phương pháp pha chế của mỗi doanh nghiệp.

Trong công đoạn chuyển tải xăng dầu, do tính chất đặc thù của công đoạn này, việc khảo sát, thu thập số liệu hao hụt thực tế khâu vận chuyển trong hoạt động kinh doanh xăng dầu khó thực hiện. Gần như tất cả các doanh nghiệp được khảo sát sử dụng số liệu thực tế hao hụt xăng dầu trong công đoạn vận chuyển tương tự Thông tư 43/2015/TT-BCT. Còn với công đoạn xuất xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ, hầu hết các cửa hàng đều áp dụng đúng định mức hao hụt của đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu ban hành.

Lượng xăng dầu hao hụt thực tế trong công đoạn nhập thấp hơn so với định mức quy định tại Thông tư số 43. Ảnh: ST

Lượng xăng dầu hao hụt thực tế trong công đoạn nhập thấp hơn so với định mức quy định tại Thông tư số 43. Ảnh: ST

Điều chỉnh giảm hầu hết các định mức hao hụt từng khâu

Trong vai trò Tổ phó Thường trực Tổ soạn thảo Thông tư, ông Đào Duy Anh nêu rõ, sau gần 10 năm thực hiện Thông tư số 43, với các định mức hao thụ quy định trong bối cảnh kinh tế, xã hội và điều kiện khoa học công nghệ, kỹ thuật, trang thiết bị khi ban hành, Thông tư đã bộc lộ một số bất cập. Điển hình như quy định tồn chứa ngắn ngày. Điểm a khoản 1 Điều 7 Thông tư số 43 quy định: “... xác định tỷ lệ hao hụt xăng dầu bằng trung bình cộng của lượng xăng dầu tồn chứa được xác định ít nhất trong 4 ngày của tháng là ngày thứ 01, ngày thứ 10, ngày thứ 20 và ngày cuối tháng”, cần có nghiên cứu đánh giá cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Trong thực tế, có những bể chứa tần suất luân chuyển xăng dầu (xuất, nhập) diễn ra liên tục, như vậy, thời điểm xác định tỷ lệ hao hụt (ngày thứ 01, ngày thứ 10, ngày thứ 20 và ngày cuối tháng) trùng với ngày xuất hoặc nhập hàng sẽ dẫn đến những sai số lớn về phương pháp tính toán xác định lượng xăng dầu hao hụt. Thêm vào đó, một số doanh nghiệp có bể chứa lớn nhưng lượng xăng dầu tồn chứa thấp so với thể tích bể dẫn đến lượng hao hụt xăng dầu lớn hơn so với quy định trong Thông tư số 43.

Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương)

Bên cạnh đó, liên quan đến quy định tỷ lệ hao hụt theo từng công đoạn, Thông tư số 43 quy định chi tiết tỷ lệ hao hụt từng công đoạn như bể - đồng hồ; đồng hồ - phương tiện. Tuy nhiên, trong thực tế, tùy theo phương thức quản lý của doanh nghiệp cũng như thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, việc xác định lượng xăng dầu hao hụt trong các công đoạn được ghép lại nhằm quy định quản lý theo hướng giảm sự hao hụt xăng dầu.

Ngoài ra, về trang thiết bị, bể chứa, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn còn sử dụng một số bể chứa được xây dựng từ thập niên 60 -70 của thế kỷ trước. Do đó, việc xây dựng và lắp đặt trang bị hệ thống đo đạc tồn kho tự động các bể chứa xăng dầu nhằm kiểm soát hao hụt gặp nhiều khó khăn do phải đầu tư cải tạo bồn bể, lắp đặt các trang thiết bị và ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Hơn nữa, về sản phẩm, qua rà soát của Bộ Công Thương thấy rằng, sản phẩm dầu FO sử dụng cho phương tiện đường thủy hiện chưa được quy định về định mức hao hụt tại Thông tư số 43 mà mới chỉ quy định định mức hao hụt cho sản phẩm dầu FO sử dụng làm nhiên liệu đốt lò.

Nội dung Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 43 quy định tỷ lệ hao hụt trong hoạt động kinh doanh xăng dầu được kết cấu thành 3 Chương, 16 Điều và 08 Phụ lục đính kèm. Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng, rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ hao hụt xăng dầu tối đa trong hoạt động kinh doanh xăng dầu để phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Ông Đào Duy Anh - Phó Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công

Qua phân tích những mặt tích cực cũng như các tồn tại, hạn chế, Bộ Công Thương khẳng định, cần thiết ban hành bộ định mức hao hụt xăng dầu mới cho phù hợp với tình hình hiện nay, đáp ứng yêu cầu của hoạt động quản lý và kinh doanh xăng dầu.

Theo Dự thảo Thông tư, từ Phụ lục 1 đến Phụ lục 8 chỉnh sửa, bổ sung theo xu hướng điều chỉnh giảm với các tỷ lệ hao hụt xăng dầu tương ứng của tửng Công đoạn. Cụ thể, về tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn nhập điều chỉnh tỷ lệ hao hụt xăng dầu giảm khoảng 14% - 26% so với Thông tư số 43, tùy thuộc vào từng loại sản phẩm xăng dầu.

Về tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn xuất điều chỉnh tỷ lệ hao hụt giảm khoảng 17% - 33% tùy thuộc vào từng loại sản phẩm xăng dầu và bổ sung Phương án 2 cho doanh nghiệp tự lựa chọn, tùy thuộc vào điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, theo hướng gộp công đoạn bể - đồng hồ và đồng hồ - phương tiện thành một công đoạn duy nhất.

Tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn tồn chứa cũng sẽ giảm khoảng 0% - 25% so với Thông tư số 43. Còn tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn xúc rửa tại dự thảo Thông tư giữ nguyên như cũ. Về tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn pha chế sẽ được điều chỉnh giảm khoảng 20% - 25% so với Thông tư số 43.

Tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn vận chuyển điều chỉnh giảm khoảng 20% - 28%; tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn chuyển tải điều chỉnh giảm khoảng 17% - 22%.

Liên quan đến tỷ lệ hao hụt xăng dầu công đoạn xuất từ bể chứa đến cột bơm xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu và từ phương tiện tra nạp nhiên liệu hàng không lên máy bay cũng điều chỉnh giảm khoảng 23% -25% so với Thông tư số 43/2015/TT-BCT (tùy thuộc vào từng loại sản phẩm xăng dầu)./.

QUỲNH ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/giam-ty-le-hao-hut-trong-kinh-doanh-xang-dau-de-giam-ton-that-41716.html
Zalo