Giảm tầng nấc trung gian phân phối, chặn nguy cơ thiếu hụt xăng dầu

Dự thảo nghị định mới quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau, chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao sau 4 lần được Bộ Công Thương công bố, lấy ý kiến.

Những lợi ích khi giảm trung gian trong khâu phân phối

Thông tin về tiến độ lấy ý kiến dự thảo nghị định mới kinh doanh xăng dầu, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay: thực hiện ý kiến kết luận của thanh tra Chính phủ về việc giảm tầng nấc trung gian trong khâu phân phối xăng dầu, dự thảo nghị định xây dựng theo hướng bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau, loại bỏ số liệu ảo về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường.

Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa

Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh minh họa

Điều này sẽ giúp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tính toán chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước để mua từ các nhà sản xuất trong nước, nước ngoài, phục vụ cho tiêu thụ trong nước. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng xác định được chính xác nhu cầu tiêu thụ trong nước để thực hiện phân giao tổng nguồn hàng năm.

Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS. TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng: kết quả thanh tra đã cho thấy việc thương nhân phân phối xăng dầu mua bán lòng vòng, tạo nguồn ảo gây khó cho việc điều tiết thị trường. Nghị định kinh doanh xăng dầu mới phải giải quyết được những bất cập mà quy định hiện nay chưa làm được. Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện; khi tham gia thị trường, các thương nhân vẫn phải đáp ứng những điều kiện cụ thể tại mỗi phân khúc mà họ đăng ký tham gia.

"Muốn tham gia mua bán xăng dầu lẫn nhau, thương nhân phân phối cần đáp ứng các điều kiện của thương nhân đầu mối để mua bán, trong đó có quy định về dự trữ, kho bãi... Ở đây, doanh nghiệp đầu mối tạo nguồn, từ đó phân bố về phân phối và bán lẻ, nên đầu mối phải bảo đảm kho chứa, dự trữ. Như vậy, nếu để thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau, số liệu về nguồn sẽ chồng nhau và không phản ánh đúng thực tế” - PGS. TS Ngô Trí Long phân tích.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng nhận định, trong kết luận thanh tra của Chính phủ trước đó đã chỉ ra việc để các thương nhân phân phối được quyền mua xăng dầu lẫn nhau đã gây ra tổng nguồn tạo không chuẩn xác. Thậm chí tạo thêm tầng nấc trung gian trong mua bán xăng dầu, đẩy chi phí lên, khiến chiết khấu về cho phân khúc bán lẻ giảm khi nguồn cung biến động. Vì vậy, không khuyến khích được doanh nghiệp bán lẻ bán xăng ra thị trường , dẫn tới hiện tượng thiếu hụt xăng dầu cục bộ.

Sẽ trình thêm phương án thương nhân phân phối được mua bán của nhau

Nói về quá trình tiếp nhận ý kiến dự thảo nghị định mới, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết đề nghị tiếp tục quy định thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu của nhau như hiện tại.
Bởi, quy định này sẽ tạo thêm nguồn hàng cung ứng cho các thương nhân phân phối xăng dầu khác và thương nhân bán lẻ trong trường hợp nguồn cung xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gặp sự cố đột ngột.

Bộ Công Thương tiếp tục trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Ảnh minh họa

Bộ Công Thương tiếp tục trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Ảnh minh họa

Tiếp thu ý kiến từ các thương nhân, theo Vụ Thị trường trong nước, ở dự thảo mới, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ 2 phương án. Cụ thể, phương án 1: Dự thảo Nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau, chỉ được mua xăng dầu từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Nhược điểm của phương án này là có thể có yếu tố hạn chế cạnh tranh trên thị trường hơn, thương nhân phân phối xăng dầu cho rằng bị phân biệt đối xử.

Phương án 2: dự thảo Nghị định tiếp tục quy định thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại.

Nhược điểm của phương án này là không xác định chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ thực tế trên thị trường khi các thương nhân mua bán qua lại lẫn nhau tạo số liệu ảo về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường. Điều này gây nguy cơ dẫn tới chiết khấu tại khâu bán lẻ chỉ ở mức thấp khiến cho các doanh nghiệp bán lẻ hạn chế bán hàng ra thị trường do bị lỗ.

Kinh doanh xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên thương nhân phải tuân thủ các điều kiện khi tham gia thị trường. Quy định thương nhân phân phối không được mua bán lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh, bởi các thương nhân vẫn có thể cạnh tranh trong từng phân khúc thị trường. Điều này còn tạo động lực cho thương nhân phát triển lên phân khúc cao hơn, chẳng hạn trở thành thương nhân đầu mối.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/giam-tang-nac-trung-gian-phan-phoi-chan-nguy-co-thieu-hut-xang-dau.html
Zalo