Giám sát điện tử người chưa thành niên: Thực tiễn ở các nước và kinh nghiệm cho Việt Nam

Các quốc gia trên thế giới đã áp dụng việc giám sát điện tử từ rất lâu, còn đối với Việt Nam là một chế định mới nên cần nghiên cứu, đánh giá cẩn trọng trước khi áp dụng.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, lần đầu tiên dự Luật Tư pháp người chưa thành niên được đưa ra lấy ý kiến đại biểu.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự luật là quy định việc áp dụng biện pháp ngăn chặn giám sát điện tử đối với người chưa thành niên.

Có thể nói, chế định về giám sát điện tử đối với người chưa thành niên bị buộc tội trước khi xét xử đã được áp dụng ở một số nước trên thế giới nhưng còn khá mới mẻ đối với Việt Nam.

Chế định này được áp dụng đối với người bị buộc tội và người chấp hành án trong quá trình tố tụng hình sự và thi hành án hình sự. Một số quốc gia áp dụng đối với cả người đã thành niên và NCTN như Anh, Hoa Kỳ, Úc, Hà Lan, Hungary; một số quốc gia khác áp dụng với người đã thành niên như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan.

 Thiết bị giám sát điện tử. Ảnh minh họa

Thiết bị giám sát điện tử. Ảnh minh họa

Giám sát điện tử tại bang California (Hoa Kỳ)

Bắt đầu xuất hiện từ giữa những năm 1980, với sự trợ giúp của giám sát điện tử các cơ quan giám sát người chưa thành niên trên toàn nước Mỹ đã theo dõi vị trí của người chưa thành niên được trả tự do về cộng đồng bằng cách sử dụng một vòng đeo ở mắt cá chân không thể tháo rời. Tất cả các bang (trừ bang New Hamshire) hiện nay đều triển khai thực hiện giám sát điện tử đối với người chưa thành niên theo quy định.

Điều 628.1 Bộ luật An sinh và thể chế của bang California nhấn mạnh nếu có một hoặc nhiều căn cứ để tạm giam nhưng nhân viên giám sát nhận thấy việc tạm giam an toàn là không cần thiết để bảo vệ người chưa thành niên hoặc thân thể hoặc tài sản của người khác hoặc để đảm bảo người chưa thành niên không bỏ trốn khỏi phiên tòa xét xử, nhân viên giám sát phải giao người chưa thành niên cho cha mẹ, người giám hộ hoặc người thân thích có trách nhiệm để giám sát tại nhà.

Để được thả về giám sát tại nhà, người chưa thành niên bắt buộc phải ký bản cam kết đã hiểu và sẽ tuân thủ những điều kiện cụ thể. Ngoài ra, nhân viên giám sát sẽ yêu cầu cha mẹ, người giám hộ hoặc người thân thích có trách nhiệm của người chưa thành niên ký một bản cam kết rằng họ đã hiểu những điều kiện chi tiết của việc thả về giám sát tại nhà.

Thông qua những quy định trên của bang California cho thấy, giám sát điện tử được sử dụng với mục đích chính là thay thế cho biện pháp tạm giam đối với người chưa thành niên trước khi xét xử. Giám sát điện tử không phải là một biện pháp ngăn chặn độc lập mà là một công nghệ được sử dụng kèm theo biện pháp giám sát tại nhà khi xét thấy cần thiết theo quan điểm của tòa án đối với từng trường hợp cụ thể.

Ngoài việc bị giám sát điện tử, người chưa thành niên còn phải làm bản cam kết thực hiện một số nghĩa vụ rất cụ thể và nghiêm ngặt.

Hiện có hai loại vòng đeo mắt cá chân khác nhau trong giám sát điện tử. Vòng đeo tần số vô tuyến ở mắt cá chân chỉ có thể phát hiện khoảng cách của một người so với thiết bị thu tại nhà (sử dụng để thực thi việc giam giữ tại nhà). Và vòng đeo GPS ở mắt cá chân có thể theo dõi tại bất kì nơi nào họ đi.

Trên thực tế, quá trình thực thi giám sát điện tử vẫn còn tồn tại những hạn chế như một số điều khoản trong bản cam kết có thể tạo nên gánh nặng cho các gia đình có thu nhập thấp (yêu cầu phải trả các loại phí như phí đăng ký, phí hành chính, phí bồi thường cho việc làm mất hoặc làm hư hỏng thiết bị điện tử...); tất cả thông tin thu thập được khi người chưa thành niên tham gia chương trình giám sát điện tử có thể được chuyển giao cho bất kì ai có quyền hợp pháp hoặc cần được biết...

Giám sát điện tử tại Anh và xứ Wales

Tại Anh và xứ Wales các thủ tục đánh giá rủi ro và nhu cầu người chưa thành niên để thực hiện giám sát điện tử do nhân viên Dịch vụ tội phạm người chưa thành niên (YOS) tiến hành trước khi phiên điều trần diễn ra.

Chủ yếu có hai công cụ giám sát điện tử được sử dụng là GPS dùng để giám sát vị trí và tần số vô tuyến (RF) để giám sát lệnh giới nghiêm.

Theo quy định của Anh và xứ Wales, giám sát điện tử chỉ được áp dụng đối với người chưa thành niên ở giai đoạn trước khi xét xử khi đồng thời thỏa mãn hai điều kiện: (i)Người bị buộc tội phải đủ điều kiện để được áp dụng biện pháp bảo lãnh hoặc biện pháp tạm giam tại nơi ở được sắp xếp bởi chính quyền địa phương; (ii) người bị buộc tội đủ điều kiện để GSĐT và đủ điều kiện để lắp đặt các thiết bị giám sát điện tử.

Việc áp dụng giám sát điện tử chỉ khi đảm bảo đủ bốn điều kiện: (1) Người chưa thành niên phải đủ 12 tuổi; (2) bị buộc tội hoặc đã bị kết án về tội bạo lực, tình dục hoặc khủng bố hoặc đối với các tội phạm có thể bị phạt tù với mức án từ 14 năm trở lên dành cho người lớn; hoặc bị buộc tội hoặc đã bị kết án về nhiều tội có khả năng bị phạt tù; hoặc có tiền sử liên tục phạm các tội có thể bị phạt tù trong thời gian tại ngoại hoặc tạm giam; (3) Tòa án đảm bảo rằng các vấn đề liên quan đến người được giám sát điện tử có thể được thực hiện theo các thỏa thuận giám sát điện tử có sẵn ở mỗi khu vực tư pháp ở địa phương; (4) Người chưa thành niên bị buộc tội bày tỏ quan điểm của họ với tòa án rằng việc áp dụng giám sát điện tử là phù hợp.

Ngoài những điều kiện chung nêu trên, cơ quan có thẩm quyền còn phải đảm bảo người được giám sát đủ điều kiện để có thể lắp đặt thẻ về mặt thực tiễn, bao gồm: (1) Người chưa thành niên đủ khả năng để gắn thẻ; (2) Thẻ phải được gắn vào mắt cá chân, trong một số trường hợp thẻ giám sát điện tử có thể được cố định ở cổ tay nhưng vị trí mặc định là mắt cá chân, do đó cần phải xem xét các điều kiện có thể khiến việc đeo thẻ không thể thực hiện được; (3) Bất kì địa chỉ nào được lắp đặt thiết bị giám sát tại nhà đều cần có nguồn điện liên tục; (4) Một số điều kiện khác cần xem xét.

Trường hợp người chưa thành niên không có nơi ở cố định và cũng không ở khu dịch vụ chỗ ở cộng đồng, chủ nhà/chủ sở hữu hoặc người thuê chính của căn nhà không cho phép lắp đặt thiết bị giám sát điện tử thì giám sát điện tử không thể được áp dụng.

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Tại Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Ban soạn thảo đã bổ sung giám sát điện tử là một biện pháp ngăn chặn hoàn toàn mới áp dụng đối với người chưa thành niên bị buộc tội trước khi xét xử.

Cụ thể, Điều 132 dự thảo quy định giám sát điện tử có thể bị áp dụng đối với người chưa thành niên là bị can, bị cáo nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.

Có thể nói, đây là một mục đích rất phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về tư pháp người chưa thành niên khi luôn khuyến khích các quốc gia áp dụng những biện pháp không mang tính giam giữ đối với đối tượng dễ bị tổn thương này.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng giám sát điện tử đối với người chưa thành niên trước khi xét xử tại bang California, Anh và xứ Wales cho thấy để nâng cao hiệu quả của giám sát điện tử, rất nhiều yếu tố cần phải được đảm bảo như: khung pháp lí chặt chẽ, cụ thể và toàn diện; thiết bị điện tử đầy đủ, hiện đại nhưng phải phù hợp với ngân sách của Nhà nước; phải thành lập đội ngũ những người hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc theo dõi, xử lí các tình huống phát sinh trong quá trình giám sát điện tử;…

Tại Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Ban soạn thảo xem giám sát điện tử như một biện pháp ngăn chặn độc lập mà không phải là một giải pháp công nghệ được sử dụng như một điều kiện để được thả về giám sát tại nhà như pháp luật của bang California hay một điều kiện của bảo lãnh theo pháp luật của Anh và xứ Wales.

Vấn đề đặt ra là, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn này thực hiện theo quy định tại Điều 125 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì việc thay thế sẽ gặp lúng túng vì cơ quan có thẩm quyền sẽ không biết dùng biện pháp ngăn chặn nào để thay thế cho giám sát điện tử và thủ tục thay thế tiến hành ra sao.

Vấn đề nữa là giá cả, chủng loại, chất lượng của thiết bị giám sát điện tử cần được tìm hiểu một cách chi tiết và đầy đủ. Ví dụ tại quận Alameda của bang California đã nhận chào giá một cung cấp thiết bị giám sát điện tử và chuyên gia hỗ trợ là hơn 1,5 triệu USD trong thời hạn 3 năm. Còn tại Anh và xứ Wales cam kết chi 1,2 tỉ bảng Anh (3.700 tỉ đồng) trong thời gian 10 năm.

Hệ thống cơ quan, tổ chức và đội ngũ nhân sự hỗ trợ việc theo dõi người đang bị giám sát điện tử cũng là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của quá trình triển khai thực hiện.

Xu hướng chung của các quốc gia trên là vẫn tiếp tục duy trì chế định này với những sửa đổi, bổ sung cả về phương diện lập pháp lẫn các yếu tố đảm bảo hiệu quả thực hiện. Tuy nhiên, với rất nhiều sự khác biệt về truyền thống pháp luật, điều kiện kinh tế-xã hội, hệ thống tư pháp hình sự, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện giữa Việt Nam và các quốc gia nên cần có sự nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện hơn nữa trước khi quyết định có ghi nhận biện pháp giám sát điện tử đối với người chưa thành niên trong tố tụng hình sự hay không.

PGS-TS LÊ HUỲNH TẤN DUY - ThS NGUYỄN PHƯƠNG THẢO, Trường Đại học Luật TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/giam-sat-dien-tu-nguoi-chua-thanh-nien-thuc-tien-o-cac-nuoc-va-kinh-nghiem-cho-viet-nam-post797509.html
Zalo