Giám sát của HĐND cấp xã mơíBài cuối: Lắng nghe từ nhiều phía, đối thoại làm rõ vấn đề
Tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp đã trao cho HĐND cấp xã vai trò đặc biệt quan trọng - là cơ quan giám sát duy nhất ở cấp địa phương gần dân nhất. Giám sát là cơ chế đồng hành tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện hoạt động quản lý, điều hành. Mỗi đại biểu HĐND cấp xã mới không chỉ biết lắng nghe từ nhiều phía mà còn biết đặt câu hỏi, đối thoại, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động giám sát để phân tích, làm rõ vấn đề.
Chỉ khi hoạt động giám sát được tiến hành thực chất, có trọng tâm, có theo dõi và công khai kết quả thì khi ấy, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã theo mô hình mới mới được nâng cao.
Giám sát là đồng hành
Giám sát của HĐND không phải là để làm khó UBND, càng không phải để chất vấn gay gắt cho đủ trách nhiệm. Giám sát là để đồng hành, để chính quyền nhìn lại mình, điều chỉnh và hoàn thiện hơn trong quản lý, điều hành. Trong bối cảnh bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp mới hình thành, HĐND cần song hành với UBND để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn để hoạt động trơn tru, phục vụ người dân tốt hơn.

Đại biểu HĐND phường Nam Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh hướng dẫn cử tri nộp hồ sơ trực tuyếntại Trung tâm phục vụ hành chính công. Ảnh: Bình Nguyên
Chúng tôi luôn coi giám sát là dịp để cùng UBND tháo gỡ những điểm vướng. “Cọc đèn thì tối chân”, nhiều khi chính cán bộ quản lý cũng chưa nhận ra những chỗ mình chưa ổn nếu không có giám sát từ bên ngoài. Do đó, HĐND cấp xã cần xác định rõ chương trình, nội dung giám sát trúng thì cũng cần xác định trình tự, thủ tục, phương pháp giám sát cho phù hợp. Mục đích giám sát suy cho cùng để phục vụ Nhân dân tốt nhất - bà H’Bic Buôn Jă, đại biểu HĐND phường Ea Kao, tỉnh Đắk Lắk khẳng định.
Muốn đồng hành hiệu quả, đại biểu HĐND phải thấm nhuần tinh thần lắng nghe, thấu hiểu và nắm chắc vấn đề. Phải dựa trên dữ liệu, căn cứ pháp luật để kiến nghị, phản biện có cơ sở. Đồng thời, UBND và các ngành chuyên môn cũng cần coi giám sát là một cơ chế hỗ trợ mình, không nên né tránh hay hình thức hóa khi tiếp nhận các kết luận giám sát. Giải pháp để mối quan hệ giữa giám sát và điều hành được hài hòa chính là tăng cường đối thoại. Sau mỗi đợt giám sát, HĐND nên tổ chức các buổi làm việc chung để chính quyền giải trình, cam kết lộ trình khắc phục những hạn chế. Bên cạnh đó, cần công khai các kết luận giám sát để cử tri được biết và đồng hành với đại biểu giám sát việc thực hiện các kiến nghị đã nêu.
Trong bối cảnh hiện nay, HĐND cấp xã cần đóng vai trò đồng hành, sát cánh cùng UBND để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh trong quá trình vận hành mô hình chính quyền 2 cấp. Một trong những “điểm nghẽn” nổi bật là việc giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công. Câu hỏi đặt ra là, cách bố trí cán bộ ở từng bộ phận đã thực sự phù hợp chưa? Những lĩnh vực nào trong giải quyết TTHC còn ách tắc, nguyên nhân cụ thể là gì?
Thực tế vừa qua, việc HĐND một số xã, phường chủ động tổ chức họp bàn và thông qua chủ trương đổi tên thôn, tổ dân phố nhằm khắc phục tình trạng trùng lặp tên gọi là một minh chứng rõ nét. “Việc HĐND kịp thời quyết nghị đổi tên đã giúp tháo gỡ khó khăn, nhất là trong giải quyết TTHC về tư pháp-hộ tịch”, một cán bộ cơ sở chia sẻ.
Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động giám sát
Một hạn chế lớn trong công tác giám sát của HĐND cấp xã lâu nay là thiếu công cụ hỗ trợ để cập nhật, tổng hợp thông tin kịp thời, đầy đủ. Để khắc phục, việc ứng dụng công nghệ số cần được đẩy mạnh, nhất là trong việc thiết lập các nhóm trao đổi trực tuyến, các kênh lấy ý kiến cử tri qua mạng xã hội nhằm nhanh chóng nắm bắt các vấn đề phát sinh tại cơ sở. Đồng thời, phát huy vai trò của các thôn, tổ dân phố trong hoạt động giám sát cộng đồng. Khi người dân tham gia giám sát, mọi việc sẽ minh bạch hơn và HĐND cấp xã có thêm nhiều kênh thông tin khách quan để tham chiếu.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải thay đổi tư duy ngay từ đội ngũ đại biểu. Bộ phận tham mưu phục vụ HĐND cần linh hoạt hơn trong cách cung cấp thông tin, tài liệu cho đại biểu. Dù ứng dụng công nghệ số là xu hướng tất yếu, nhưng cũng cần căn cứ vào thực tế. Phần lớn đại biểu HĐND cấp xã hiện là cán bộ thôn, tổ dân phố, không ít người đã nghỉ hưu, điều kiện tiếp cận công nghệ còn hạn chế. “Đồng ý phải số hóa, nhưng cũng cần từng bước, phù hợp với thực tế đại biểu cấp xã hiện nay. Vừa cung cấp tài liệu trực tiếp, vừa hỗ trợ trực tuyến thì đại biểu mới có thể tiếp cận đầy đủ”, một đại biểu HĐND xã chia sẻ thẳng thắn.
Trong khi chờ sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương để tương thích với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 cùng Nghị quyết số 594/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND chính là hai căn cứ quan trọng để HĐND xã không bị hụt hẫng về công cụ pháp lý khi thực thi chức năng giám sát. Điều cốt lõi là phải vận dụng “trúng” những quy định này cho phù hợp với cấp xã. Khi mỗi đại biểu HĐND xã thực sự là “tai mắt” của dân, khi việc giám sát có trọng tâm, có lộ trình, có theo dõi và công khai kết quả, đó không chỉ là thực thi một quyền năng luật định mà còn là sự khẳng định quyền lực của Nhân dân tại cơ sở.