Giám sát chặt an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống

Vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng xảy ra tình trạng thực phẩm đã qua sơ chế, chế biến sẵn và thực phẩm tươi sống đổi màu nghi ngờ do mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngay sau đó, các đơn vị liên quan đã vào cuộc lấy mẫu kiểm tra, tăng cường công tác giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống.

Khu ẩm thực của chợ Cồn. Ảnh Xuân Quý/TTXVN

Khu ẩm thực của chợ Cồn. Ảnh Xuân Quý/TTXVN

Nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo phản ánh của người dân trú tại phường Hòa Xuân, thành phố Đà Nẵng, vào khoảng 9 giờ ngày 6/7/2025, người này đến chợ Hòa Châu mua 15.000 đồng bún tươi về ăn bữa trưa và có để lại một phần cho con trai. Tuy nhiên đến khoảng 21 giờ cùng ngày, gia đình phát hiện nhiều sợi bún đã chuyển từ màu trắng sang màu đỏ, mềm và hơi ướt.

Ngay khi nhận thông tin phản ánh, UBND phường Hòa Xuân đã yêu cầu cơ sở sản xuất bún đổi màu từ trắng sang đỏ tạm dừng sản xuất, đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm số bún đổi màu này. Lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh bún tại chợ và xác định, tiểu thương lấy bún tại cơ sở sản xuất nằm trên đường Trần Văn Cẩn. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác nhận, cơ sở sản xuất bún này có đăng ký kinh doanh, tuy nhiên Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hạn. UBND phường Hòa Xuân đã yêu cầu cơ sở này tạm dừng sản xuất.

Thực phẩm đã qua sơ chế, chế biến sẵn được bảo quản trong tủ kính đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Mỹ Hà/TTXVN

Thực phẩm đã qua sơ chế, chế biến sẵn được bảo quản trong tủ kính đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Mỹ Hà/TTXVN

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lê Công Đông, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Xuân cho biết, sau khi lấy mẫu kiểm tra, cơ quan chức năng xác định trong mẫu bún không phát hiện hàn the hay chất hóa học độc hại nào. Song, kết quả kiểm nghiệm thể hiện mẫu bún có chứa nhiều nấm men, nấm mốc (vi sinh vật) do sau chế biến thực phẩm không được sử dụng hoặc bảo quản không đúng cách tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển; trong đó có thể có các loại nấm, vi khuẩn có sắc tố màu đỏ trong mẫu bún như: chủng loại nấm Monascus purpureus, vi khuẩn Serratia marcescens tạo sắc tố màu đỏ.

Qua kiểm tra, vi sinh vật có thể bị nhiễm vào mẫu bún trong quá trình chế biến hoặc quá trình bảo quản không phù hợp, thời gian bảo quản bún qua nhiều giờ tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Do vậy, sắc tố đỏ có trong mẫu bún theo phản ánh là do quá trình lên men tự nhiên, phát triển của nấm mốc.

Hiện, UBND phường Hòa Xuân đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn mời hộ kinh doanh lên làm việc và thực hiện cam kết các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh trước khi tiến hành sản xuất thực phẩm cung ứng ra thị trường nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Mới đây, người dân cũng phản ánh về việc cá biển có màu sắc bất thường được bán tại khu vực chợ Cẩm Lệ (phường Cẩm Lệ). Ông Đoàn Văn Hòa, đại diện Ban quản lý chợ Cẩm Lệ cho biết: “Sự việc không xảy ra trong khuôn viên chợ mà liên quan đến các điểm bán hàng tự phát bên ngoài chợ. Sau khi có phản ánh của người dân, UBND phường Cẩm Lệ đã xác minh sự việc và tiến hành lấy mẫu để kiểm tra”.

Qua hai sự việc tại chợ Hòa Châu và chợ Cẩm Lệ cho thấy cần thiết phải cảnh báo về nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống đồng thời cần tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao nhận thức của người kinh doanh tại chợ để đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân.

Tăng cường giám sát thực phẩm tại các chợ

Tổ ATTP Ban quản lý chợ Cồn, thành phố Đà Nẵng kiểm tra sản phẩm bún, mì, bánh ướt bày bán tại chợ. Ảnh: Mỹ Hà/TTXVN

Tổ ATTP Ban quản lý chợ Cồn, thành phố Đà Nẵng kiểm tra sản phẩm bún, mì, bánh ướt bày bán tại chợ. Ảnh: Mỹ Hà/TTXVN

Công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống ở Đà Nẵng, đặc biệt với các loại thực phẩm đã qua sơ chế, chế biến sẵn (bún, mì, phở, nem, chả) đang được địa phương tăng cường. Ban quản lý các chợ đã chủ động triển khai các biện pháp như lấy mẫu kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho tiểu thương.

Khu vực bán bún tươi, mì, phở, bánh bèo, bánh cuốn tại chợ Cồn hiện có 7 hộ kinh doanh. Tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, Tổ an toàn thực phẩm chợ Cồn đã lấy ngẫu nhiên một số mẫu bún, mì đang được bày bán tại các quày ở đây để test hàn the. Theo kết quả test nhanh, tất cả mẫu đều đạt, không có vi phạm về sử dụng hàn the, chất phụ gia theo quy định.

Ông Lê Công Duy, Tổ an toàn thực phẩm chợ Cồn cho biết: “Sau khi có thông tin về vụ việc bún bị đổi màu tại chợ Hòa Châu, Tổ an toàn thực phẩm chợ Cồn đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra các hộ kinh doanh bún, mì tại chợ. Có 5 mẫu bún, mì đã được lấy để kiểm tra nhanh bằng que test hàn the. Kết quả cho thấy, tất cả mẫu đều âm tính. Bên cạnh đó, các mẫu này cũng được lưu lại qua đêm để theo dõi và không có hiện tượng đổi màu bất thường. Việc test nhanh này là nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm và quan trọng hơn là để nâng cao ý thức của các tiểu thương, từ đó đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng”.

Tại các chợ ở Đà Nẵng, Ban quản lý chợ đã thành lập tổ kiểm tra, hằng ngày giám sát và test nhanh các mẫu thực phẩm đã qua sơ chế, chế biến sẵn được bày bán tại chợ. Hầu hết các hộ kinh doanh đều chấp hành nghiêm quy định an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này. Cụ thể, các sản phẩm đang bày bán tại các chợ truyền thống ở Đà Nẵng không sử dụng hàn the, không có chất phụ gia. Hàng hóa có mã QR code truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Lấy mẫu test nhanh chất phụ gia hàn the trong giò, chả tại chợ Cồn, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Mỹ Hà/TTXVN

Lấy mẫu test nhanh chất phụ gia hàn the trong giò, chả tại chợ Cồn, thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Mỹ Hà/TTXVN

Theo ông Lê Doãn Thân, Phó trưởng Ban quản lý Chợ Cồn, thành phố Đà Nẵng, chợ được trang bị kit test nhanh hàn the và formol để kiểm tra thực phẩm tại chợ. Việc kiểm tra và lấy mẫu được thực hiện đột xuất để đảm bảo tính khách quan và tránh tình trạng các hộ kinh doanh đối phó. Các đợt kiểm tra có thể diễn ra vào bất kỳ ngày nào trong tháng. Đồng thời, tiểu thương phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Nếu trường hợp vi phạm, Ban quản lý chợ sẽ tiến hành lập biên bản, báo cáo cơ quan chức năng để có hướng xử lý và tạm đình chỉ sử dụng mặt bằng để răn đe các hộ kinh doanh.

Bên cạnh việc lấy mẫu test nhanh các chất phụ gia, việc giám sát khâu vệ sinh, điều kiện bảo quản thực phẩm tại chợ cũng được chú trọng. Các loại thực phẩm đã qua sơ chế, chế biến sẵn bắt buộc phải để trong tủ kính, phân khu riêng biệt thực phẩm chín, thực phẩm sống.

Ông Võ Thanh Tùng, Đội trưởng Đội quản lý chợ Hòa An (phường An Khê) cho biết, đối với các loại thực phẩm đã qua chế biến như bún, mì, phở và thực phẩm chín khi bày bán tại chợ bắt buộc phải để trong tủ kính. Điều này giúp ngăn ngừa bụi bẩn và vi khuẩn từ môi trường bên ngoài xâm nhập. Ban quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở và yêu cầu tiểu thương vệ sinh khu vực bày bán thực phẩm, bề mặt quầy hàng phải được làm từ các vật liệu dễ lau chùi, không bám bẩn như đá, gạch men hoặc inox, đảm bảo luôn sạch sẽ, nhẵn bóng.

An toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Trong điều kiện thời tiết mùa hè nắng nóng, nguy cơ thực phẩm dẽ bị ôi thiu, hư hỏng. Do đó, Ban quản lý các chợ ở Đà Nẵng đã tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh lưu ý việc bảo quản thực phẩm đúng cách, tránh để vi khuẩn xâm nhập gây biến đổi chất lượng sản phẩm.

Mỹ Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/giam-sat-chat-an-toan-thuc-pham-tai-cac-cho-truyen-thong-20250717102643312.htm
Zalo