Giảm bớt yếu tố quản lý hành chính rườm rà, phức tạp khi quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Thảo luận tại tổ xung quanh dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành việc ban hành Luật mới thay thế là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần quản lý vốn và đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp không thất thoát, lãng phí, tham nhũng, phát huy hiệu quả của nguồn vốn và đầu tư.

Quản đến mức nào?

Phát biểu tại tổ 3, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, cần thiết phải có luật riêng điều chỉnh về doanh nghiệp nhà nước nhằm phát huy vai trò, sự chủ động của doanh nghiệp nhà nước.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu tại buổi thảo luận tổ.

Về phạm vi điều chỉnh, đại biểu nêu rõ, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước phải có trên 50% vốn. Tuy nhiên, thực tế có cả những doanh nghiệp có 50% vốn nhà nước, hay có những doanh nghiệp, Nhà nước đã thoái vốn, hiện nắm dưới 50%, những doanh nghiệp này lại hoạt động rất hiệu quả, đóng góp ngân sách tốt.

Trong khi đó, quản lý đối với doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước không rõ ràng; vai trò của cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước không thực sự hiệu quả.

“Vậy, có đưa các doanh nghiệp dưới 50% vốn nhà nước vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật hay không, quản đến mức nào, không quản thì lại là buông lỏng vì vẫn có vốn nhà nước. Buông không được, quản cũng không xong - rất là khó” - đại biểu Trần Văn Lâm thẳng thắn.

Ngoài hiệu quả kinh doanh thì doanh nghiệp nhà nước phải xác định nhiệm vụ chính trị. Đây là một công cụ quan trọng để điều tiết vĩ mô nền kinh tế nên không thể bỏ qua vai trò chính trị của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đơn cử, điện cho đồng bào dân tộc thiểu số, nếu không có doanh nghiệp nhà nước, thì ai đầu tư kéo điện vào cho bà con vùng sâu, vùng xa, để ai cũng được thụ hưởng điện.

Đại biểu Trần Văn Lâm cũng cho rằng: "Chúng ta đang tách doanh nghiệp với nhiệm vụ chính trị mà doanh nghiệp thực hiện. Đáng lẽ, công cụ để điều tiết lĩnh vực này thì phải do doanh nghiệp ngành, lĩnh vực đó quản lý, nhưng chúng ta đưa về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với mục đích tách bạch quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp. Nhưng tách một cách “đứt đuôi” thì cơ quan quản lý nhà nước không còn khả năng sử dụng công cụ là doanh nghiệp nhà nước đề điều tiết vĩ mô nền kinh tế một cách hiệu quả. Đây là hạn chế trong việc xác lập các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn".

Trước thực tế nêu trên, đại biểu đề nghị, đối với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động vì nhiệm vụ chính trị là chính yếu, xác lập vai trò điều tiết vĩ mô nền kinh tế, thì phải đưa về các bộ chuyên ngành quản lý. Còn các doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu kinh tế là chính thì mới xác lập về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thay vì tập trung vào một Ủy ban, tạo thành tầng nấc quản lý hành chính nặng nề, phức tạp. Như vậy, mới phát huy vai trò chủ động của doanh nghiệp, giảm bớt yếu tố quản lý hành chính rườm rà, phức tạp, không cần thiết.

Không có quy định về quyền, nghĩa vụ của người đại diện chủ sở hữu với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

Tại tổ 15, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị làm rõ khi Nhà nước đầu tư vốn vào doanh nghiệp thì tư cách pháp nhân của doanh nghiệp như thế nào? Đại diện chủ sở hữu có đồng cùng pháp nhân không?

Lý giải, đại biểu cho hay, theo quy định tại Điều 11, Khoản 2 của dự thảo Luật về “Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư vốn, kiểm tra, giám sát…” và Điều 12, Khoản 2 quy định doanh nghiệp “tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh…”. Như vậy có tình trạng người quản lý vốn, người hoạt động sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp không được chủ động về vốn mà phải đề xuất chủ sở hữu “xin” vốn.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị xem xét, nghiên cứu thêm về quy định này có “trói tay” doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước hay không?

Ngoài ra, trong thực hiện cải cách hành chính năm 2018 đã xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu vốn, tài sản nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương để thành lập một cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, tạo ra "một cửa" quản lý vốn nhà nước. Đại biểu đề nghị có đánh giá tổng kết hiệu quả hoạt động của cơ quan này khi đã thu gọn một đầu mối đại diện chủ sở hữu quản lý vốn đầu tư nhà nước tại các doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) phát biểu.

Phát biểu tại tổ 13, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) quan tâm đến đối tượng áp dụng. Hiện nay, trong dự thảo Luật chỉ quy định đối với những doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Thực tế tại Việt Nam còn có những loại hình doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư trực tiếp 50% vốn điều lệ doanh nghiệp và doanh nghiệp dưới 50% vốn điều lệ. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng để bao quát hết các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư.

Về hành vi bị cấm trong lĩnh vực quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tại khoản 8 Điều 6 quy định vi phạm các quy định gây thiệt hại cho doanh nghiệp, chủ sở hữu vốn và nhà nước. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 6 như sau: "Vi phạm các quy định gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp, chủ sở hữu vốn và nhà nước".

Thực tế, các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, do đó trong quá trình hoạt động sẽ khó tránh những thiệt hại nhỏ do yếu tố khách quan gây ra. Vì vậy, có ý kiến đề nghị chỉ nên quy định khi gây thiệt hại nghiêm trọng để linh hoạt trong quá trình quản lý doanh nghiệp.

Trúc Lam

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giam-bot-yeu-to-quan-ly-hanh-chinh-ruom-ra-phuc-tap-khi-quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-164739.html
Zalo