Giảm áp lực tỷ giá, thêm dư địa hạ lãi suất

Động thái hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được giới phân tích kỳ vọng mang đến 'làn gió mát' cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là thị trường tiền tệ. Trò chuyện với phóng viên Báo Kiểm toán, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng - cũng bày tỏ niềm lạc quan về tương lai của tỷ giá, lãi suất…

TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Thưa ông! Thị trường tài chính toàn cầu cuối tháng 9 đã chứng kiến việc Fed cắt giảm lãi suất 0,5%. Ông có bình luận gì về động thái này của Fed?

Trước hết, phải khẳng định việc Fed hạ lãi suất 0,5% là động thái rất mạnh. Trong những lần trước, khi Fed tăng lãi suất, mức tăng thường là 0,25%. Nhiều dự báo trước đó cho rằng nếu có giảm lãi suất thì Fed cũng giảm ở mức độ đó. Thế nhưng thực tế, Fed đã giảm gấp đôi mức tăng bình thường. Tôi cho rằng có thể Fed đã yên tâm với việc kiểm soát lạm phát. Lạm phát mục tiêu của Fed là 2% và hiện tại vẫn còn trên mức 2% nhưng trong những tháng qua, xu hướng giảm lạm phát đang tiếp tục và dường như Fed tin tưởng vào khả năng kiểm soát lạm phát của mình. Đó là lý do thứ nhất để Fed cắt giảm lãi suất.

Fed hạ lãi suất sẽ tạo dư địa cho Việt Nam có thể giảm lãi suất để hỗ trợ DN, phục hồi nền kinh tế. Giảm lãi suất tại thời điểm này là phù hợp mà không sợ đẩy lạm phát hoặc làm mất giá tiền đồng như trước kia.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ đang chậm lại. Gần đây, lượng người đăng ký xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên và một số lo ngại kinh tế Mỹ có thể đang trong giai đoạn “hạ cánh mềm”. Chính vì thế, Fed muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và điều đó đưa đến quyết định giảm lãi suất một cách mạnh mẽ hơn bình thường.

Việc hạ lãi suất sẽ thúc đẩy hoạt động cho vay và điều này tác động đến sản xuất kinh doanh, đặc biệt là tiêu dùng. 70% GDP của Mỹ phụ thuộc vào tiêu dùng cá nhân, thành ra, khi tiêu dùng cá nhân tăng lên, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng sẽ được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu của người dân và từ đó, nền kinh tế Mỹ có thể cải thiện mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, đây là lần đầu sau nhiều năm, Mỹ giảm lãi suất. Bởi vậy, chúng ta phải chờ xem việc Fed giảm lãi suất tác động như thế nào đến nền kinh tế và thị trường việc làm, độ trễ của những tác động này là bao lâu, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang tiến gần đến cuộc bầu cử tổng thống với những diễn biến phức tạp, khó nhận định được tình hình.

Đó là câu chuyện từ nước Mỹ, thế còn với Việt Nam, theo ông, quyết định của Fed tác động như thế nào đến nền kinh tế cũng như thị trường tiền tệ?

Đối với Việt Nam, việc Fed hạ lãi suất có tác động trực tiếp và gián tiếp đến nền kinh tế, trước hết là tác động trực tiếp đến tỷ giá. Hiện nay, tỷ giá đang ở mức dưới 25.000 VND/USD và khi Fed hạ lãi suất, giá trị của đồng USD thấp xuống so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có Việt Nam đồng (VND); từ đó, tỷ giá có thể sẽ giảm. Tuy nhiên, tỷ giá tăng hay giảm còn tùy thuộc vào thị trường cung cầu ngoại tệ, xuất nhập khẩu, cũng như đầu tư nước ngoài…

Về tác động gián tiếp, việc Fed hạ lãi suất có thể làm giảm tỷ giá và điều đó tác động đến hàng nhập khẩu của Việt Nam. Phần lớn hàng nhập khẩu được thanh toán bằng USD. Khi hàng nhập khẩu được thanh toán bằng USD mà tỷ giá giữ nguyên, ổn định hoặc giảm thì giá hàng nhập khẩu tính ra tiền Việt Nam có thể ổn định hơn. Điều đó có lợi cho các nhà nhập khẩu và cho nền kinh tế.

Tỷ giá và lãi suất vốn có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Vậy lãi suất sẽ như thế nào khi tỷ giá giảm áp lực nhờ quyết định của Fed, thưa ông?

Fed hạ lãi suất sẽ tạo dư địa để Việt Nam có thể giảm lãi suất mà không sợ ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá. Trước đây, chênh lệch giữa lãi suất qua đêm của Mỹ cao hơn nhiều so với lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng của Việt Nam. Chênh lệch càng lớn thì đồng Việt Nam càng mất giá và đẩy tỷ giá lên. Giờ đây, chênh lệch đó thu hẹp lại, giúp giảm áp lực mất giá của VND. Như vậy, chúng ta có dư địa để giảm lãi suất mà không sợ đồng Việt Nam mất giá.

Với tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tiếp tục chính sách nới lỏng tiền tệ, tức là hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đặc biệt trong bối cảnh rất nhiều DN ở miền Bắc đang bị tác động bởi siêu bão Yagi. Giảm lãi suất tại thời điểm này là phù hợp mà không sợ đẩy lạm phát hoặc làm mất giá tiền đồng như trước kia.

Vậy ông có lưu ý gì thêm đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN nếu Fed tiếp tục hạ lãi suất?

Theo dự báo, đây không phải lần duy nhất Fed hạ lãi suất. Từ nay đến cuối năm, có thể Fed sẽ giảm lãi suất thêm một lần nữa và tiếp tục giảm lãi suất từ hai đến ba lần nữa trong năm 2025. Nếu Fed tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ thì điều này tạo thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam và chúng ta có dư địa để giảm lãi suất hỗ trợ DN. Tôi cho rằng, năm nay là năm mà NHNN nên tiếp tục tìm cách giảm lãi suất và đặc biệt trong năm sau để hỗ trợ DN và phục hồi nền kinh tế.

Ông vừa nhắc đến hỗ trợ DN - vấn đề rất đáng quan tâm trong bối cảnh các địa phương vẫn đang phải gồng mình khắc phục hậu quả của siêu bão Yagi. Để hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi bão lũ, Chính phủ mới đây đã giao nhiều nhiệm vụ cho ngành ngân hàng như cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, thúc đẩy tín dụng… Ông có lưu ý gì để ngành ngân hàng thực hiện tốt các nhiệm vụ này?

Có thể thấy, Chính phủ thông qua NHNN để tìm mọi cách hỗ trợ các DN. Tôi thấy rằng việc NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho các DN là cần thiết. Tuy nhiên, việc không cho phép chuyển nhóm nợ lại chưa phù hợp. Một DN vướng vào nợ xấu thì tùy theo thời gian (1 quý, nửa năm hay 1 năm) mà không trả được nợ thì khoản nợ đó có thể nhảy từ nhóm 3 lên nhóm 4 rồi nhóm 5. Hãy để cho các DN phải nhảy nhóm nợ, việc này sẽ làm minh bạch thông tin về chất lượng tài sản của các ngân hàng. Tuy nhiên, nếu quy định này được thực hiện thì tôi đề nghị NHNN cho phép các ngân hàng không tăng lãi suất, cũng như không siết tín dụng đối với những DN bị nhảy nhóm nợ. Các ngân hàng cứ tiếp tục cho vay với lãi suất và những điều kiện như trước nhưng trên sổ sách, vẫn cho nhảy nhóm nợ để xã hội có thể nhìn vào ngành ngân hàng một cách minh bạch hơn.

Một vấn đề nữa là mức độ rủi ro của nền kinh tế có thể đang tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh các DN tại miền Bắc chịu tác động bởi siêu bão Yagi. Đây không phải là cơn bão duy nhất trong năm nay mà sẽ có những trận bão tiếp theo nữa. Như vậy, tình hình của các DN càng ngày càng khó khăn hơn. Để hỗ trợ DN, ngoài các biện pháp của NHNN, Chính phủ nên xem xét việc nâng cấp Quỹ bảo lãnh tín dụng. Theo quy định hiện hành, Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương có vốn điều lệ rất nhỏ và hiện tại, các quỹ này hoạt động không hiệu quả. Vì vậy, tôi đề nghị nâng cấp các Quỹ bảo tín dụng địa phương trở thành Quỹ bảo lãnh tín dụng trung ương với vốn điều lệ lớn để có thể bảo lãnh cho nhiều DN và các ngân hàng tin tưởng cho vay với mức độ rủi ro thấp hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

XUÂN HỒNG - THÀNH ĐỨC (thực hiện)

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/giam-ap-luc-ty-gia-them-du-dia-ha-lai-suat-34917.html
Zalo