Giảm áp lực cho Tỉnh lộ 9
HNN - Trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của Tỉnh lộ 9 (TL9), Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị Sở Tài chính phê duyệt chủ trương đầu tư dự án (DA) nâng cấp TL9 đoạn từ Quốc lộ (QL) 1A đến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, nhằm bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân.

TL9 là tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối cao tốc Cam Lộ - La Sơn với QL1A, đi qua địa bàn phường Phong Điền, TP. Huế
TL9 là tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối cao tốc Cam Lộ - La Sơn với QL1A, đi qua địa bàn phường Phong Điền , TP. Huế. Nhiều năm qua, tuyến đường này đã xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân chính đến từ việc các phương tiện vận chuyển đất đá, vật liệu xây dựng từ các mỏ liên tục lưu thông với mật độ dày đặc, đặc biệt là trong giai đoạn thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Sau khi cao tốc hoàn thành, mặt đường TL9 được hoàn trả, song lớp bê tông nhựa quá mỏng, nền đường yếu khiến tuyến đường nhanh chóng tái hư hỏng. Tình trạng sụt lún, xuất hiện dày đặc các “ổ gà”, “ổ trâu” gây mất an toàn nghiêm trọng cho người và phương tiện lưu thông.
Không giấu được sự lo lắng, bà Nguyễn Thị Vân, trú tại thôn Quảng Lợi, phường Phong Điền cho biết: “Tuyến đường xuống cấp từ hơn hai năm nay, nhất là sau khi cao tốc hoàn trả. Xe tải trọng lớn từ các mỏ chạy rầm rập suốt ngày đêm. Bức xúc trước tình trạng này, một số người dân đã vài lần mang chướng ngại vật ra chặn xe tải lưu thông”. Sau khi có phản ảnh của người dân, các đơn vị liên quan có tiến hành sửa chữa tạm thời, song chỉ một thời gian ngắn, tuyến TL9 lại xuống cấp như cũ, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Mới đây, Sở Xây dựng đã có văn bản trình Sở Tài chính đề xuất chủ trương đầu tư nâng cấp toàn tuyến từ QL1A đến điểm nối cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Trong thời gian chờ phê duyệt và triển khai dự án nâng cấp, Công ty CP Đường bộ I TP. Huế đã và đang khắc phục tạm thời các điểm hư hỏng. Việc vá “ổ gà”, xử lý khu vực đọng nước và láng nhựa mặt đường được thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, điều mà người dân mong muốn là tuyến đường cần sớm được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, đáp ứng yêu cầu lưu thông của người và các phương tiện.
Trước mắt, đơn vị quản lý và ngành chức năng cần có các giải pháp đồng bộ như phân luồng giao thông, kiểm soát tải trọng, lắp đặt chốt kiểm tra tải trọng di động, hạn chế giờ hoạt động xe tải nặng, yêu cầu các mỏ cam kết không chở quá tải... nhằm hạn chế nguy cơ tái hỏng tuyến đường và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Về lâu dài, ngành chức năng xác định cần sớm phê duyệt và triển khai dự án nâng cấp tuyến TL9 một cách căn cơ bằng việc thiết kế lại kết cấu mặt đường phù hợp với tải trọng lớn, tăng độ dày lớp bê tông nhựa, gia cố nền móng chắc chắn, bổ sung lề đường, vạch kẻ, biển báo đầy đủ.
Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cũng cần nghiên cứu xây dựng tuyến đường chuyên biệt hoặc đường gom dành riêng cho xe chở vật liệu từ các mỏ, nhằm giảm áp lực cho TL9 – vốn là tuyến đường phục vụ dân sinh. Đồng thời, cần quy hoạch lại mạng lưới mỏ khai thác vật liệu, phân tán lưu lượng vận tải, tránh tập trung quá nhiều xe trên một tuyến; nghiên cứu cơ chế yêu cầu các đơn vị khai thác vật liệu đóng góp kinh phí đầu tư, hoàn trả đường đúng tiêu chuẩn, không làm theo kiểu cho có.
Việc thành lập tổ giám sát gồm đại diện người dân, chính quyền và đơn vị quản lý đường bộ cũng là một trong những giải pháp thiết thực để đảm bảo giám sát chặt chẽ chất lượng thi công, tiến độ triển khai, tránh hình thức. Người dân cũng mong muốn chính quyền định kỳ công khai tiến độ, lắng nghe ý kiến phản ánh để cùng tháo gỡ khó khăn, hạn chế bức xúc kéo dài.