Giải quyết thách thức ảo giác của GenAI trong edtech
Khi triển khai chatbot, các nhà phát triển có thể cấu hình hệ thống chỉ sử dụng dữ liệu nội bộ hoặc hạn chế truy xuất thông tin từ bên ngoài, giúp giảm thiểu các sai lệch thông tin...
Trong thời đại chuyển đổi số và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, giáo dục đang đối mặt với những thay đổi chưa từng có. Không chỉ dừng lại ở việc cải tiến các phương pháp giảng dạy, trí tuệ nhân tạo tạo sinh đang mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành giáo dục và công nghệ giáo dục.
Sự hiện diện của GenAI không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình đào tạo mà còn mang đến những giải pháp học tập cá nhân hóa, nâng cao trải nghiệm học viên và thúc đẩy sự đổi mới trong hệ thống giáo dục truyền thống.
PHÂN TÍCH VÀ XỬ LÝ DỮ LIỆU GIÁO DỤC KHỔNG LỒ, TẠO RA CÁC CÔNG CỤ HỖ TRỢ HỌC TẬP THÔNG MINH
Thị trường Edtech Việt Nam đang chứng kiến xu hướng ứng dụng các công nghệ mới nổi. Trong đó, GenAI là một trong những công nghệ đang được các nền tảng học tập chú trọng mạnh mẽ, đặc biệt là các sản phẩm Edtech đào tạo ngoại ngữ. Theo Sách Trắng công nghệ giáo dục Việt Nam 2024, top các yếu tố công nghệ được sử dụng trong sản phẩm EdTech ở Việt Nam trong năm qua bao gồm: ChatGPT, XR/AR/VR, STEM/ STEAM…
Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 750 doanh nghiệp Edtech hoạt động, cung cấp đa dạng sản phẩm thiết bị phần cứng, phần mềm và dịch vụ. Chatbot được hỗ trợ công nghệ GenAI đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt từ giữa năm nay khi ChatGPT bắt đầu bùng nổ.
Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia giải pháp của AWS, cho rằng một trong những vai trò nổi bật của GenAI là khả năng phân tích và xử lý dữ liệu giáo dục khổng lồ để tạo ra các công cụ hỗ trợ học tập thông minh, như chatbot hoặc trợ lý ảo học tập. Những công cụ này không chỉ giúp học viên tiếp cận thông tin nhanh chóng mà còn mang đến lộ trình học tập phù hợp với từng cá nhân, từ đó tăng hiệu quả tiếp thu kiến thức và khuyến khích học tập suốt đời.
Bên cạnh đó, GenAI còn giúp tự động hóa nhiều quy trình trong giáo dục, từ việc thiết kế nội dung học tập, chấm điểm tự động, đến hỗ trợ các nhà quản lý giáo dục trong việc phân tích hiệu suất đào tạo. Những ứng dụng này không chỉ giảm thiểu khối lượng công việc thủ công mà còn mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho nhiều người hơn.
HUẤN LUYỆN TRỢ LÝ ẢO ĐỂ GIẢM THIỂU THÁCH THỨC “ẢO GIÁC” CỦA AI
Tuy vậy, một trong những vấn đề quan trọng khi sử dụng GenAI là độ chính xác của các câu trả lời, đặc biệt khi AI có thể mắc phải sai sót, gây ra những câu trả lời không chính xác hoặc không phù hợp. Ngay cả các công cụ GenAI như ChatGPT hay Gemini của Google, Copilot của Microsoft khi thưc hiện các truy vấn của người dùng, vẫn luôn cảnh báo về việc AI có thể gây sai sót và người dùng cần kiểm tra lại thông tin một cách cẩn thận.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng GenAI có thể gây lỗi “đặc biệt nguy hiểm” khi đưa ra câu trả lời đọc qua rất logic và “xuôi tai”, tuy nhiên lại có thể chứa yếu tố “bịa đặt”, “thêm thắt” không chính xác. Vì thế, giải quyết vấn đề “ảo giác” của AI để có những thông tin, câu trả lời chính xác cho người dùng vẫn là những băn khoăn chung của nhiều doanh nghiệp, khi cân nhắc ứng dụng GenAI.
Theo ông Vũ Đình Tuấn, Kiến trúc sư giải pháp tại công ty Osam, để giải quyết vấn đề này, khi triển khai chatbot, các nhà phát triển có thể cấu hình hệ thống chỉ sử dụng dữ liệu nội bộ hoặc hạn chế truy xuất thông tin từ bên ngoài, giúp giảm thiểu các sai lệch thông tin. Bên cạnh đó, việc cải thiện hệ thống chatbot thông qua việc huấn luyện và tinh chỉnh (tuning) cũng giúp nâng cao khả năng của chatbot theo thời gian.
“Điều này đòi hỏi chatbot phải được huấn luyện kỹ càng để có thể cung cấp những câu trả lời chính xác và phù hợp với bối cảnh cụ thể”, ông Vũ Đình Tuấn nói.
Ngoài vấn đề “ảo giác”, thông tin đầu ra không chính xác, một vấn đề nữa mà các doanh nghiệp tiếp tục băn khoăn là tính bảo mật dữ liệu cũng như quá trình đào tạo cho chatbot. Bên cạnh đó, khi ứng dụng các giải pháp GenAI, doanh nghiệp thường lúng túng khi về việc lựa chọn mô hình nào phù hợp nhất để sử dụng, làm thế nào thử nghiệm nhanh chóng và đánh giá hiệu quả…
Tiến sỹ Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và đào tạo, từng cho biết nhiều thầy cô chia sẻ “có quá nhiều giải pháp Edtech được đưa đến chào hàng mà bản thân thầy cô và nhà trường cũng không hiểu hết sản phẩm, trong khi đó thông tin chào hàng chủ yếu là những thông tin tích cực, hầu như sản phẩm nào cũng tốt”. Điều đó khiến các trường bối rối trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với nhu cầu của mình.
Chuyên gia Trần Anh Tuấn cho rằng để tận dụng tối đa tiềm năng của GenAI, các tổ chức giáo dục và doanh nghiệp Edtech cần phải đầu tư vào công nghệ, đào tạo đội ngũ nhân sự phù hợp và xây dựng một chiến lược triển khai bền vững.
“Sự hợp tác giữa các nhà cung cấp công nghệ và cộng đồng giáo dục, chúng ta có thể kỳ vọng vào một tương lai mà học tập được cá nhân hóa, sáng tạo và hiệu quả hơn”, ông Trần Anh Tuấn nói.
Tại Việt Nam, Edtech thực sự là thị trường rộng lớn và ổn định với các doanh nghiệp, khi cả nước có khoảng 22 triệu học sinh, sinh viên, 1,6 triệu giáo viên và 53.000 các trường mầm non, phổ thông và gần 400 trường đại học.
Theo Sách Trắng công nghệ giáo dục Việt Nam 2024, doanh thu thị trường giáo dục trực tuyến ở Việt Nam dự kiến sẽ đạt 364,70 triệu USD vào năm 2024. Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) trong thị trường giáo dục trực tuyến khoảng 42,69 USD năm 2024. Số lượng người dùng dự kiến sẽ lên tới 11,8 triệu người dùng vào năm 2029.