Giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn: Đẩy nhanh tiến độ bằng cơ chế đặc thù
Tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn dài 28,8km là dự án trọng điểm không chỉ của tỉnh mà còn của toàn vùng Trung du, miền núi phía Bắc, góp phần kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa Thái Nguyên và các tỉnh lân cận. Hiện nay, nhiệm vụ giải phóng mặt bằng là đặc biệt quan trọng để triển khai các bước tiếp theo của Dự án.

Phối cảnh tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn.
Cơ chế ra đời từ áp lực tiến độ
Được khởi công từ tháng 3-2025, dự án tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn có tổng mức đầu tư hơn 5.750 tỷ đồng. Trong đó, diện tích đất phải thu hồi lên tới 255,14ha, trải rộng trên địa bàn xã Thanh Mai, Thanh Thịnh và phường Bắc Kạn. Đến hết tháng 6-2025, khối lượng mặt bằng đã thu hồi đạt 175,7ha, tương đương 68,8% diện tích và bàn giao được 15,96/28,83km chiều dài tuyến (đạt 55,4%).
Trước thực trạng “xôi đỗ", nhiều vị trí người dân chưa nhận tiền đền bù, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan đã báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành loạt cơ chế mới. Đáng chú ý là văn bản số 4415/UBND-NNTNMT ngày 03/6/2025 của UBND tỉnh Bắc Kạn (nay là tỉnh Thái Nguyên) về chính sách hỗ trợ người dân tự lo tái định cư (TĐC), thay vì phải đợi xây dựng khu TĐC tập trung. Nhờ đó, một loạt điều chỉnh đã được thực hiện, giúp giảm chi phí từ 117 tỷ đồng xuống chỉ còn khoảng 48 tỷ đồng cho hạng mục này.
Hai khu TĐC Thanh Thịnh và Thanh Vận được đề xuất giảm quy mô và dừng xây dựng. Phường Bắc Kạn chỉ có 3 hộ đăng ký TĐC nên địa phương đã đề nghị dừng hẳn phương án xây dựng TĐC tập trung. Chính cách làm linh hoạt này đã rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện thủ tục đầu tư khu tái định cư, đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ đội vốn.
Không chỉ “nóng” về công tác GPMB, dự án cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn còn ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt trong việc gỡ vướng về thủ tục đầu tư, đặc biệt là sử dụng cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 106/2023/QH15.
Theo đó, việc cấp phép và khai thác vật liệu tại mỏ đất Cụm công nghiệp Thanh Thịnh với trữ lượng 400.000m3 đã được thực hiện rút gọn, giúp nhà thầu sớm có nguồn cung phục vụ thi công.
Dù vậy, khối lượng xây dựng thực tế vẫn đang ở mức thấp do tiến độ bàn giao mặt bằng chưa đồng đều. Ở một số vị trí, người dân còn chưa nhận tiền đền bù do thắc mắc về đơn giá bồi thường dẫn đến tình trạng “treo” thi công dù nhà thầu đã sẵn sàng.

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phương Thành triển khai mũi thi công trên tuyến cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn.
Dự án có tổng cộng 18 cầu, 30 hầm chui dân sinh, 4 nút giao liên thông, cùng hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật. Hiện nay có 15 mũi thi công đang hoạt động trên toàn tuyến, bao gồm 9 mũi đường và 6 mũi cầu. Các hạng mục kỹ thuật đã khởi động: 43/94 cống hoàn thành (45,7%), 13/30 hầm chui dân sinh đạt 43% và 15/18 cầu đã triển khai cọc khoan nhồi hoặc đúc dầm.
Tuy nhiên, khó khăn hiện hữu là tiến độ di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống điện, viễn thông, nước sinh hoạt còn rất chậm. Tới cuối tháng 6, chưa có vị trí nào trong số 59 điểm cần di dời được hoàn tất thi công.
Đơn vị thi công các công trình này chỉ mới hoàn thành hợp đồng và bàn giao mặt bằng, dự kiến đến đầu tháng 7 mới tổ chức mở thầu cho đường điện 110kV và 220kV.
Ông Mạc Văn Nghiệp, Giám đốc điều hành Dự án cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn (Ban Quản lý dự án 2 Bộ Xây dựng): Ban Quản lý dự án 2, đơn vị chủ đầu tư đã kiến nghị tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo đẩy nhanh công tác di dời hạ tầng, tạo mặt bằng sạch cho nhà thầu tranh thủ từng ngày nắng triển khai thi công. Đây là dự án lớn, liên quan nhiều bên, mỗi ngày chậm là thêm chi phí, thêm rủi ro. Địa phương đã làm rất tốt vai trò của mình, nhưng cần thêm sự phối hợp chặt chẽ trong giai đoạn nước rút.

Cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất tuyên truyền, giải thích về chính sách bồi thường cho người dân xã Thanh Thịnh.
Còn nhiều việc phải làm
Thực tế, mặt bằng là yếu tố then chốt quyết định tiến độ thi công, đặc biệt với các công trình hạ tầng quy mô lớn. Với tỷ lệ bàn giao hiện tại đạt 55,4% chiều dài tuyến, trong khi thời gian thi công chỉ còn chưa đầy 18 tháng (năm 2026 phải thông tuyến), áp lực là rất lớn. Tình trạng “xôi đỗ”, mặt bằng không liền mạch không chỉ ảnh hưởng đến thi công mà còn khiến nhà thầu khó bố trí máy móc, nhân lực một cách tối ưu.
Giải pháp lâu dài, theo các chuyên gia cần thiết lập quy chế phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, địa phương, các nhà thầu và cả người dân. Đồng thời, nên có thêm cơ chế thưởng, phạt theo tiến độ mặt bằng cụ thể ở từng cơ quan đơn vị, địa phương thực hiện để tạo động lực thực chất.
Giải phóng mặt bằng không đơn thuần là việc đo đạc, đền bù hay thu hồi đất. Đó là công việc mang tính “phát động xã hội”, nơi sự đồng thuận của người dân quyết định thành, bại của một dự án trọng điểm.
Với tuyến cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn, những nỗ lực ban hành chính sách gấp rút, linh hoạt điều chỉnh quy mô khu TĐC, sử dụng cơ chế đặc thù về mỏ vật liệu… đã cho thấy quyết tâm cao độ từ cả hệ thống.
Chặng đường phía trước còn dài, nhưng nếu giữ vững tinh thần “chạy nước rút” như hiện nay, tin rằng những nút thắt sẽ được tháo gỡ từng bước, đưa công trình về đích đúng hẹn, mở ra kỳ vọng phát triển mới cho vùng đất trung du miền núi phía Bắc.