Giải pháp xây dựng NTM giai đoạn 2023-2025

Hai năm qua, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực đạt được những kết quả quan trọng: Có thêm 4 đơn vị cấp huyện, 35 xã và 148 thôn/bản/miền núi đạt chuẩn NTM; 53 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 11 xã và 254 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 17.73 tiêu chí NTM/xã.

Đường giao thông nông thôn được mở rộng trong xây dựng NTM kiểu mẫu ở huyện Đông Sơn.

Đường giao thông nông thôn được mở rộng trong xây dựng NTM kiểu mẫu ở huyện Đông Sơn.

Từ bài học kinh nghiệm

Bài học kinh nghiệm quý Thanh Hóa rút ra trong công tác xây dựng NTM (2021-2022) trong lãnh đạo, chỉ đạo phải biết tranh thủ tối đa sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương. Đồng thời phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể, trong đó vai trò của người đứng đầu là nhân tố quyết định. Phải xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai thực hiện sát với thực tiễn của từng địa phương. Theo đó phải có cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng NTM và phân công nhiệm vụ cho từng tổ chức, các thành viên ban chỉ đạo gắn với cơ sở. Công tác tuyên truyền, tập huấn phải được coi trọng và đa dạng, thường xuyên, liên tục, phong phú về nội dung, hình thức, phù hợp với thực tế để người dân hiểu và tự giác tham gia.

Trong huy động nguồn lực phải đa dạng từ các thành phần kinh tế, lồng ghép hiệu quả các nguồn từ các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn để phục vụ xây dựng NTM. Đặc biệt là việc phát huy tính dân chủ của Nhân dân theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”, đảm bảo dân chủ, công khai minh bạch từ công tác quy hoạch, kế hoạch, xác định lộ trình, huy động nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện từng nội dung xây dựng NTM.

Đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi đua - khen thưởng phải được làm thường xuyên. Qua đó phát hiện kịp thời những khó khăn, vướng mắc cùng tháo gỡ và tôn vinh những tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào chung sức xây dựng NTM.

Mục tiêu và giải pháp xây dựng NTM giai đoạn 2023-2025

Giai đoạn 2023-2025, Thanh Hóa phấn đấu có thêm 7 huyện, 58 xã, 176 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 huyện và 90 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 29 xã và 23 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Lũy kế đến năm 2025 toàn tỉnh có 19 đơn vị cấp huyện, 410 xã, 876 thôn/bản miền núi, 101 thôn/bản các xã đặc biệt khó khăn trở lên đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 huyện và 165 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 41 xã và 340 thôn/bản trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Để đạt được mục tiêu trên, Thanh Hóa phải thực hiện được một số giải pháp trọng tâm: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, nhất là tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có năng suất chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thực hiện tốt chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội. Phát huy tốt quy chế dân chủ, huy động tối đa nguồn lực để xây dựng NTM… Đồng thời đẩy mạnh phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn. Tập trung chỉ đạo các tiêu chí thôn/bản, xã, huyện NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và duy trì có hiệu quả các đơn vị đã được công nhận đạt chuẩn NTM…

Bài và ảnh: Đức Vũ

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/giai-phap-xay-dung-ntm-giai-doan-2023-2025/26892.htm
Zalo