Giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn thể chế nhìn từ Nghị quyết 66
Sau gần ba tháng ban hành, Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đã đem lại những kết quả bước đầu.
Cùng với việc sắp xếp, tổ chức lại toàn bộ hệ thống chính trị theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, công tác xây dựng pháp luật theo yêu cầu của kỷ nguyên mới đang được đẩy mạnh.
Đây có thể hiểu là kết quả bước đầu của việc triển khai Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, cũng là kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐ) về hoàn thiện thể chế, pháp luật mà Tổng Bí thư Tô Lâm làm trưởng ban.
Để có cái nhìn tổng quát về chuyển biến này sau gần ba tháng Nghị quyết 66 được ban hành, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, thư ký Tổ giúp việc của BCĐ.
Quyết liệt, bài bản
. Phóng viên: Sau ba tháng Nghị quyết 66 được ban hành, công tác triển khai đang được thực hiện thế nào, thưa ông?
+ TS Nguyễn Văn Cương: Đến thời điểm này, công tác tổ chức triển khai Nghị quyết 66 đang được triển khai rất bài bản.

TS Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp.
Về khía cạnh truyền thông nâng cao nhận thức, Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị toàn quốc, quán triệt Nghị quyết 66.
Trong ngành tư pháp thì bộ cũng đã quán triệt đến lãnh đạo cấp vụ ngay sau khi nghị quyết được ban hành; tiếp theo là quán triệt trong toàn ngành.
Thông điệp và tinh thần mà các cuộc quán triệt này phát ra là từ bộ đến tất cả các Sở Tư pháp, người làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật ở các bộ phải thực sự thay đổi cách nghĩ, cách xử lý công việc. Đặc biệt là đẩy nhanh nhất tốc độ xử lý công việc, thực sự quyết liệt trong tham mưu với tư duy kiến tạo phát triển, hành động vì lợi ích chung thì mới theo kịp được các chỉ đạo của Trung ương và các cấp có thẩm quyền.
. Quốc hội (QH) kỳ họp vừa rồi đã thông qua tới 34 đạo luật. Có thể hiểu đấy là cách mà Nghị quyết 66 đang được triển khai?
+ Trong góc nhìn của tôi thì đúng như vậy.
Khi Tổng Bí thư phát đi thông điệp rằng đất nước ta phải tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì chúng tôi nhận thấy rất nhiều vấn đề phải được đặt ra để xử lý, trong đó có tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, pháp luật.
Chúng ta đã đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay và tăng trưởng hai con số các năm sau. Hôm rồi, Thủ tướng đưa ra yêu cầu cao hơn, năm nay phải tăng trưởng 8,3%-8,5%. Vậy thì tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về thể chế, pháp luật càng phải quyết liệt hơn.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật, ngày 5-6. Ảnh: QH
Khối lượng nhiệm vụ lập pháp khổng lồ mà vừa rồi Chính phủ và các cơ quan trình, QH thông qua phản ánh sự quyết tâm ấy, theo đúng nội dung, tinh thần, các chỉ đạo của Bộ Chính trị thể hiện trong Nghị quyết 66.
Phiên họp đầu tiên của BCĐ Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật đầu tháng 6, Tổng Bí thư đã lưu ý rất kỹ những đầu công việc phải làm, trong đó đặt yêu cầu rất cao là trong năm 2025 này phải cơ bản tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.
. Hoạt động của BCĐ đến nay thế nào, thưa ông?
+ Ngày 30-4, cùng với việc ban hành Nghị quyết 66 thì Bộ Chính trị đồng thời ra quyết định thành lập BCĐ Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật, phân công Tổng Bí thư Tô Lâm làm trưởng ban, giao Đảng ủy Bộ Tư pháp làm cơ quan thường trực BCĐ. Hơn một tháng sau, ngày 4-6, Bộ Chính trị ban hành Quy định 297 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của BCĐ.
Ngay sau đó một ngày, ngày 5-6, Tổng Bí thư triệu tập họp toàn thể BCĐ để thảo luận một loạt công việc, từ quy chế làm việc; việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên BCĐ; chương trình công tác năm 2025 của BCĐ; kế hoạch chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật…
Bốn ngày sau, 10-6, Tổng Bí thư Tô Lâm trong vai trò trưởng BCĐ ký ban hành một loạt văn bản về các nội dung này.
Từ thông điệp kỷ nguyên mới đến Nghị quyết 66
. Nhưng hẳn là Nghị quyết 66 là kết quả của quá trình chuẩn bị rất kỹ?
+ Theo tôi quan sát thì ngay sau thông điệp về kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng, hoàn thiện thể chế. Điều đó thể hiện qua bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp QH tháng 10-2024, Tổng Bí thư đánh giá thể chế đang là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Tiếp đó, Tổng Bí thư đã giao cho Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp nghiên cứu, tham mưu với Bộ Chính trị về việc đổi mới công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Bộ Chính trị cũng đã có kết luận để Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ, trình QH thông qua tại kỳ họp bất thường hồi tháng 2-2025 việc sửa Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, qua đó phân vai rõ hơn, khoa học, sát thực tiễn hơn giữa cơ quan trình, cơ quan thẩm tra và QH trong quy trình lập pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã rất quyết liệt thúc đẩy công tác nghiên cứu, chủ trì, phối hợp với các bộ, ban ngành Trung ương, sự ủng hộ của các tỉnh ủy, thành ủy được triển khai bài bản, chặt chẽ. Và Đảng ủy Bộ Tư pháp đã kịp trình Bộ Chính trị đề án nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết 66 theo đúng tiến độ.
Tôi cảm nhận quá trình chuẩn bị để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 66 dù khẩn trương nhưng rất bài bản và kỹ lưỡng. Ngay sau khi ban hành nghị quyết, BCĐ, Thường trực BCĐ đã nhanh chóng vào việc rất nhịp nhàng, hiệu quả. Như phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12 hôm 18-7, Tổng Bí thư nói là đã chuyển trạng thái từ “vừa chạy vừa xếp hàng” sang “thẳng hàng, lối thông, đồng lòng cùng tiến”.
. Rà soát, hoàn thiện thể chế là công việc hằng ngày, thường xuyên. Nhưng nay với tinh thần mới, chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, với cơ sở chính trị là Nghị quyết 66 thì công tác này có gì mới?
+ Vẫn là công việc hằng ngày, thường xuyên nhưng đến lúc này thì được đặt trong sự điều phối ở tầm quốc gia, của toàn hệ thống chính trị, với sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp từ Tổng Bí thư và BCĐ.
Với yêu cầu ấy, ở dưới đang chuyển động rất nhanh. Như chúng tôi, từ tháng 2 đến nay làm việc gần như không ngày nghỉ, liên tục phải làm việc ngoài giờ, thậm chí đến đêm, cả thứ Bảy, Chủ nhật.
Nghị quyết 66 có một yêu cầu rất cao là “Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật”. Triển khai nhiệm vụ này, ngày 10-6, BCĐ đã ban hành Kế hoạch 04, chỉ ra tám đầu việc.
Có những việc đã hoàn thành, như Đảng ủy Chính phủ chủ trì, Đảng ủy QH phối hợp để dự thảo, ban hành Nghị quyết về cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật. Nghị quyết 206 mà QH thông qua ngày 24-6 chính là sản phẩm.
Về hệ thống tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp đã khai trương cổng pháp luật quốc gia hôm 31-5 và nay đang tiếp tục hoàn thiện.
Đảng ủy Chính phủ cũng đang chỉ đạo rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật. Đảng ủy Bộ Tài chính đang chủ trì về rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong lĩnh vực tài chính, đầu tư. Đảng ủy Bộ KH&CN thì chịu trách nhiệm rà soát, đề xuất giải pháp về pháp luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số...
Các công việc này, theo yêu cầu của BCĐ là phải có báo cáo tiến độ, kết quả triển khai về cơ quan thường trực trong tháng 7. Tháng 8, Thường trực BCĐ sẽ họp cho ý kiến về kết quả tổng hợp. Tiếp đó, các đầu mối sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện, thực hiện các giải pháp khả thi nhất.
Công việc cứ thế triển khai, để tháng 12, BCĐ họp toàn thể cho ý kiến về kết quả hoàn thiện pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong năm 2025 theo đúng yêu cầu rất cao mà Nghị quyết 66 đã đề ra.
. Hẳn là khối lượng văn bản phải rà soát sẽ rất nhiều, cũng tức là phải xác định thứ tự ưu tiên giải quyết. Vậy trong năm 2025, chúng ta ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong lĩnh vực nào?
+ Nghị quyết 66 đề ra mục tiêu năm 2025 cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định của pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền ba cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.
BCĐ xác định nhiệm vụ trọng tâm 2025 là tập trung vào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật ở các lĩnh vực liên quan trực tiếp tới phát triển kinh tế - xã hội (như đầu tư, tài chính, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…) và việc vận hành bộ máy hệ thống chính trị theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Cơ chế đặc biệt để tháo gỡ các điểm nghẽn
. Năm 2025, 2027 hay 2028 đều là những thời hạn rất ngắn, rất gấp gáp. Trong khi đó lập pháp, lập quy đều đòi hỏi quy trình chặt chẽ cùng thời gian để nghiên cứu, triển khai. Vậy tính khả thi thế nào?
+ Vậy nên QH mới ban hành Nghị quyết 206 về cơ chế đặc biệt xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật.
Theo đó, QH cho phép dùng cơ chế đặc biệt để giải thích luật, hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm để tháo gỡ vướng mắc. Khó hơn nữa thì có thể áp dụng thủ tục rút gọn để ban hành văn bản quy định vấn đề mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành.
Trong lúc không thể áp dụng biện pháp giải thích luật, các luật chưa kịp sửa đổi, bổ sung thì Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH được ban hành nghị quyết quy phạm pháp luật để điều chỉnh một số quy định của luật. Việc này phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan của Chính phủ, QH và báo cáo Ủy ban Thường vụ QH, QH ở kỳ họp gần nhất.
Nhưng chỉ những trường hợp thực sự khó khăn, vướng mắc thì mới được áp dụng cơ chế lập pháp, lập quy đặc biệt này.
Chẳng hạn phải là những quy định không rõ ràng, không hợp lý, không khả thi, gây khó khăn trong áp dụng; là những quy định tạo gánh nặng chi phí tuân thủ; là những vấn đề chưa được quy định hoặc có quy định nhưng lại chưa giúp khơi thông nguồn lực, hạn chế việc đổi mới sáng tạo, hạn chế việc phát triển những động lực tăng trưởng mới…
Và để chặt chẽ hơn, QH giới hạn việc áp dụng cơ chế đặc biệt này chỉ đến hết tháng 2-2027. Ngay cả như vậy cũng không được áp dụng với các nội dung về quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân mà theo Hiến pháp phải do luật định; không áp dụng với việc hạn chế quyền con người, quyền công dân, với tội phạm và hình phạt, với tố tụng tư pháp và với các nội dung thuộc về nguyên tắc cơ bản về tổ chức bộ máy.
. Ngày 18-7, Chính phủ ban hành Nghị quyết 66.1/2025/NQ-CP có phải là thực hiện theo cơ chế đặc biệt này?
+ Đúng vậy. Nghị quyết 66.1 của Chính phủ quy định xử lý khó khăn, vướng mắc về việc lập mới, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch phân khu đối với khu vực hình thành đô thị khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Các nghị quyết của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ QH ban hành theo cơ chế đặc biệt được quy định trong Nghị quyết 206 của QH đều bắt đầu bằng số 66 - số của Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu mới phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
. Xin cảm ơn ông.
Sửa đổi Nghị quyết 27 về xây dựng nhà nước pháp quyền
Hội nghị Trung ương 12 (khai mạc ngày 18-7) đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số nghị quyết do BCH Trung ương ban hành, trong đó có Nghị quyết 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, được ban hành tháng 11-2022.
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 12 khóa XIII. Ảnh: CTV
Thông báo hội nghị cho biết BCH Trung ương đã đánh giá những kết quả tích cực đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 27. Tuy nhiên, Trung ương cũng nhìn thẳng vào sự thật là công tác xây dựng pháp luật vẫn còn tồn tại, hạn chế như tư duy xây dựng pháp luật trong một số lĩnh vực còn thiên về quản lý, hạn chế việc đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực, tạo động lực tăng trưởng mới...
Nhằm khắc phục những vấn đề nêu trên, BCH Trung ương thống nhất sửa đổi, bổ sung nội dung “tăng cường xây dựng các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp” tại Mục IV.3. Nghị quyết 27-NQ/TW.
Hướng sửa đổi, bổ sung là công tác xây dựng pháp luật phải chuyển mạnh từ tư duy “quản lý” sang tư duy “kiến tạo phát triển”; đề cao tính kịp thời, linh hoạt để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc về thể chế; phân định rõ ràng, hợp lý thẩm quyền lập pháp và lập quy, bảo đảm yêu cầu các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài.