Giải ngân vốn đầu tư công năm 2024: Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bài 1

Bài 1: Xoay xở cuối năm

Chuyển vốn

Đầu tháng 11/2024, HĐND tỉnh khóa XI tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 28 với chương trình diễn ra thông qua 5 nghị quyết thì trong đó đã có 2 nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 nguồn vốn xổ số kiến thiết; về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 nguồn vốn xổ số kiến thiết với tổng số vốn 341 tỷ đồng. Lý do cho sự điều chuyển trên xuất phát từ thực tế có các dự án chậm giải ngân hoặc không có khả năng giải ngân nên phải điều chỉnh giảm. Số vốn này được chuyển đến các chương trình khác có đủ điều kiện bố trí vốn xổ số kiến thiết và có khả năng giải ngân theo hướng điều chỉnh tăng để sử dụng hết vốn được giao theo quy định. Cụ thể ở đây là ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ đề án giao thông nông thôn; Phân bổ bổ sung danh mục và mức vốn cho chương trình chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ mua sắm thiết bị dạy học phục vụ chương trình đổi mới sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Kè sông Cái Phan Thiết. Ảnh: N. Lân.

Kè sông Cái Phan Thiết. Ảnh: N. Lân.

Trước đó, trong kỳ họp chuyên đề lần thứ 27 tổ chức vào khoảng giữa tháng 10/2024, HĐND tỉnh cũng đã thông qua các nghị quyết điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công tương tự. Đây là 2 ví dụ gần nhất cho thấy HĐND tỉnh đã phát huy thẩm quyền theo Khoản 3 Điều 83 của Luật Đầu tư quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp: “Quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của địa phương, bao gồm toàn bộ danh mục và mức vốn bố trí cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương” và cả điểm c khoản 7 Điều 67 Luật Đầu tư công quy định trong trường hợp: “Do thay đổi nhu cầu sử dụng hoặc khả năng triển khai thực hiện vốn kế hoạch hàng năm giữa các cơ quan, đơn vị của địa phương”.

Đồng thời qua đó cũng cho thấy năm 2024 này có lẽ là năm mà sự phối hợp trong hệ thống chính trị để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nổi bật hơn cả.Trước hết, bởi tình hình giải ngân vốn đầu tư công, vốn là vấn đề không dễ lâu nay nghiêng về nguyên nhân chủ quan, đã khó lên về khách quan trong năm nay, khi ràng buộc thêm nhiều quy định mới như phòng cháy chữa cháy, giá đất…Trong hoàn cảnh trên, những vướng mắc mà bên chính quyền phản ánh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nhóm họp nhiều lần và những lần không họp thì lấy ý kiến bằng văn bản để giải quyết và tháo gỡ từng tình huống. Rõ nhất là thông qua phát huy thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công để điều chuyển vốn linh hoạt mà những cuộc họp chuyên đề HĐND tỉnh tổ chức trong năm nay đã chứng minh điều đó. Qua đó, đã góp phần đẩy tỷ lệ giải ngân đầu tư công lên cao. Tính đến ngày 22/11, toàn tỉnh đã giải ngân đạt 60,14% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trường TH Phong Phú 1, Tuy Phong. Ảnh: N. Lân.

Trường TH Phong Phú 1, Tuy Phong. Ảnh: N. Lân.

“Điểm gút” giải phóng mặt bằng

Đáng chú ý, những dự án bị điều chỉnh giảm kế hoạch vốn trong kỳ họp chuyên đề 28 đều bị vướng đền bù giải tỏa và các lý do khác khiến không thể đảm bảo để giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm 2024. Cụ thể, dự án Làm mới đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết – Kê Gà, tỉnh Bình Thuận; dự án Trục ven biển ĐT.719B đoạn Hòn Lan - Tân Hải và dự án Chung cư sông Cà Ty, thành phố Phan Thiết. Không chỉ những dự án lớn trên, ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh có không ít những dự án, công trình bị vướng đền bù giải tỏa, trong khi năm nay là năm áp dụng Luật Đất đai 2024 mà kế hoạch ban đầu là cuối năm luật có hiệu lực, sau dời về ngày 1/8/2024. Vì vậy, không ít huyện đã đề nghị điều chuyển vốn đối với các dự án không triển khai thực hiện sang các dự án khởi công mới năm 2024 có nhu cầu sử dụng vốn… để bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 95%.

Ví dụ như huyện Bắc Bình đã đề nghị điều chuyển vốn các công trình trên địa bàn từ sau tháng 9. Như điều chuyển vốn công trình Hệ thống giao thông đô thị Lương Sơn: 10,4 tỷ đồng cho các công trình khác gồm: Đường giao thông Cây Mít đi Đá Trắng, xã Sông Lũy, huyện Bắc Bình; Nhà làm việc UBND xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình; Nâng cấp đường Phan Thanh đi Ngã Hai, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình; Mở rộng tuyến ống cấp nước xã Sông Bình: Thôn Sông Bằng - Đá Trắng, thôn Tân Hòa, thôn Láng Xéo, huyện Bắc Bình. Rồi điều chuyển vốn công trình Lát gạch vỉa hè các tuyến đường trung tâm thị trấn Chợ Lầu 1.155 triệu đồng cho: Dự án Sửa chữa Đài Tưởng niệm huyện Bắc Bình và Dự án Trường mầm non Hướng Dương, huyện Bắc Bình. Nhờ vậy, theo nhận định của lãnh đạo huyện Bắc Bình là đến 31/12/2024 tỷ lệ giải ngân của huyện sẽ đạt 85%, đến cuối tháng 1/2025 đạt 95% như đã cam kết.

Việc đền bù giải tỏa, lĩnh vực giải quyết thường chậm nhất, năm nay lại càng thêm chậm, vì chờ giá đất theo Luật Đất đai 2024. Luật này có hiệu lực cũng có nghĩa có cơ sở để UBND tỉnh ban hành chính sách bồi thường và hỗ trợ, bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tại Quyết định 43, ngày 22/10/2024. 6 ngày sau, ngày 28/10/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chỉ thị 42 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt 10 nội dung để thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ chỉ thị này, cấp huyện sẽ thành lập ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng để triển khai các công trình trên địa bàn. Đây là điều không mới, vì thời gian qua với những công trình trọng điểm, có quy mô lớn, cấp huyện cũng chọn thành lập ban chỉ đạo để triển khai như đầu tháng 1/2024, huyện Bắc Bình có quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện tiểu dự án giải phóng mặt bằng thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng hay Phan Thiết cũng đã thành lập ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng xây dựng kè Cà Ty. Qua đây cũng cho thấy sự bứt thiết của đầu tư công năm 2024, khi UBND tỉnh đưa nội dung giải phóng mặt bằng vào đánh giá cán bộ cuối năm.

Báo cáo của UBND tỉnh ngày 17/11/2024

Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan bổ sung tiêu chí giải phóng mặt bằng của dự án (trong đó chú ý chỉ tiêu số công trình được phê duyệt giá đất cụ thể để phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng) tập thể, cá nhân hàng năm và đề xuất hình thức khen thưởng, kỷ luật phù hợp đối với người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao về giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 (đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao đến ngày 31/1/2025).

BÍCH NGHỊ

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-nam-2024-su-vao-cuoc-cua-ca-he-thong-chinh-tri-bai-1-126091.html
Zalo