Giải ngân mức cao, Bộ GTVT nỗ lực đưa nhiều dự án cao tốc 'về đích' sớm

Một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có khả năng hoàn thành sớm hơn kế hoạch từ 3 - 6 tháng, thậm chí có thể là 8 tháng; Hai dự án cuối cùng trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã được khởi công, cụ thể hóa mục tiêu nối thông toàn tuyến vào năm 2025; Bộ GTVT tiếp tục là một trong số bộ, ngành có mức giải ngân vốn đầu tư công cao trong cả nước…

Toàn cảnh hội nghị của Bộ GTVT sáng nay - Ảnh: Tạ Hải.

Toàn cảnh hội nghị của Bộ GTVT sáng nay - Ảnh: Tạ Hải.

Tại Hội nghị đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ GTVT vào sáng 3/7, ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ GTVT cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, Bộ GTVT đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực.

6 tháng giải ngân 40% kế hoạch vốn

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt 25.500 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch vốn được giao. Bộ GTVT đã khởi công 7 dự án đường bộ, 1 dự án đường sắt, hoàn thành đưa vào khai thác 4 dự án, trong đó có 2 dự án đường bộ cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT là Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt.

Qua đó đã đưa vào khai thác toàn bộ 11 Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 giúp nối thông và rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Vinh và từ TP.HCM đến Nha Trang, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước lên hơn 2.000km. Các dự án lĩnh vực đường sắt, hàng không cơ bản bám sát tiến độ yêu cầu.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, Bộ GTVT đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng dịch vụ công của Bộ với 50/63 Cổng dịch vụ công các địa phương; cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung về đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa

Từ đầu năm đến nay, các trung tâm đăng kiểm cũng duy trì được trạng thái bình thường, không để xảy ra tình trạng ùn tắc.

Khẩn trương khởi công các trạm dừng nghỉ

Theo ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những tháng đầu năm, các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác đã cơ bản được giải quyết khi các Ban QLDA đã triển khai hệ thống trạm dừng nghỉ tạm, đáp ứng nhu cầu trước mắt của người dân lưu thông trên tuyến.

Đến nay, 5/8 trạm dừng nghỉ thuộc 4 dự án thành phần cao tốc gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, Cam Lâm-Vĩnh Hảo đã lựa chọn được nhà đầu tư. Cục đường cao tốc dự kiến, trong đầu tháng 7/2024, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành, tiến tới đàm phán, ký kết hợp đồng.

"Song song với việc đàm phán hợp đồng, các bên liên quan sẽ phối hợp với nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục liên quan bắt tay vào thực hiện công trình trạm dừng nghỉ theo tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng". Đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ triển khai giải phóng mặt bằng, đảm bảo các công trình thiết yếu của trạm dừng nghỉ sớm có mặt bằng xây dựng", ông Lâm Văn Hoàng nói.

Đối với các trạm dừng nghỉ còn lại trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Cục Đường cao tốc đang phối hợp các bên liên quan hoàn thiện các thủ tục, phát hành hồ sơ mời thầu, bảo đảm khi tuyến cao tốc hoàn thành, các trạm dừng nghỉ sẽ được đưa vào khai thác.

Thống nhất giải pháp xử lý 8 trạm BOT vướng mắc

Nói về đề án xử lý khó khăn, vướng mắc các dự án BOT giao thông, ông Lâm Văn Hoàng cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, trong tháng 7/2024, Cục Đường cao tốc Việt Nam sẽ làm việc với 3 địa phương để hoàn thiện báo cáo đối với 3 dự án BOT.

Đồng thời, Cục Đường cao tốc cũng sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT đàm phán với các nhà đầu tư, các ngân hàng để thống nhất giải pháp và xác định mức chia sẻ của các bên đối với 8 dự án do bộ quản lý.

Trên cơ sở đó, Cục Đường cao tốc Việt Nam tổng hợp, hoàn chỉnh đề án, báo cáo Ban Cán sự đảng Bộ GTVT thông qua trước khi trình Thường trực Chính phủ ngay đầu tháng 8/2024, phấn đấu trình Bộ Chính trị cho chủ trương để kịp trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (khai mạc tháng 10/2024).

Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị các ban quản lý dự án trước đây được giao làm chủ đầu tư cử lãnh đạo và chuyên viên phụ trách dự án, phối hợp chặt chẽ với cục trong quá trình đàm phán hoàn thiện giải pháp xử lý và hoàn thiện đề án; các cục, vụ thuộc bộ phối hợp, hỗ trợ Cục Đường cao tốc Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện.

Tăng cường phối hợp với địa phương trong thi công đường cao tốc

Đánh giá các dự án đường cao tốc thường đi qua nhiều tỉnh, thành, việc phân cấp cho các địa phương làm Cơ quan chủ quản theo địa bàn, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị các địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với đơn vị được giao làm đầu mối về các yêu cầu kỹ thuật, định mức, đơn giá…và các thủ tục liên quan để đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai.

"Thời gian qua, việc phối hợp giữa các địa phương trong công tác điều phối nguồn vật liệu xây dựng còn chưa tốt. Do đó, đề nghị các địa phương cần chủ động phối hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguồn vật liệu xây dựng; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước để chỉ đạo các bộ, ngành cùng hỗ trợ giải quyết theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra thực tế các dự án đường cao tốc đang triển khai, một số chủ đầu tư của địa phương có bộ máy quản lý dự án còn mỏng, năng lực chưa đồng đều. Đề nghị các địa phương cần tăng cường, kiện toàn bộ máy để nâng cao năng lực công tác quản lý dự án," ông Hoàng nói.

Với các dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT để đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; đồng thời chủ động xây dựng hồ sơ mời thầu, dự thảo hợp đồng để ngay sau khi phê duyệt dự án có thể triển khai ngay công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, đáp ứng tiến độ khởi công các dự án theo yêu cầu.

Đối với các dự án có nhiều đơn vị tư vấn, Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị chủ đầu tư giao một đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm làm nhiệm vụ tổng thể, có trách nhiệm chính để kiểm soát sự phù hợp, thống nhất chung về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến khảo sát, thiết kế cho toàn bộ dự án.

Thứ trưởng Bộ GTVT Vận tải Nguyễn Danh Huy nhìn nhận: Bộ trưởng Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo và yêu cầu các chủ đầu tư phải đảm bảo khi cao tốc về đích phải hoàn thành đồng bộ tất cả các hạng mục liên quan: trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh (ITS), hệ thống thu phí không dừng (ETC)…

"Riêng công trình trạm dừng nghỉ, các Ban QLDA phải rà soát xem mặt bằng hiện nay còn vướng mắc ở đâu. Tuyệt đối không để tình trạng người dân mong ngóng, nhà đầu tư đã lựa chọn, vốn đã có nhưng không có mặt bằng triển khai", Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.

Một số dự án cao tốc hoàn thành sớm hơn kế hoạch 8 tháng

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá, 6 tháng đầu năm, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các cơ quan, đơn vị trong ngành GTVT đã đoàn kết cố gắng bám sát nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Nhiều khó khăn, vướng mắc kéo dài được xử lý, đặc biệt là việc tháo gỡ thủ tục khai thác cát biển; Một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có khả năng hoàn thành sớm hơn kế hoạch từ 3 - 6 tháng, thậm chí có thể là 8 tháng; Hai dự án cuối cùng trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã được khởi công, cụ thể hóa mục tiêu nối thông toàn tuyến vào năm 2025; Bộ GTVT tiếp tục là một trong số bộ, ngành có mức giải ngân vốn đầu tư công cao trong cả nước…

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có nhiều đột phá. Trong đó, Luật Đường bộ đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giảm thiểu thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Xác định 6 tháng cuối năm, nhiệm vụ của ngành GTVT còn rất lớn, người đứng đầu Bộ GTVT yêu cầu Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự ATGT đường bộ, đặc biệt là Nghị định thanh toán điện tử giao thông đường bộ, Nghị định thu phí sử dụng đường cao tốc, Nghị định thu phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện, hoàn thành trình trước ngày 15/8/2024.

"Việc xây dựng nghị định, thông tư phải bảo đảm có thể triển khai ngay khi Luật có hiệu lực. Cần nhanh chóng triển khai các bước theo quy trình để thực hiện phân cấp quản lý quốc lộ cho các tỉnh, thành ngay sau khi Luật Đường bộ có hiệu lực", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo baochinhphu.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/giai-ngan-muc-cao-bo-gtvt-no-luc-dua-nhieu-du-an-cao-toc-ve-dich-som-5013718.html
Zalo