Giải ngân 100% vốn đầu tư công - không có chỗ cho sự chần chừ, né tránh

Dù thể chế đã có những cải cách mạnh mẽ, tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng, kéo theo nguy cơ ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng. Những vướng mắc trong tổ chức thực hiện, sự phối hợp giữa các cấp, nhất là ở các địa phương sau sắp xếp đơn vị hành chính, đang được nhận diện rõ hơn để có giải pháp tháo gỡ đồng bộ, từ trung ương đến cơ sở.

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: PHƯƠNG ANH

Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: PHƯƠNG ANH

Thể chế cải cách mạnh, phân quyền rõ ràng hơn

Một trong những điểm sáng trong công tác đầu tư công thời gian qua là việc cải cách thể chế được thực hiện quyết liệt, có chiều sâu. Trong tháng 6/2025, Chính phủ đã ban hành đồng loạt 28 nghị định về phân cấp, phân quyền trong tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đây là cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn trong triển khai đầu tư công, đặc biệt là ở những nơi vừa sắp xếp đơn vị hành chính.

Giải ngân cùng kỳ năm 2025 cao hơn cả về tỷ lệ và giá trị tuyệt đối

Trong 6 tháng đầu năm, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước là 264.800 tỷ đồng, đạt 32,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2024 giải ngân 188.400 tỷ đồng, đạt 28,2%. Như vậy, tính cả tỷ lệ giải ngân và giá trị tuyệt đối, giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đều cao hơn cùng kỳ năm 2024. Về giá trị tuyệt đối, giải ngân nhiều hơn khoảng 76.400 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ Tài chính đã tham mưu sửa đổi hàng loạt luật liên quan đến đầu tư công như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Theo đó, các bộ, địa phương được phân quyền quyết định phân bổ chi tiết vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư trong hạn mức cho phép, chủ động giải phóng mặt bằng và tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, cơ chế xử lý các dự án đặc biệt, các dự án khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng được bổ sung, cho phép phê duyệt nhanh, đảm bảo nguồn lực triển khai. Công tác quản lý đầu tư công chuyển sang áp dụng hệ thống công nghệ thông tin và hậu kiểm, thay vì kiểm tra chồng chéo trong quá trình triển khai.

Khơi thông dòng vốn, hướng về dự án trọng điểm

Ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ đã xác định đầu tư công là “đòn bẩy” để giữ đà phục hồi kinh tế. Tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8/1/2025, Chính phủ yêu cầu: “Có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm…”.

Thủ tướng Chính phủ đã có hàng loạt chỉ thị, công điện và trực tiếp kiểm tra hiện trường để tháo gỡ điểm nghẽn. Các Phó Thủ tướng và Tổ công tác đặc biệt cũng đã làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương để giải đáp kiến nghị, hướng dẫn xử lý các khó khăn thực tế.

Nhờ đó, vốn đầu tư công được phân bổ có trọng tâm, tập trung vào các dự án đường cao tốc, liên vùng, trọng điểm quốc gia. Tính đến nay, đã có 16 tuyến cao tốc mới được hoàn thành, nâng tổng chiều dài lên 2.268 km. Đồng thời, tuyến đường kết nối và nhà ga T3 Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác, cùng với đó là 52 dự án trọng điểm khác đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vẫn chưa đạt kỳ vọng. Bộ Tài chính cho biết, theo phản ánh từ các địa phương, còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ như: chậm giải phóng mặt bằng do thiếu cơ sở dữ liệu đất đai, chính sách đền bù chưa hợp lý, thiếu quỹ tái định cư; quy hoạch chồng chéo... Giai đoạn thi công gặp khó về giá vật liệu, cấp phép khai thác, năng lực nhà thầu yếu...

Không thể để vốn đọng vì lý do chủ quan

Dòng vốn đầu tư công không chỉ là “mạch máu” cho tăng trưởng mà còn là công cụ để dẫn dắt đầu tư tư nhân. Nếu khơi thông được vốn đầu tư công thì sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tới nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, giao thông, vật liệu, logistics… Ngược lại, nếu tiếp tục để vốn đọng vì chờ giải phóng mặt bằng, do yếu kém năng lực của chủ đầu tư hay rối rắm trong thủ tục… thì mọi cải cách từ trung ương đều có thể bị “chặn lại” từ cơ sở.

Để đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, kiên quyết không để vốn đầu tư công bị “đọng” vì nguyên nhân chủ quan.

Trước hết, các bộ, ngành, địa phương phải xác định rõ trách nhiệm, coi chỉ tiêu giải ngân là thước đo đánh giá kết quả công việc. Cần giao chỉ tiêu giải ngân cụ thể từng tháng đến từng chủ đầu tư, chủ động rà soát tiến độ từng dự án, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng và thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định.

Đặc biệt trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính, cần giữ vững tính liên tục, tránh tình trạng “đứt gãy” trong quản lý vốn. Các địa phương phải khẩn trương rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn và hồ sơ pháp lý liên quan do thay đổi địa giới hành chính; bố trí đủ cán bộ để không làm gián đoạn hoạt động triển khai dự án.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra hiện trường, giám sát tiến độ, đôn đốc nhà thầu, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân trì trệ, né tránh, gây cản trở giải ngân vốn đầu tư công. Trường hợp dự án không giải ngân kịp, cần linh hoạt điều chuyển vốn sang dự án có khả năng thực hiện tốt hơn trong nội bộ bộ, ngành hoặc địa phương.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cần được tháo gỡ dứt điểm. Việc bố trí vốn phải theo nguyên tắc “có mặt bằng thì mới xây lắp”, tránh tình trạng dự án phải “chờ đất”.

Giải quyết các vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng và kiểm soát giá cả cũng là yêu cầu cấp thiết. Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương cập nhật giá vật liệu xây dựng kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tạo khan hiếm giả, nâng giá trái quy định.

Cùng với đó, cần thúc đẩy cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục đầu tư công, tăng cường hậu kiểm và đào tạo cán bộ. Kiên quyết thay thế những cán bộ yếu kém, né tránh trách nhiệm; đồng thời bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Thông điệp rõ ràng được nhấn mạnh là không chấp nhận bất kỳ lý do chủ quan nào khiến vốn đầu tư công chậm giải ngân. Đây là trách nhiệm chính trị, là mệnh lệnh từ thực tiễn, không thể trì hoãn nếu muốn đạt mục tiêu phát triển trong năm bản lề 2025.

Triển khai đồng loạt nhiệm vụ cho các bộ, ngành, để giải ngân nhanh vốn đầu tư công

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và tiến tới 2 con số vào các năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, đảm bảo bố trí vốn tập trung, trọng tâm, trọng điểm, kiên quyết không dàn trải, manh mún, bảo đảm tổng số dự án nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 không quá 3.000 dự án.

Giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xử lý các vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2024 liên quan tới công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng danh mục các nhiệm vụ, dự án khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số..., ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước theo mục tiêu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị (3% tổng chi ngân sách 2025), bảo đảm hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, tổng hợp, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án quan trọng, các công trình lớn đủ điều kiện theo quy định, dự kiến khởi công, khánh thành để chào mừng kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/giai-ngan-100-von-dau-tu-cong-khong-co-cho-cho-su-chan-chu-ne-tranh-179926.html
Zalo