Giải mã vai trò công tắc nhiên liệu trong thảm kịch của Air India

Dù được thiết kế để tránh vô tình kích hoạt, cả hai công tắc nhiên liệu vẫn bị gạt tắt chỉ một giây sau cất cánh và đây có thể là thao tác then chốt khiến máy bay Air India lao xuống đất.

 Báo cáo sơ bộ về tai nạn máy bay Air India cho biết 2 công tắc nhiên liệu bị chuyển sang chế độ ngắt chỉ một giây sau cất cánh. Ảnh: Reuters.

Báo cáo sơ bộ về tai nạn máy bay Air India cho biết 2 công tắc nhiên liệu bị chuyển sang chế độ ngắt chỉ một giây sau cất cánh. Ảnh: Reuters.

Báo cáo sơ bộ về vụ tai nạn khiến 260 người thiệt mạng của Air India cho thấy, chỉ vài giây sau khi cất cánh, hai công tắc điều khiển nhiên liệu của động cơ chiếc Boeing 787 đã bị chuyển sang chế độ “ngắt” trong chốc lát, khiến nhiên liệu bị cắt và động cơ mất lực đẩy.

Đây có thể là thao tác bước ngoặt dẫn đến cú rơi định mệnh và đang trở thành tâm điểm của cuộc điều tra, theo Reuters.

Trên máy bay thương mại, công tắc nhiên liệu có nhiệm vụ điều tiết dòng nhiên liệu dẫn vào động cơ. Chúng được sử dụng để khởi động hoặc tắt động cơ khi máy bay ở mặt đất, hoặc để ngắt - tái khởi động động cơ trong tình huống khẩn cấp khi đang bay.

Theo các chuyên gia hàng không, công tắc nhiên liệu không thể bị kích hoạt một cách vô tình. Để chuyển từ chế độ hoạt động (RUN) sang chế độ ngắt (CUTOFF), phi công phải kéo công tắc lên và sau đó mới có thể đẩy sang vị trí mới. Điều này đảm bảo rằng bất kỳ thay đổi nào đều là hành động có chủ đích.

John Cox, chuyên gia an toàn hàng không Mỹ, cho biết thêm rằng hệ thống điện và dây dẫn điều khiển công tắc nhiên liệu hoàn toàn độc lập với hệ thống điều khiển các van dẫn nhiên liệu, giúp tăng cường tính an toàn.

 Vị trí các công tắc điều khiển nhiên liệu trên máy bay Boeing 787. Đồ họa: Seattle Times - Việt hóa: Phương Linh.

Vị trí các công tắc điều khiển nhiên liệu trên máy bay Boeing 787. Đồ họa: Seattle Times - Việt hóa: Phương Linh.

Trên máy bay Boeing 787, như trong trường hợp của Air India với hai động cơ do General Electric (GE) sản xuất, công tắc điều khiển nhiên liệu nằm bên dưới các cần đẩy lực (thrust lever).

Công tắc được thiết kế có lò xo giữ chặt vị trí, ngăn việc tự động chuyển trạng thái. Để thay đổi từ “RUN” sang “CUTOFF” hoặc ngược lại, phi công phải kéo công tắc lên và gạt tay - thao tác gồm hai bước rõ ràng, không thể vô thức thực hiện.

Khi công tắc đang ở chế độ “RUN”, nhiên liệu sẽ được cấp liên tục cho động cơ. Ngược lại, khi ở vị trí “CUTOFF”, nhiên liệu bị ngắt, khiến động cơ ngừng hoạt động gần như ngay lập tức.

Theo dữ liệu từ hộp đen, chỉ vài giây sau khi cất cánh, hai công tắc nhiên liệu lần lượt bị gạt từ “RUN” sang “CUTOFF”, cách nhau đúng một giây. Ngay lập tức, động cơ bắt đầu mất lực đẩy.

Đoạn ghi âm từ buồng lái cho thấy một phi công hỏi: “Tại sao lại ngắt nhiên liệu?”, và người còn lại đáp: “Tôi không làm vậy”. Tuy nhiên, báo cáo không xác định cơ trưởng hay cơ phó là người nói.

Chỉ vài giây sau, cả hai công tắc lại được đưa trở lại trạng thái “RUN”. Sau khi máy bay rơi, các mảnh vỡ được tìm thấy cho thấy công tắc đang ở vị trí hoạt động.

Theo cơ chế kỹ thuật của Boeing 787, khi công tắc được đưa từ “CUTOFF” sang “RUN” trong lúc bay, hệ thống điều khiển động cơ sẽ tự động thực hiện chuỗi tái khởi động: đánh lửa, cung cấp nhiên liệu và phục hồi lực đẩy.

Tuy vậy, toàn bộ quá trình cần vài giây để hoàn tất. Trong trường hợp của Air India, thời gian đó không đủ để cứu chiếc máy bay.

“Không một phi công nào tỉnh táo lại đi ngắt công tắc nhiên liệu khi máy bay vừa rời khỏi đường băng. Đó là hành động không thể lý giải bằng quy trình thông thường”, chuyên gia hàng không Mỹ John Nance nhận định.

Khoảnh khắc máy bay Air India rơi ở Ahmedabad Đoạn video từ camera an ninh ghi lại khoảnh khắc chiếc máy bay chở hơn 240 hành khách của hãng Air India rơi xuống ngay sau khi cất cánh tại Ahmedabad (Ấn Độ) vào 12/6.

Phương Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/giai-ma-vai-tro-cong-tac-nhien-lieu-trong-tham-kich-cua-air-india-post1567974.html
Zalo