Giải mã hiện tượng thường xuyên 'bật dậy lúc 4h sáng'
Nhiều người giật mình tỉnh dậy lúc 4h sáng và trăn trở tìm nguyên nhân, từ rối loạn giấc ngủ, hormone đến những lý giải tâm linh như 'giờ phù thủy' hay thiên thần hộ mệnh.

Nhiều người thường hay thức giấc lúc 4h sáng. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn/Pexels.
Mỗi đêm, Charlotte Cripps đều giật mình tỉnh dậy đúng 4h sáng. Cô thử bịt mắt, uống điện giải có magie, áp dụng kỹ thuật thư giãn, nhưng tất cả đều vô ích, theo Independent.
Trong những giờ đêm tĩnh mịch, khi gõ tìm nguyên nhân trên mạng, Cripps bắt gặp những lời giải thích kỳ lạ: từ “giờ phù thủy”, du hành linh hồn cho tới luân xa bị tắc nghẽn. Vậy thực sự điều gì khiến nhiều người tỉnh giấc vào cùng một thời điểm như vậy?
Giờ tâm linh hay dấu hiệu cơ thể?
Theo nghiên cứu năm 2021 về rối loạn giấc ngủ, 40% người trưởng thành từng thức dậy quá sớm và khó ngủ lại. Nguyên nhân phổ biến là mất ngủ, tuổi tác, căng thẳng, thuốc men, chế độ ăn uống hay bệnh lý.
Nhưng trong văn hóa dân gian phương Tây, khung giờ từ nửa đêm đến 4h sáng, còn gọi là "giờ phù thủy", được tin là lúc ranh giới giữa người sống và thế giới tâm linh mỏng manh nhất, dễ giao tiếp với linh hồn. Một số người tin rằng thức dậy vào giờ này có thể là "lời nhắn" từ thiên thần hộ mệnh hoặc dấu hiệu linh hồn vừa trở về sau chuyến "du hành".
Trong khi đó, Đông y cho rằng việc thức vào cùng một khung giờ không phải ngẫu nhiên.
Chuyên gia châm cứu Ross Barr, từng trị liệu cho Hoàng tử Harry và Meghan Markle, giải thích: "Đồng hồ sinh học trong Đông y gắn mỗi khoảng 3 giờ đêm với một cơ quan. 1h-3h sáng là gan, thường liên quan stress, nóng trong hoặc rượu. 3h-5h sáng là phổi, gắn với cảm xúc buồn đau hoặc bệnh hô hấp".

Khung giờ từ nửa đêm đến 4h sáng, còn gọi là "giờ phù thủy". Ảnh: Adobe Stock.
Một số chuyên gia năng lượng tin rằng luân xa (trung tâm của năng lượng tâm linh hay/và sinh lý ẩn trong cơ thể con người) cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Padna Coram, chuyên gia tại London (Anh), cho biết 4h sáng là lúc luân xa cổ họng và tim hoạt động mạnh. Nếu năng lượng dọc cột sống bị tắc, cơ thể sẽ "đánh thức" bạn để cảnh báo.
"Có thể bạn đang kìm nén cảm xúc hoặc nỗi buồn chưa nói ra. Việc đối diện và bộc lộ giúp tâm trí và cơ thể cân bằng hơn", bà nói.
Ở Ấn Độ, khoảng trước bình minh, Brahma Muhurta, được xem là “giờ vàng” để thiền và kết nối với bản thân. Rajmata Sangita Devi, người sáng lập khu nghỉ dưỡng Kathiwada Raaj Mahal, cho rằng thức dậy lúc này không phải xấu. "Đây là lúc tâm trí tĩnh lặng, rất tốt cho thiền và tìm sự rõ ràng bên trong”, bà khuyên.
Góc nhìn khoa học
Các chuyên gia giấc ngủ khẳng định việc thức giấc vào 4h sáng là hiện tượng bình thường.
Tiến sĩ Guy Meadows, nhà sáng lập The Sleep School, giải thích: "Đây là thời điểm cơ thể tự chuẩn bị để thức dậy. Nhiệt độ cơ thể tăng, hormone cortisol bắt đầu tiết ra, trong khi adenosine, chất gây buồn ngủ, giảm xuống mức thấp nhất. Chỉ cần một tác động nhỏ, bạn sẽ tỉnh hẳn".
Adenosine là hợp chất tích tụ trong não suốt cả ngày để tạo cảm giác buồn ngủ, nhưng đến rạng sáng, nó gần như cạn kiệt. Vì vậy, chỉ một thay đổi nhỏ trong môi trường như tiếng động, ánh sáng hoặc căng thẳng cũng có thể khiến bạn thức hẳn và khó ngủ lại.

Gần sáng, hợp chất adenosine dần giảm xuống đến mức thấp nhất. Ảnh: The New York Times.
Điều quan trọng là cách chúng ta phản ứng. "Nếu lo lắng, nhìn đồng hồ hay cố ép ngủ lại, não sẽ ghi nhớ thói quen này và lần sau bạn sẽ lại thức vào giờ đó", Meadows cảnh báo.
Tiến sĩ Allie Hare, Chủ tịch Hội Giấc ngủ Anh, cho rằng không có bằng chứng khoa học nào liên quan giữa 4h sáng với "luân xa" hay "thế giới tâm linh". Đơn giản là lúc này bạn gần đủ giấc ngủ, nên khó quay lại trạng thái ngủ sâu.
Giáo sư Russell Foster, chuyên gia về nhịp sinh học tại Đại học Oxford, cho biết giấc ngủ chia thành các chu kỳ non-REM và REM, mỗi chu kỳ kéo dài 70-90 phút.
Sau mỗi giai đoạn REM, thời điểm não hoạt động mạnh và dễ tỉnh giấc, cơ thể sẽ chuyển lại non-REM và tiếp tục vòng lặp. "Vì chu kỳ khá đều đặn, việc thức dậy ở cùng một giờ qua nhiều đêm là điều dễ hiểu", ông nói.