'Giải mã' đau đầu theo quan niệm của Y học cổ truyền

Đau đầu là tình trạng bệnh lý phổ biến rất hay gặp trong đời sống hàng ngày và có thể gặp phải ở bất kỳ đối tượng nào. Tình trạng này nếu xảy ra thường xuyên có thể khiến người bệnh mệt mỏi và khó tập trung gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như cuộc sống.

Rất nhiều người thắc mắc vậy theo Y học cổ truyền đau đầu là một bệnh như thế nào? Chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống, BS Trần Hải Long, chuyên khoa Y học cổ truyền, Học viện Y Dược cổ truyền cho biết: Theo y học cổ truyền, đầu là nơi hội tụ của các đường kinh dương, qua đó huyết tinh hoa của ngũ tạng, khí thanh dương của lục phủ đều hội tụ ở đầu.

Bệnh đau đầu thuộc phạm trù "đầu thống" của y học cổ truyền và được chia thành 2 loại là đau đầu do ngoại cảm và đau đầu do nội thương.

Ngoại cảm gây đau đầu thường do lục dâm tác động vào đầu, trong đó phong tà giữ vai trò chủ đạo và kết hợp với hàn, nhiệt, thấp.

Hàn làm tắc kinh mạch, nhiệt làm náo loạn thanh không (khí huyết nghịch loạn), thấp che thanh khiếu, thanh dương, không thăng lên đầu được.

Nội thương gây đau đầu thường do khí hư, khí huyết trệ, huyết ứ làm mạch lạc không được nuôi dưỡng, hoặc thận thủy bất túc, can, dương thượng thăng, tình chí bất hòa, khí uất hóa hỏa làm thanh khiếu bị nhiễu loạn hoặc đờm ẩm thực tích.

Vị trí đau đầu có thể bên phải, đau bên trái, đau chính giữa đỉnh đầu hoặc đau mắt mờ tối, tim đau nóng phiền... Nếu đau nặng thì trong não đau nhói trong tim phiền loạn.

Cơ chế sinh bệnh của đau đầu là ngoại cảm hay nội thương đều làm cho mạch lạc mất điều hòa, khí huyết bị trở ngại.

Về điều trị tuy chỉ phát một chứng đau nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra nên phải căn cứ vào nguyên nhân và chứng trạng mà có cách điều trị khác nhau.

Cũng theo bác sĩ Hải Long đau đầu do nhiều nguyên nhân gây ra như: ngoại tà (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) hoặc nội nhân (căng thẳng, thất tình).

Để hiểu rõ hơn quan niệm đau đầu theo Y học cổ truyền, mời quý vị và các bạn đón xem video dưới đây:

Minh Diễm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/giai-ma-dau-dau-theo-quan-niem-cua-y-hoc-co-truyen-169241125202146381.htm
Zalo