'Giải cứu' học sinh
Những nền giáo dục nổi tiếng với các kỳ thi khắc nghiệt từ Trung Quốc, Hàn Quốc đến Nhật Bản đang từng bước thay đổi.

Học sinh Trung Quốc ôn luyện cho kỳ thi tuyển sinh đại học.
Cải cách gần đây cho thấy nỗ lực nhằm giảm tải áp lực thi cử, hướng tới nền giáo dục toàn diện hơn.
Cải cách gaokao
Là một trong những kỳ thi có quy mô lớn nhất thế giới, gaokao từ lâu được xem là “cánh cửa duy nhất” để người Trung Quốc đạt được thành công. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự phát triển nhanh của xã hội và nền kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đã cải cách kỳ thi để phù hợp với bối cảnh mới.
Từ năm 2024, đề thi đại học Hàn Quốc đã bỏ những câu hỏi “hóc búa”. Đây là những câu điểm khó thường để phân loại học sinh giỏi và khá nhưng để làm những câu này, học sinh thường phải đi học thêm. Với việc loại bỏ những câu này, Bộ Giáo dục khẳng định vẫn có thể phân loại thí sinh nhưng không bắt các em phải học ngoài.
Từ năm 2003, gaokao gồm ba môn bắt buộc là Tiếng Trung, Toán, Tiếng Anh và một bài thi tổ hợp (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội) phụ thuộc vào chuyên ngành mà thí sinh lựa chọn. Trong đó, Khoa học tự nhiên gồm Hóa học, Vật lí, Sinh học còn Khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lí, Chính trị. Như vậy, thí sinh phải học toàn bộ và thi các môn tự nhiên hoặc xã hội. Điều này tạo ra áp lực học tập rất lớn và khắc nghiệt.
Tuy nhiên, từ năm 2021, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng mô hình thi mới, thử nghiệm từ 8 tỉnh, thành phố gồm: Hà Bắc, Liêu Ninh, Giang Tô, Phúc Kiến, Hồ Bắc, Hồ Nam, Quảng Đông và Trùng Khánh. Mô hình mới “3 - 1 - 2” đã được áp dụng rộng rãi trên toàn quốc.
Theo đó, thí sinh bắt buộc thi ba môn gồm Toán, Tiếng Trung và Tiếng Anh; một bài thi tự chọn (Vật lí hoặc Lịch sử) và 2 bài thi tự chọn trong 4 môn Chính trị, Địa lí, Hóa học, Sinh học. Các môn tự chọn tùy theo sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của thí sính.
Mô hình này được các chuyên gia giáo dục đánh giá là linh hoạt hơn, giúp học sinh phát huy điểm mạnh cá nhân, tránh học lệch và giảm căng thẳng không cần thiết. Bên cạnh đó, Chiết Giang và Thượng Hải bắt đầu thí điểm cơ chế đánh giá nhiều lần, nghĩa là cho phép học sinh thi lại một số môn nếu kết quả chưa đạt. Sự điều chỉnh này phá vỡ tư duy “một lần thi quyết định cả đời” vốn ăn sâu trong tâm trí nhiều thế hệ học sinh Trung Quốc.
Không chỉ dừng ở kỹ thuật thi cử, một số trường đại học hàng đầu như Thanh Hoa, Phúc Đán còn áp dụng phương thức tuyển sinh kết hợp giữa điểm thi gaokao và phỏng vấn trực tiếp, bài luận cá nhân, thành tích ngoại khóa. Điều này cho thấy một chuyển hướng rõ ràng từ đánh giá thuần kiến thức sang năng lực tổng hợp, phản ánh triết lý mới của giáo dục Trung Quốc. Đó là không chỉ đào tạo “học sinh giỏi”, mà còn cần “con người toàn diện”.

Thí sinh Hàn Quốc tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia.
Không phải giỏi tất cả
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có hệ thống giáo dục hiệu quả nhưng đầy áp lực. Kéo theo đó, tỷ lệ học sinh tự tử tại nước này cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong đó, thi cử được xác định là nguyên nhân chính. Trước thực trạng đó, Chính phủ Hàn Quốc đã từng bước cải tổ kỳ thi tuyển sinh đại học, còn gọi là Suneung, để giảm áp lực và hướng tới sự cân bằng giữa học tập và đời sống tinh thần.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã công bố kế hoạch cải cách Suneung, dự kiến triển khai vào năm 2028 với mục tiêu giảm bất công trong cách thức đánh giá, hạn chế sự phụ thuộc vào giáo dục tư nhân và tạo điều kiện phát triển năng lực cá nhân của học sinh.
Theo quy định hiện nay, thí sinh tham dự Suneung sẽ được cho điểm từ 1 đến 9 với mỗi môn chính gồm Tiếng Hàn, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử và các môn phụ gồm Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Học nghề hoặc Ngoại ngữ 2.
Từ năm 2028, các môn học sẽ được gom lại thành 5 môn thi chính gồm Tiếng Hàn, Toán học, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên và Khám phá nghề nghiệp. Cách làm này không chỉ tạo điều kiện cho học sinh học theo sở thích và năng lực, mà còn góp phần giảm bớt tâm lý “phải giỏi tất cả”, nguyên nhân chính gây căng thẳng trước kỳ thi.
Bên cạnh đó, từ năm 2026, Bộ Giáo dục Hàn Quốc sẽ công bố đề tham khảo theo chương trình mới để học sinh có thời gian làm quen. 50% câu hỏi trong đề chọn từ nội dung bài giảng trên EBS - kênh truyền hình giáo dục công lập, nhằm giảm nhu cầu học thêm tư nhân và khuyến khích thí sinh tự học.
Ngoài ra, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra quy định giới hạn thời gian hoạt động của các hagwon - trung tâm luyện thi ngoài công lập, chỉ cho phép mở cửa đến 10 giờ tối. Dù còn gây tranh cãi, chính sách này bước đầu giúp học sinh có thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, yếu tố then chốt để phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.
Đáng chú ý, các trường đại học Hàn Quốc cũng được khuyến khích tuyển sinh theo phương thức đa dạng, bao gồm đánh giá hồ sơ học tập, bài luận, hoạt động xã hội và phỏng vấn. Những thí sinh có thành tích nổi bật ở lĩnh vực nghệ thuật, thể thao hoặc khoa học được xem xét ưu tiên, tạo ra một môi trường giáo dục công bằng và nhân văn hơn.

Thí sinh ăn mừng hoàn thành kỳ thi gaokao 2025.
Chuyển từ kiểm tra sang đánh giá năng lực
Nếu như Trung Quốc và Hàn Quốc tập trung điều chỉnh cấu trúc kỳ thi, thì Nhật Bản lựa chọn hướng đi khác là chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực tư duy và khả năng học tập suốt đời. Thay vì duy trì kỳ thi trung tâm quốc gia (Center Test) vốn bị cho là thiên về học thuộc lòng, từ năm 2021 Nhật Bản đã triển khai Kỳ thi Đánh giá năng lực chung (Daigaku Nyushi Kentei).
Điểm nổi bật của kỳ thi mới là tăng cường các câu hỏi mở và bài viết luận. Cách ra đề này khiến học sinh phải vận dụng kiến thức liên môn, trình bày logic và thể hiện quan điểm cá nhân, những năng lực cần thiết trong thế kỷ 21. Đồng thời, kết quả học tập ba năm THPT, thái độ học tập và hoạt động ngoại khóa cũng được các trường đại học xem xét trong quy trình xét tuyển.
Ngoài kỳ thi, Nhật Bản còn thực hiện hàng loạt cải cách trong dạy học. Nhiều trường chuyển sang mô hình lớp học ngược (flipped classroom), học theo dự án, dạy tích hợp kỹ năng sống và tư duy sáng tạo. Các trung tâm luyện thi ngày càng mất vai trò khi học sinh được khuyến khích học chủ động, sáng tạo và đa chiều.
Các học giả đánh giá Nhật Bản hướng đến xây dựng một nền giáo dục không phải để “chọn lọc người giỏi nhất”, mà để “phát triển tối đa tiềm năng mỗi người học”. Đây là bước đi có tính triết lý sâu sắc, phản ánh tầm nhìn dài hạn của quốc gia này đối với tương lai thế hệ trẻ.

Thí sinh tham gia thi đại học tại Nhật Bản.
Hy vọng mới từ cải cách
Những cải cách nói trên đang bắt đầu cho thấy hiệu quả tích cực trong thực tế. Một học sinh lớp 12 tại Thượng Hải, Trung Quốc, chia sẻ: “Trước đây em rất sợ thi gaokao vì học lệch. Từ khi được chọn môn thi, em thấy mình có cơ hội thể hiện tốt hơn và bớt lo sợ”. Trong khi đó, một phụ huynh sống tại Seoul, Hàn Quốc, cho biết: “Con tôi từng bị mất ngủ vì áp lực luyện thi. Nhưng sau khi trường tăng cường tư vấn tâm lý và hoạt động thể chất, cháu đã bình tĩnh hơn, tự tin hơn rất nhiều”.
Tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại rằng những cải cách này có thể tạo ra sự bất bình đẳng mới khi các gia đình giàu có vẫn có lợi thế trong tiếp cận các hình thức tuyển sinh linh hoạt. Thực tế cho thấy, ngay sau khi Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố cải cách, các trung tâm dạy thêm bắt đầu quảng cáo khóa học theo chương trình mới. Thậm chí, nhiều trung tâm “nói nhỏ” với phụ huynh rằng họ đã có mẫu đề thi tham khảo để thu hút đông học sinh đăng ký.
Còn tại Trung Quốc, nhiều phụ huynh đăng ký cho con học Tiếng Anh hoặc các chương trình quốc tế từ nhỏ để chuẩn bị lộ trình du học. Họ muốn “tránh” con phải tham gia kỳ thi đại học khốc liệt nhưng vẫn có phương án học tập tốt.
Những lựa chọn này cho thấy những khoảng cách giàu - nghèo sâu rộng trong hệ thống giáo dục. Nó đồng thời phản ánh tư tưởng đã “ăn sâu” trong tâm trí của một bộ phận lớn là học tập là con đường duy nhất để thành công. Do đó, để cải cách thực sự hiệu quả tại châu Á, các chuyên gia cho rằng cần có sự kiểm soát minh bạch, bảo đảm công bằng giữa các nhóm học sinh.
Cải cách giúp học sinh có nhiều lựa chọn cho tương lai và nghiêm túc suy nghĩ về nghề nghiệp. Cách thi mới cũng khuyến khích phát triển tính cá nhân của học sinh, cho phép các em đi theo đam mê. Cô FA XIAOLIN, Giáo viên một trường trung học ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc)