Giải 'cơn khát' cho hàng trăm hộ dân tại Nghệ An
Tại xóm Khe Sơn (xã Tiên Đồng, tỉnh Nghệ An), hệ thống dẫn nước sạch từ đỉnh núi về tận từng hộ dân với chiều dài đường ống lên đến 5.082m vừa được đưa vào vận hành. Dòng nước trong mát này đã giải quyết 'cơn khát' nước sinh hoạt của hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Thái.

Bà Lô Thị Hòa phấn khởi khi nước sạch được dẫn từ đỉnh núi về tận nhà
"Mùa hè nào cũng thiếu nước, phải dùng tằn tiện từng gáo"
Ngày này của những năm về trước, hàng trăm hộ dân tộc thiểu số ở Khe Sơn vẫn đang phải sống trong cảnh chắt chiu, dành dụm từng giọt nước sinh hoạt. Ở mảnh đất được mệnh danh "chưa hè đã cạn" này, nước sạch là thứ quý hiếm và luôn là nỗi canh cánh của mỗi gia đình.
Ông Vi Văn Chất, cán bộ Mặt trận xóm Khe Sơn, cho biết: Xóm Khe Sơn có 314 hộ dân, phần lớn là đồng bào dân tộc Thái. "Vào mùa mưa, nước có thể đủ dùng nhưng khi mùa khô đến, đặc biệt là những tháng hè nắng nóng đỉnh điểm, người dân luôn đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng", ông Chất kể lại.
Trước đây, sau những buổi chiều đi làm nương rẫy về, thay vì được nghỉ ngơi, bà con lại phải mang ống, mang gùi ra khe suối. Tại đó, họ vừa tắm giặt, vừa kiên nhẫn đào những hố nước nhỏ trong lòng suối khô cạn, rồi gánh từng gáo về nhà.
"Người dân ở đây thường hay ở men theo khe suối là vì vậy, để tiện cho việc lấy nước", ông Chất giải thích về nếp sống bao đời của người dân xóm Khe Sơn.
Phải đến khoảng những năm 1985-1986, khi một số hộ người Kinh chuyển lên sinh sống, thấy họ đào giếng, bà con dân tộc Thái mới học theo. Tuy nhiên, việc đào giếng cũng không dễ dàng bởi địa hình phức tạp, có chỗ đào xuống đến đá thì chịu, thậm chí có nhà khoan giếng tốn kém hàng chục triệu đồng nhưng vẫn không tìm được mạch nước, bao công sức và tiền bạc đổ sông đổ bể.

Niềm vui của người dân khi nước sinh hoạt được dẫn về nhà
Bà Lô Thị Hòa (69 tuổi, ở xóm Khe Sơn) kể, nhà bà đã đào đến 3 cái giếng. Một cái phải lấp đi vì ít nước, một cái khác dù gần nhà và nhiều nước nhưng chất lượng kém, nước rất bẩn. Nhiều năm qua, gia đình bà phải dùng nước giếng được đào từ nhà cũ ở sườn núi rồi dẫn nước về dùng, vừa xa lại vừa không đủ nước để dùng. "Mùa hè nào cũng thiếu nước, gia đình tôi phải dùng rất tiết kiệm, tằn tiện từng gáo", bà nói.
Bà Lô Thị Hòa đã chứng kiến xóm mình đổi thay nhiều, từ những năm tháng đói nghèo đến cuộc sống ấm no như hôm nay nhưng có một điều vẫn chưa được cải thiện, đó là tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.
Ông Vi Xuân Tiếp, Xóm trưởng xóm Khe Sơn, chia sẻ những khó khăn mà người dân phải đối mặt khi tìm nguồn nước: "Dù người dân trong xóm trước đây đã đào giếng, khoan giếng nhưng rất khó tìm được nguồn nước tốt. Nơi không có nước, nơi có thì chất lượng lại không tốt. Cũng không ít lần người dân khoan phải đá ngầm, bao công sức và tiền bạc lại thành công cốc".
Xóm trưởng xóm Khe Sơn nhấn mạnh, chi phí để khoan một giếng không nhỏ, từ 25 triệu đến 30 triệu đồng/giếng. Đây là số tiền lớn đối với các hộ nghèo.
Giấc mơ thành hiện thực
Tháng 6/2025, được sự quan tâm của Nhà nước thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng các nguồn lực xã hội hóa, một hệ thống dẫn nước quy mô lớn đã được xây dựng tại xóm Khe Sơn.

Ông Vi Văn Chất bên bể nước tại xóm Khe Sơn
Nguồn nước được lấy từ dòng suối sạch trên núi Bù Bàng - Phá Pàng, nơi có mạch nước ngầm dồi dào, nước trong và ổn định quanh năm, dẫn về đến từng hộ dân. Hiện tại, toàn xóm có 7 bể chứa nước lớn, được phân bổ hợp lý để cấp nước đến gần như toàn bộ 314 hộ dân.
Ông Vi Xuân Tiếp, Xóm trưởng xóm Khe Sơn, nói: "Có được nguồn nước từ trên núi về để sinh hoạt, bà con nhân dân rất vui mừng. Các bể chứa được xây dựng trải dài khắp xóm, có van chờ sẵn và các hộ dân dễ dàng đấu nối đưa về nhà", ông Tiếp nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Tiên Đồng, cho biết, công trình này phục vụ 2 xóm của xã Tiên Đồng (xã Đồng Văn cũ), gồm: xóm Đông Tâm (đã hoạt động trước đó) và xóm Khe Sơn.
Đánh giá về tác động của công trình, Chủ tịch UBND xã Tiên Đồng khẳng định: "Hệ thống nước tự chảy do Nhà nước đầu tư sẽ đảm bảo nước sinh hoạt cho bà con nhân dân nơi đây, từ đây đời sống của người dân được nâng cao".