Giải bài toán xử lý trụ sở sau sáp nhập

Xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp, tỉnh Hà Tĩnh xóa bỏ 12 đơn vị cấp huyện, sáp nhập 209 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 69 đơn vị. Điều đó đồng nghĩa với việc, địa phương phải sắp xếp khối lượng lớn trụ sở, tài sản công.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cùng đoàn công tác kiểm tra việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: H.N.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cùng đoàn công tác kiểm tra việc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: H.N.

Ưu tiên cho các xã, phường mới

Để có phương án bố trí trụ sở, cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động sau sắp xếp tổ chức bộ máy các cấp trên địa bàn tỉnh, Sở Tài chính Hà Tĩnh - cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh Hà Tĩnh - phải “căng mình” áp dụng các quy định, hướng dẫn mới nhất để tối ưu hóa tài sản công, tránh lãng phí, chồng chéo.

Việc bố trí trụ sở làm việc được Hà Tĩnh ưu tiên cho các xã, phường sau hợp nhất có trụ sở làm việc ngay để tạo thuận tiện trong phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ghi nhận tại một số xã, phường của Hà Tĩnh hiện nay, công tác bố trí trụ sở, tài sản công được các địa phương thực hiện nghiêm túc, chủ động, sử dụng hiệu quả nguồn lực, giảm thiểu tối đa lãng phí và bảo đảm hoạt động thông suốt của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, do lượng tài sản công nhiều nên đến nay vẫn chưa thể xử lý hết dôi dư.

Đơn cử như phường Trần Phú được hợp nhất từ 4 xã, phường của TP Hà Tĩnh cũ gồm Thạch Trung, Thạch Hạ, Đồng Môn, Hộ Độ. Hiện nay, địa phương đã bố trí cơ quan đảng ủy và khối mặt trận, công an làm việc tại trụ sở phường Đồng Môn cũ, cơ quan UBND và HĐND làm việc tại trung tâm hành chính phường Thạch Hạ cũ. Tuy nhiên, vẫn còn trụ sở phường Thạch Trung và xã Hộ Độ vẫn chưa được trưng dụng. “Hai trụ sở còn lại đang được bố trí người trông coi, bảo vệ, địa phương đang làm phương án sử dụng 2 trụ sở này để vừa đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn vừa tránh lãng phí” - ông Nguyễn Đình Diệu, Chủ tịch UBND phường Trần Phú chia sẻ.

Đối với 11 trung tâm hành chính cấp huyện đều bố trí nơi làm việc cho chính quyền xã, phường mới. “Xã được bố trí làm việc tại UBND huyện Lộc Hà cũ. Với phương án sắp xếp này, vừa bảo đảm điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức, vừa thuận tiện đối với người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các giao dịch hành chính” - lãnh đạo xã Lộc Hà nói.

Xử lý phù hợp

Ông Nguyễn Quốc Hương - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh cho biết, việc bố trí, sắp xếp, xử lý tài sản được thực hiện trên nguyên tắc phù hợp đối tượng quản lý, sử dụng, tận dụng tối đa nguồn lực các tài sản hiện có.

Thống kê của Sở Tài chính Hà Tĩnh, trụ sở cấp huyện và cấp xã trước khi sáp nhập, hợp nhất là 283. Tổng số trụ sở hiện đã được bố trí các xã, phường, cơ quan, đơn vị sau khi kết thúc cấp huyện và hợp nhất cấp xã đi vào hoạt động là 130 trụ sở. Bố trí cho các đơn vị cấp tỉnh một số trụ sở huyện, xã phù hợp để quản lý, sử dụng 7 cơ sở. Số trụ sở dự kiến bố trí cho lực lượng công an các xã là khoảng 50 cơ sở.

Số trụ sở còn lại dôi dư của Hà Tĩnh là 96 cơ sở. Đối với nhóm này, sau khi có hướng dẫn từ Bộ Quốc Phòng, theo nhiệm vụ được giao, Sở Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Chỉ Huy quân sự tỉnh để rà soát bố trí địa điểm cho các Ban Chỉ huy quân sự cấp xã đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn, định mức theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính tại văn bản số 4981/BTC-QLCS ngày 15/4/2025, sẽ được ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng của các địa phương như thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao

Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh Nguyễn Quốc Hương cho biết thêm, để tối đa hóa việc bố trí, sắp xếp trụ sở làm việc, tránh lãng phí, xuống cấp tài sản công, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, sau khi bố trí đầy đủ trụ sở đảm bảo cơ sở vật chất cho các 69 đơn vị xã, phường mới thành lập trên địa bàn tỉnh, các trụ sở còn lại sẽ được rà soát và xử lý hợp lý.

Theo đó, tiếp tục điều hòa để bố trí cho các đơn vị đang có nhu cầu tiếp nhận, quản lý sử dụng theo đúng quy định về tiêu chuẩn định mức như lực lượng công an xã; ban chỉ huy quân sự xã; và một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh đang có nhu cầu sử dụng trụ sở. Chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, mở rộng các trường học, cơ sở giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng của các địa phương như thư viện, công viên, thiết chế văn hóa, thể thao…

Sau khi thực hiện xử lý theo các định hướng như đã nêu trên, đối với các trụ sở dôi dư còn lại sẽ được thực hiện thu hồi, chuyển giao để giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương quản lý, khai thác để thực hiện quản lý, bảo quản, cho thuê nhà gắn liền với đất, bố trí cho các cơ quan, đơn vị sử dụng tạm thời. Hoặc giao tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương quản lý, phát triển và khai thác theo quy định của pháp luật đất đai.

“Việc giao các cơ sở nhà, đất cho các tổ chức có chức năng quản lý nhà và tổ chức phát triển quỹ đất nêu trên để nhằm bảo quản, quản lý đất đai, tài sản để tránh các tình huống tranh chấp, lấn chiếm phát sinh và phục vụ các mục tiêu lâu dài của nhà nước” - ông Nguyễn Quốc Hương nói.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giai-bai-toan-xu-ly-tru-so-sau-sap-nhap-10310117.html
Zalo